Nghịch lý trong đào tạo sư phạm

Có một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ: các trường sư phạm đang "nhoài" ra để đào tạo các ngành ngoài sư phạm, trong khi một số trường khác lại thành lập khoa sư phạm cũng với mục tiêu đào tạo giáo viên.

TS Nguyễn Văn Hoàng, Khoa Pháp, trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận định, trường ĐH sư phạm không còn là trường ĐH chuyên ngành nữa mà đã trở thành một trường ĐH đa ngành. Trong những năm sắp tới cùng với vai trò, vị trí và uy tín ngày càng cao, do nhu cầu của xã hội, trường hoàn toàn có khả năng mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo khác nữa ngoài sư phạm. 

 

Một thực tế hiện nay có rất nhiều trường ĐH sư phạm đang phải hợp đồng với các địa phương để đào tạo giáo viên theo địa chỉ, riêng trường ĐH Sư phạm TPHCM từ năm 1997 trở lại đây đang đào tạo 4.745 giáo viên theo địa chỉ cho những tỉnh vùng xa và những vùng còn thiếu nhiều giáo viên các môn đặc thù, những bộ môn chủ yếu đang bắt buộc phải dạy trong các trường phổ thông.

 

Theo ông Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM, những năm qua, trường nhận được khá nhiều thông tin về việc sinh viên đã tốt nghiệp các trường khác, muốn học nghiệp vụ sư phạm để tham gia giảng dạy ở các trường phổ thông.

 

Từ những thực tế đó, trường ĐH Sư phạm TPHCM đã làm đề án mở thêm loại hình đào tạo, đó là đạo tạo bằng cử nhân II, gồm các ngành: Toán học, Vật lý… Mục tiêu đào tạo của loại hình này là đào tạo các sinh viên đã tốt nghiệp một bằng ĐH có trình độ cử nhân thuộc chuyên ngành tương ứng với chuyên ngành đó của  ĐH sư phạm.

 

Trong khi đó, một số trường ĐH lại mở khoa Sư phạm. Trước mắt, các khoa sư phạm này vẫn đi theo con đường của ĐH sư phạm là đào tạo giáo viên trong 4 năm nhưng trong tương lai chắc chắn việc đào tạo sẽ đa dạng hơn bằng cách tuyển những người đã tốt nghiệp các khoa khác đào tạo thêm 1 hoặc 2 năm nữa rồi cấp chứng chỉ sư phạm để họ hành nghề dạy học. 

 

Vì vậy, GSTS Lê Ngọc Trà, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, đề nghị các trường ĐH sư phạm phải xem lại mục tiêu và nhiệm vụ của mình. Một trong những vấn đề cần được đặt lên hàng đầu là trường ĐH sư phạm phải trở thành một trung tâm nghiên cứu và đạo tạo các chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực giáo dục.

 

Các ý kiến trên được đưa ra tại hội thảo Mục tiêu đào tạo và mô hình các trường ĐH sư phạm Việt Nam trong giai đoạn mới do trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 24/5 với mục đích: tìm ra mô hình đào tạo và quản lý chất lượng giáo viên cho thích hợp.

 

Theo Cam Lu - Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm