Thanh Hóa:

Nghị lực vượt khó của lương y cao 80cm

(Dân trí) -Thân hình bé nhỏ với chiều cao chỉ gần 80cm, nhưng bằng nghị lực của bản thân, chàng trai xứ Thanh Ngô Văn Định (SN 1990) đã vượt qua mặc cảm, tự ti về hình dáng của mình để trở thành người thầy thuốc Đông y sau khi tốt nghiệp Học viện Y dược cổ truyền.

Đó là câu chuyện của chàng trai Ngô Văn Định ở thôn 2, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc. Ít ai nghĩ rằng, một người chỉ cao gần 80cm, đi đứng nhiều lúc còn chưa vững lại có thể trở thành một thầy thuốc Đông y khám chữa bệnh cho nhiều người.

Thầy thuốc Đông y Ngô Văn Định đang bốc thuốc cho bệnh nhân.
Thầy thuốc Đông y Ngô Văn Định đang bốc thuốc cho bệnh nhân.

Định sinh ra vốn có hình dáng “khác thường” đầu to “quá khổ”, chân tay co rúm, mềm nhũn. Cũng bởi kinh tế khó khăn, lại nghĩ lúc mới sinh ra Định như vậy, nên gia đình không đưa con đi khám. Nhưng càng lớn đầu của Định thì càng to ra, chân tay thì ngắn, lúc ấy gia đình đưa đi khám thì mới biết con mình bị dị tật bẩm sinh.

Lúc lên 5 tuổi, Định vẫn chưa thể tự mình bước đi, thi thoảng vẫn cố rướn người lên nhưng chân vẫn không chịu theo sự điều khiển. Thương con bệnh tật, nên bố Định là ông Ngô Văn Bằng hàng ngày vẫn kiên nhẫn rèn dũa cho con mình, từ tập ngồi đến tập đi.

Những lần tập ngồi tập đi như vậy, đôi chân Định như rã rời, nhưng nhờ sự giúp đỡ của bố, nghị lực của chính bản thân, dần dần Định cũng chập chững bước được những bước đi đầu tiên.

Đến tuổi đi học, nhìn thấy đám bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường, Định xin bố mẹ được cho mình đi học như các bạn. Thương con đi đứng còn chưa vững, sức khỏe lại yếu, nhưng thấy con mình nằng nặc đòi đến trường bằng được, gia đinh cũng chiều theo ý con. Để được đến trường, hàng ngày bố mẹ phải đưa con đi học bằng chiếc xe đạp.

Lúc đi học, cũng có bạn bè trêu chọc, nhưng bỏ qua những mặc cảm cá nhân ấy, Định luôn nỗ lực hết mình trong việc học, khiến bạn bè, thầy cô phải cảm phục. Sức đề kháng của cơ thể vốn yếu, nên Định rất hay bị ốm, muốn tự mình có thể chăm sóc cho bản thân mà không làm phiền đến bố mẹ, nên khi làm hồ sơ thi đại học, Định quyết định thi vào Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, đó cũng là mong muốn của bản thân và gia đình.

Ngày nhận tin mình đỗ vào hệ Cao đẳng, Học viện Y dược cổ truyền với gia đình Định niềm vui thì ít mà lo toan thì nhiều. Không biết lúc đi học ai sẽ lo cho Định, lúc con mình ốm đau ai sẽ là người chăm sóc, rồi lại kinh phí học tập cho Định nữa.

Bỏ qua những lo lắng suy nghĩ ấy, gia đình quyết định lúc Định nhập học, bố Định sẽ đi theo để chăm sóc, công việc ở nhà toàn bộ do mẹ lo toan. Ngoài việc chăm sóc, ông còn đi làm thêm để kiếm tiền trang trải lo cho con ăn học. Biết hoàn cảnh gia đình của hai bố con Định khó khăn, nhà trường đã giới thiệu bố Định vào làm lao công cho nhà trường vừa làm thêm, vừa có thể gần và chăm sóc con mình.

Có hôm đi học, vì quá mệt, có hôm Định ngất xỉu trên lớp, làm thầy cô và các bạn nhiều phen hú vía. Đoạn đường từ phòng trọ đến trường tuy ngắn, nhưng mỗi lần đi đến trường với Định là cả một chặng đường dài. Nhiều hôm đôi chân tê mỏi, nhức nhối không chịu bước, nhưng nghĩ đến buổi học, Định lại dặn lòng cố gắng.

Chàng trai giàu nghị lực tâm sự: “Lúc đi học Cao đẳng, em được thầy cô và bạn bè giúp đỡ rất nhiều, vừa tạo điều kiện cho bố em có việc làm, lại luôn ủng hộ và quan tâm em trong việc học tập. Đôi lúc em tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng thầy cô bạn bè luôn ở cạnh để động viên an ủi em”.

 Những lúc rảnh rỗi, Định đọc thêm tài liệu nghiên cứu.
 Những lúc rảnh rỗi, Định đọc thêm tài liệu nghiên cứu.

Thấy cậu học trò hình dáng nhỏ bé nhưng ham học, các thầy cô giáo trong khoa đi khám bệnh ở đâu cũng đều đưa Định đi cùng để học hỏi thêm kinh nghiệm. Có thầy cô còn gửi tặng rất nhiều sách chuyên môn về y học để Định nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Hải - mẹ Định vui mừng: “Lúc con đi học xa, cả nhà lo lắm, nhưng bây giờ thì sức khỏe con tốt lên nhiều lắm, cũng tự lo cho bản thân mình được rồi. Phận làm cha làm mẹ ai cũng mong con cái mình khỏe mạnh và thành đạt”.

Sau khi ra trường, Định về quê mở một phòng khám chữa bệnh cho người dân. Nhất là những người già neo đơn, Định còn tận tình đến từng nhà để khám chữa bệnh cho họ. Ngoài việc khám chữa bệnh, Định còn đọc thêm tài liệu để nghiên cứu thuốc về chữa đau lưng.

Định cho biết: “Tôi luôn quan niệm theo phương châm sống của Bác Hồ, nhất là những người như tôi, cần phải có nghị lực, nhất là bài thơ “Giã gạo” của Bác đã dạy tôi phải biết vượt qua khó khăn, đời người có trải qua khó khăn mới rèn dũa được bản thân mình”.

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm