Người đàn ông thông minh nhất lịch sử thế giới
(Dân trí) - 18 tháng tuổi William James Sidis bắt đầu đọc tạp chí New York Times. Cho đến khi qua đời, ông có thể nói gần 200 ngôn ngữ.
Cậu bé William bắt đầu đọc báo lúc 18 tháng tuổi. Cậu viết 4 cuốn sách về giải phẫu và thiên văn học, thành thạo 8 ngoại ngữ: Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Armeni và Vendergood (ngôn ngữ do chính William sáng tạo ra) khi chưa tròn 8 tuổi. 9 tuổi, William tham gia hội nghị chuyên đề của Havard về không gian 4 chiều. 2 năm sau cậu được nhận vào Havard.
William là người thông minh nhất trong nhóm các thần đồng theo học tại Harvard năm 1909 trong đó có Norbert Wiener, cha đẻ của lý thuyết Điều khiển học và nhạc sĩ Roger Sessions. Cũng giống William, Wiener là sản phẩm thành công trong giấc mơ tạo ra thần đồng của cha mẹ ông.
William James Sidis
Với chỉ số thông minh đạt 250-300, William thường được nhắc đến là người thông minh nhất trong lịch sử thế giới.
Năm 1918, William bị bắt giam trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh. Trong tù William đã gặp người phụ nữ đầu tiên và cũng là người cuối cùng khiến trái tim ông rung động, một nhà hoạt động xã hội người Ireland có tên Martha Foley.
Sau khi ra tù, báo chí không ngừng săn đuổi ông. William quyết tâm tìm sự riêng tư. Ông từ bỏ toán học và chuyển sang viết sách. Năm 1925, ông xuất bản cuốn sách về vũ trụ học trong đó ông dự đoán về các hố đen trong vũ trụ. Nhưng mục đích của cuốn sách này lại là để chạy trốn tuổi thơ và cha mẹ ông.
William qua đời vì xuất huyết não vào năm 1944. Cho tới những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn mang tấm ảnh của Martha Foley bên mình. Dù Martha đã kết hôn từ lâu nhưng ông vẫn yêu cô trong tâm tưởng. Suốt cuộc đời, William bị cha mẹ tước đoạt tình yêu, nghệ thuật, âm nhạc hoặc bất cứ thứ gì có thể khiến ông sao lãng.
Amy Wallace, người viết tiểu sử về William James Sidis đã bày tỏ sự tức giận trong cuốn sách của mình: “Hãy để những đứa trẻ (những thần đồng tương lai) được lớn lên trong một thế giới mà những người xung quanh chào đón, nuôi dưỡng tài năng và giấc mơ của riêng chúng chứ không phải một thế giới coi chúng như những sinh vật kỳ dị”.
Đàm Loan