(Dân trí) - Chỉ có 190 hộ dân, thế nhưng ngôi làng nhỏ bé Trường Lưu ở xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có đến gần 70 người con ưu tú là nhà giáo nhân dân, giáo sư tiến sĩ, nghệ sĩ, cấp tướng và có hơn 200 thạc sĩ, cử nhân, giáo viên.
Vào một ngày chiều muộn đầu tháng 5, chúng tôi có chuyến ngược lên miền núi, về với ngôi làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ngôi làng này diện tích đất 65 hecta, với 190 hộ dân và 620 nhân khẩu, thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu là làm nông nghiệp. Vị thế ngôi làng này nằm vị trí đắc địa, thoạt nhìn từ xa, ngôi làng đẹp như một bức tranh thơ mộng. Làng Trường Lưu nằm nép mình bên sườn núi, phía dưới làng có dòng kênh chảy qua, có rất nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh như: giếng quan, chợ quan, đình quan... Ngôi làng còn này còn có các tên gọi khác như: làng Đỗ, làng Quan, làng tiến sĩ, làng hiếu học...
Ngôi làng hiếu học Trường Lưu.
Ngôi làng chỉ có 190 hộ dân, thế nhưng có đến gần 70 nhà giáo nhân dân, giáo sư tiến sĩ, nghệ sĩ, cấp tướng và có hơn 200 thạc sĩ, cử nhân, giáo viên. Ngôi làng này nức tiếng về truyền thống hiếu học đã có từ rất lâu đời, số tỉ lệ học sinh đậu vào các trường học viện và đại học hàng năm rất cao. Số trẻ em trong làng từ cấp 1 đến cấp 2 chỉ có khoảng 20 em, bởi thế người ta hay gọi ngôi làng này “làng tiến sĩ nhiều hơn trẻ con”.
Tên tuổi các ông nghè ông cử được lưu lại tại nhà văn hóa thôn.
Vui mừng khi nhắc đến thành tích học của làng, ông trưởng thôn, Nguyễn Huy Hiền kể cho chúng tôi nghe: “Cuộc sống người dân thôn Trường Lưu đang còn khó khăn, thu nhập chính chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp. Trong làng có đến 69 nhà giáo nhân dân, giáo sư tiến sĩ, nghệ sĩ và cấp tướng, hàng trăm giáo viên đã nghỉ hưu và hiện đang công tác. Hầu như trong làng, nhà nào cũng có con cái học đại học, có nhà đến 5 người học đại học, còn một nhà 3 đến 4 người học đại học thì rất nhiều. Với ngôi làng này việc học lúc nào cũng được đặt lên đầu tiên, trong làng chưa có một học sinh nào bỏ học giữa chừng”.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, thì những người bố, người mẹ đã lao động vất vả, tất bật giữa dòng đời mưu sinh. Những câu chuyện như cả nhà nhịn ăn, bán cả trâu bò, bán lúa non, hay bán cả nhà ra sống giữa bãi tha ma để lấy tiền con cái đi học. Một trong số những người nông dân điển hình về sự nghiệp học hành của làng là gia đình ông Nguyễn Huy Chiến, ông Nguyễn Thanh Ước, ông Nguyễn Huy Hiền...
Ngôi nhà vắng nằm sâu hun hút với con đường ngoằn nghèo, là nhà ông Nguyễn Huy Chiến, gia đình ông có năm đứa con thì hai người đầu học ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Thái Bình, một người đang đi học ở Úc, một người học ĐH Thủy sản Nha Trang, cô gái út đang học Sư phạm. Để nuôi được cả 5 con đi học, vợ chồng ông Chiến đã phải tất bật ngược xuôi, nhịn ăn, bán cả con trâu là đầu cơ nghiệp để con cái có tiền đi học.
Còn gia đình ông Nguyễn Huy Hiền có 4 con thì 2 đứa đầu đang học đại học, đứa con gái thứ 3 đang học chuyên Toán trường chuyên Hà Tĩnh, còn đứa con trai út đang học trường tiểu học (cô con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Lành, đậu vào Trường Ngoại thương TP Hồ Chí Minh với số điểm 29). Để nuôi được 4 con ăn học, ông Hiền phải làm đủ thứ nghề, như vừa làm 1 mẫu ruộng, làm phụ hồ, hay cả việc xuất khẩu lao động, gia đình ông phải vay cả ngân hàng mới đủ trang trải.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiền chia sẻ: “Vì các con chúng nó học được, nên bố mẹ phải cố gắng, tôi phải lặn lội làm đủ thứ nghề mới đủ trang trải cho các con ăn học. Vất vả nhưng nhìn lại thấy con cái có được cái chữ mình vui rồi...”.
Để có tiền nuôi cả 5 con học đại học, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Ước phải đi lấp từng hố bom trồng lúa, thậm chí bán cả ngôi nhà đang ở, ra sống giữa bãi tha ma lấy tiền cho con đi học, vất vả với vợ chồng ông không thể đếm xuể. Thế nhưng, giờ đây cả 5 người con của ông đã bước ra nghề có công ăn việc làm ổn định.
Nói về sự gian nan, ông Ước chia sẻ: “Tính vất vả thì không kể hết chú à, vợ chồng tui phải đi lấp từng hố bom để lấy đất trồng lúa, cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mong kiếm thêm chút gạo để con cái no ấm hơn. Lúc con cái học hành lên cao, không biết xoay sở đâu, vợ chồng tôi quyết định bán căn nhà đang ở, ra ở giữa bãi tha ma... khổ thì không nói hết".
Vợ chồng ông Ước phải bán cả căn nhà lấy tiền cho con cái ăn học.
Chuyện học giỏi ở đất này, ngoài một cách để thoát nghèo còn có sự kế thừa từ truyền thống chăm lo sự học. Nếu ngày xưa Nguyễn Huy Oánh lập ra ruộng học điền, thì sau này làng Trường Lưu, có lệ cứ đến rằm trung thu là lại góp quỹ phát thưởng cho những em học sinh giỏi của làng. Những người con đi xa, thì cùng nhau góp tiền, trao cho những em có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi vào dịp đầu năm học. Từ những phong trào ấy, bao nhiêu học trò làng nay đã thành ông nghè ông cử. Câu chuyện của ông quan nhất phẩm thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Huy Oánh từ thế kỷ 18, được người dân ở đây nhắc đến cho bậc hậu thế, khi mỗi lần phát quà, trao thưởng cho học sinh: "Xưa kia Quan Oánh, giã quan trường về làng, tóc sương tuổi hạc, nhưng ông vẫn góp công góp của lập nên Phúc Giang thư viện. Chính nơi này ông đã mở trường dạy học, gọi là “Thạc Đình học hiệu”, không thua kém những học tầm cỡ tại Thăng Long. Vận động dân làng gây dựng nên một làng Trường Lưu trứ danh miền Nghệ Tĩnh.
Những bản khắc gỗ dùng để dạy học đang được lưu giữ ở làng.(ảnh L.Đ.D)
Chính ông đã tạo nên vườn hoa bên núi Phượng Sơn, đào ao thả sen, khơi giếng Thạc (Thạc tỉnh), lập chợ Quan, tu bổ miếu chùa, lập kho thóc gọi là nghĩa thương để dân chắt chiu dành dụm thóc góp lại giúp nhau lúc giêng hai giáp hạt... khiến Trường Lưu xưa kia nổi tiếng với 8 cảnh đẹp đã đi vào văn chương, thi ca. Cả cảnh lẫn tình của đất Trường Lưu hun đúc nên văn chất đất học, giờ đây từ sự học bao người nên danh phận, cũng nhờ công lớn từ ông.
Kế tục sự nghiệp của Quan Oánh, bậc hậu thế sau này, khi hết tuổi về hưu đã lập ra Hội Giáo chức, chủ tịch Hội Cựu giáo chức này là thầy giáo Nguyễn Huy Lập (70 tuổi), ông đã đứng ra tập hợp những người dạy học đã nghỉ hưu. Hội giáo chức hoạt động với mục đích dạy học cho con em trong làng, lập quỹ ủng hộ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh giỏi. Đến nay Hội Cựu giáo chức có đến hơn 90 người.
Nhà văn hóa khang trang vừa được xây dựng nhờ công lớn đóng góp của con cháu trong làng.
Trao đổi với Dân Trí, ông Lê Đình Quang - phó Chủ tịch xã Trường Lộc cho biết: “Phong trào học tập ở ngôi làng này ngày càng được các bậc thế hệ đi trước chăm lo và phát triển. Hàng năm làng có quy ước vào các dịp lễ phát thưởng cho học sinh hiếu học, ở xã thì phát thưởng cho những học sinh học giỏi, các em đậu vào các trường đại học, cao đẳng cùng các thầy cô giáo có thành tích trong giảng dạy. Mục đích của việc phát thưởng nhằm động viên các em nỗ lực hơn nữa trong việc học tập, các thầy cô giáo phấn đấu vì sự nghiệp trồng người”.