Người giúp những hạt mầm côi cút nở thành hoa

Nhà nữ khoa học Pháp gốc Việt Lê Kim Ngọc được xem là một bậc thầy thực vật học, có thể điều khiển quá trình nở hoa trong ống nghiệm, từ những năm 70 của thế kỷ 20.

Bà đã được nhiều tạp chí khoa học uy tín ở Pháp, Anh giới thiệu công trình như tờ Nature, Le Monde, The Cell, Paris Match, Sciences et Avenir, Science et Vie, Scientific American…
 
Trong vai trò chủ tịch hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam với hơn 400 hội viên ở Pháp, Mỹ, Anh, Bỉ…, suốt bao năm qua, bà âm thầm cùng chồng - GS Trần Thanh Vân - và bạn bè nuôi dưỡng nhiều thế hệ mồ côi trưởng thành, có em trở thành nhà khoa học tiếp tục lý tưởng cao quý của bà.
 
Tình yêu với cỏ cây, hoa lá trong bà dường như bắt nguồn từ khi còn rất trẻ?
 
Tôi không giỏi toán mà rất thích thiên nhiên. Mấy anh chị tôi đều theo ngành y, ngành dược, chỉ có ông anh lớn chọn canh nông. Hồi nhỏ, nhà tôi ở phố, trước nhà có một mảnh vườn bé xíu, anh tôi hay gieo hạt để nghiên cứu mà tôi lại không biết, cũng gieo hạt cùng một khoảnh vườn đó. Mỗi lần hạt của anh nẩy mầm, tôi lại nhổ hết đi và chờ hạt của tôi nẩy mầm. Anh tôi vì không biết, cũng làm như tôi. Một hôm tình cờ hai anh em gặp nhau trước mảnh vườn thì mới phát hiện vì lý do gì mà hạt của mình không lên mầm. Chính mảnh đất ấy đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu cỏ cây hoa lá. Sau này, khi gầy dựng những ngôi làng cho trẻ mồ côi, ở đâu tôi cũng cố gắng dành một khoảng đất, dạy các em gieo hạt, chăm sóc cây ớt, cây cà chua lớn lên từ những hạt mầm… Ở trung tâm Thụy Xuân, Huế bây giờ cây cối um tùm, các em đều biết trồng rau, nuôi cá. Trẻ thơ rất cần bầu bạn với thiên nhiên. Những điều mà tuổi thơ của mình thiếu hụt, tôi muốn bù đắp cho các em.
 
Người giúp những hạt mầm côi cút nở thành hoa - 1
Tại Paris, GS Lê Kim Ngọc và công nghệ làm cho cây phải nở hoa. (Ảnh: Hàm Châu cung cấp)
 
Du học ở Pháp, bà vất vả nhiều không?
 
Khó nhất là vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa. Tôi nhớ mãi những ngày tháng sinh viên, vì đăng ký hai chứng chỉ cùng một lúc, mỗi ngày tôi phải chạy qua chạy lại giữa hai giảng đường cách nhau khá xa. Vất vả nhất là kiếm được một chỗ ngồi gần thầy để nghe giảng. Vì vóc dáng bé nhỏ, tôi hay nhờ cậy những bạn vóc dáng to khoẻ giành chỗ cho mình. Cực khổ mấy cũng không bằng nỗi nhớ nhà. Tuy đã trải qua rất nhiều khó khăn, kết quả là cũng đạt được thủ khoa.
 
Khám phá khoa học từ lát mỏng tế bào, bắt mầm cây nở hoa theo ý muốn của bà được hình thành do đâu? Nó có làm thay đổi quan điểm của những người đi trước?
 
Tôi có một ông thầy rất thông minh, cởi mở và gần gũi sinh viên. Khi làm luận án cử nhân, thầy không cho lựa đề tài, mà đặt cho tôi câu hỏi: điều gì khiến cho một cái chồi không thể ra hoa? Đó cũng là điều thầy đang thắc mắc. Tìm hiểu, mổ xẻ nhiều quá trình, kết luận nhiều yếu tố cho một cái chồi có thể ra hoa theo ý muốn của tôi đi ngược lại với quan điểm của một người rất danh tiếng trong giới sinh học thời đó. Từ đó, tôi suy nghĩ làm sao “biểu” cái cây nghe lời mình, bằng cách tách ra từng chương trình, bắt một tế bào tự nó biết điều khiển định mệnh của mình. Quan trọng nhất với người làm khoa học là biết cách đặt vấn đề, để không phải làm những việc vô ích.
 
Con người khoa học và con người xã hội trong bà luôn hoà quyện làm một. Vì sao bà chọn mô hình làng SOS?
 
Ngay từ khi còn là sinh viên, vợ chồng tôi đã quyết tâm phải làm gì đó để giúp Việt Nam. Chúng tôi chọn con đường trồng người, trồng cây non. Khi tôi nói ý tưởng này với bạn bè, ai cũng thương, cũng muốn giúp. Làng SOS là một mô hình đẹp, vì mỗi gia đình khi cha mẹ mất đi, anh chị em không bị tan đàn xẻ nghé. Tất cả đều được sống chung trong một mái nhà, một bà mẹ đỡ đầu cả đời lo cho các em đến khi trưởng thành… Ở Đà Lạt, có những bà mẹ đã nuôi hai, ba thế hệ mồ côi trưởng thành. Xây dựng một ngôi làng SOS cũng đắt lắm, khoảng 500.000 USD, nhưng cứ nghĩ mỗi ngôi nhà sẽ là mái ấm cho mười em mồ côi, là lại thấy sung sức.
 
Ông Jack Lang, cựu bộ trưởng truyền thông Pháp, thị trưởng thành phố Blois đã gọi ông bà là “những người dám cả gan lật nhào các trái núi khó khăn”. Làm thế nào để ông bà có thể đưa được các nhà khoa học ra khỏi tháp ngà nghiên cứu để tạo ra “Gặp gỡ Blois”, “Gặp gỡ Moriond”, “Gặp gỡ Việt Nam”, xây dựng trung tâm Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn?
 
Theo dõi sự phát triển khoa học ở Việt Nam, chúng tôi càng muốn giúp nhiều hơn. Mạng lưới những người bạn làm khoa học của tôi cũng sẵn sàng giúp vì họ thấy những điều rất cụ thể. Chúng tôi không đợi xin dự án, xin tiền mới bắt đầu. Công việc này như thể một người ráng đẩy chiếc xe tải lên dốc ngược, phải đẩy chừng nào nổ máy mới có thể kéo theo nhiều người khác. Cứ làm từng chút một vậy đó, dần dà hình thành một dòng sông, khi có nước chảy, có đường lối rồi, mọi người thấy được tâm tình của mình đối với khoa học, sẽ nhảy vào cùng tham gia.
 
Gần gũi với sinh viên, chúng tôi có ý làm sao mấy người giỏi pha trộn được với các sinh viên trẻ trong những cuộc gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
 
Tình yêu giữa hai nhà khoa học đã giúp bà một nghị lực như thế nào, để có thể bổ sung cho nhau, nương tựa vào nhau?
 
Chúng tôi chẳng bao giờ ngồi đó mà phân tích, mà suy nghĩ, chỉ thấy việc là làm thôi. Công việc tổ chức hội nghị cho hơn 300 người từ khắp các quốc gia, mỗi ngưởi một thứ tiếng phiền phức lắm. Anh Vân như một máy tính, bao trùm hết mọi chuyện, suy nghĩ, làm tất cả, như “ba trong một vậy”. Các bạn thấy mình làm cực quá cũng lao vào giúp. Cũng gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng mình cứ động viên lẫn nhau để đừng có buông tay. Với “Gặp gỡ Việt Nam”, chúng tôi muốn gắn kết các nhà khoa học để có những tình bạn chân thật. Hơn 300 người, ba trăm cá tính khác nhau, để hoà vào nhau như một dòng sông quả không dễ. Cần nhất là phải tạo môi trường thật chân thành, cởi mở, để họ tự nhiên, gần gũi như trong một gia đình, cùng chung sức đưa khoa học lên cao. Ai cũng có thể gặp gỡ nhau, khám phá lòng tốt, sự chân thực của nhau. Cái gì thật, giản dị, tự nó toả ra ánh sáng.
 
Bà nghĩ gì về tương lai công nghệ sinh học Việt Nam?
 
Nhà nước cần có chiến lược phát triển sinh học cho một đất nước hơn 70% dân số là nông dân, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản, không chỉ áp dụng thành quả, có như vậy mới “ra mặt” được với thế giới. Đất nước mình nghèo, nên người dân chỉ nghĩ đến chuyện làm tiền ngay, như thế chỉ ngày càng nghèo thêm. Cách đào tạo ở Việt Nam phần lớn chỉ tạo ra những “sinh viên mãi mãi”, khó trưởng thành vì thiếu lăn lộn thực tế, thiếu môi trường để trí tưởng tượng phát triển tự do, tư duy bị động, bị dìm đi, không dám nói ra chủ kiến của mình. Về khoa học, chúng ta không chỉ thiếu kỹ sư canh nông, mà còn rất thiếu kỹ thuật viên cao cấp. Vì thiếu kỹ thuật viên cao cấp cho nên rất nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư bên Trung Quốc. Nông dân Thái Lan sướng hơn dân mình nhiều, nhờ kỹ thuật cao mà họ bán được giá hơn mình. Ngay ở Đà Lạt, nơi nổi tiếng về trồng hoa xuất khẩu, người dân cũng chỉ làm thuê cho người Hà Lan, người Nhật. Phải có một lực lượng đông đảo kỹ thuật viên gần gũi chỉ dẫn cho nông dân về đất đai, phong thổ, giống má… Nếu không có những kỹ sư canh nông đủ bản lĩnh, không có máy móc cho sinh viên khám phá, chúng ta mãi chỉ là người làm thuê. Chẳng lẽ cứ đổ lỗi mãi cho việc thiếu kinh phí đầu tư máy móc, để đất nước nghèo hoài vậy sao?
 
Tuổi ông bà đã lớn, liệu có ai đủ sức tiếp nối ông bà nuôi “giấc mộng dài” cho khoa học Việt Nam?
 
Sách giáo khoa của chúng ta rất thừa về kiến thức, nhưng cần dạy cho học sinh biết suy nghĩ hơn. Để mấy em trẻ biết yêu khoa học, suốt mười năm nay chúng tôi đã kiên trì với chương trình Bàn tay nặn bột, tập cho các em từ bậc tiểu học cách đặt vấn đề, cách suy nghĩ, lắng nghe nhau, không át tiếng của nhau, và biết chia sẻ với người khác, để từ đó hiểu sâu hơn những bài học. Quả là không dễ, nhưng nhờ mình chịu khó, nên giờ các anh trong ngành giáo dục đã bắt đầu thấy. Hy vọng sang năm bộ Giáo dục và đào tạo sẽ công khai đưa chương trình này vào môn học chính khoá.
 
Kỷ niệm nào bà nhớ nhất về thời ấu thơ, và coi đó là nguồn động viên để vượt qua những trở ngại của cuộc đời?
 
Tôi nhớ những buổi sáng tinh mơ, chị cả đánh thức tôi từ rất sớm để dậy nhóm củi nấu cháo cho cả nhà. Mẹ mất năm tôi mới một tuổi, là con út trong gia đình 12 chị em, mấy anh chị thay nhau nuôi đàn em lớn lên. Tình cảm chị em đã giúp tôi thấu hiểu sự hy sinh. Chị cả tôi như một người mẹ trong gia đình, ở vậy tới già, dành hết thời gian chăm cho các em. Chị em gồng gánh nuôi nhau đã tạo nên tính cách độc lập trong tôi từ rất sớm, biết tự xoay trở để bớt đi gánh nặng của anh chị, lúc nào cũng cố gắng học để đền ơn những tấm gương đó.
 
Trong khoa học, bà coi trọng điều gì nhất?
 
Người làm khoa học ngoài sự quyết liệt, đam mê, phải biết thường xuyên đặt câu hỏi và cố gắng có câu trả lời. Khi đưa ra câu hỏi nào đó không được thả trôi nó, lúc nào cũng “ôm” câu hỏi đó trong đầu và tìm kiếm câu trả lời.
 
Điều lành nào với bà là quý giá nhất? Bà nghĩ gì về trách nhiệm của người trí thức?
 
Hạnh phúc nhất là nhìn mấy em mình nuôi, theo dõi từng em trưởng thành, lớn lên từng bước, từng số phận hoà vào trong xã hội, không còn mồ côi, vơ vất nữa. Rồi chính các em ấy trở lại thương mấy em “cù bất cù bơ”. Danh vọng, tiền bạc đồ sộ mấy một phút cũng tan thành mây khói. Chỉ có tình thương giống như tiếng chuông ngân mãi theo thời gian. Không cần phải là trí thức, người bình thường cũng biết sống vì cộng đồng. Khi làm điều đó một cách thực tâm, tự nhiên, tự họ sẽ toả ra một cái gì đó tốt đẹp hơn cho xã hội.
 

Người giúp những hạt mầm côi cút nở thành hoa - 2
GS Phạm Quang Hưng, Đại học Virginia (Hoa Kỳ):

“Một người không bao giờ dừng chân, lúc nào cũng chạy, tánh tình rất cởi mở và thân thiện, luôn ưu ái những người trẻ để họ có một môi trường phát triển sự nghiệp. Không thể nào tách rời hai con người ấy trong những hoạt động từ thiện và khoa học. Sau gần 40 năm, những làng SOS được mở rộng ra nhiều nơi trong nước là kết quả của sự kiên trì đạt tới mục tiêu, bất kể mọi khó khăn. Chứng kiến tài quản lý và năng lực của chị trong những hội nghị quốc tế về vật lý tại Việt Nam từ năm 1993, tôi càng ngưỡng mộ tình yêu nước, mong ước nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của nước nhà của anh chị”.

 
Người giúp những hạt mầm côi cút nở thành hoa - 3
GS Phạm Xuân Yêm, nguyên giám đốc nghiên cứu trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS):

“Vợ chồng tôi quen biết anh chị trên 40 năm. Tôi quý chị trước hết là bởi tấm lòng nhân ái, nồng nhiệt, tình thương đối với con trẻ Việt Nam côi cút thiếu may mắn. Tế nhị, tinh tường, nhạy bén mà kín đáo, chị đứng sau trợ giúp rất hiệu quả cho anh Vân trong các hội thảo quốc tế. Hiếm có một phụ nữ nào vẹn toàn cả hai bề: tài năng chuyên môn đã đành, chị còn thành công hữu hiệu trong việc làm thiện nguyện xã hội qua các làng trẻ SOS Việt Nam.

Ai đến thăm nhà anh chị ở Pháp đều hiểu ngay đôi vợ chồng khăng khít này sống rất giản dị, chẳng hề quan tâm đến vật chất, tiền của, mọi sinh hoạt đều dồn cho khoa học và quê hương. Rất cảm phục tâm và trí của chị”.

 
Theo Kim Yến
SGTT