Nghị lực lớn của cô trò nhỏ

Sinh ra đã không có hai cánh tay nhưng em Lê Thị Thắm, con gái của đôi vợ chồng anh Lê Xuân Ân và chị Nguyễn Thị Tình (thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã miệt mài luyện viết bằng chân trái.

Thắm say mê học tập để trở thành học sinh giỏi toàn diện trong hai năm học vừa qua. 

 

Thắm bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bà ngoại (bà ngoại Thắm từng là TNXP thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước), khi sinh ra đã không có hai cánh tay.

 

Chị Tình kể: “Hôm sinh Thắm ở bệnh viện ngày 1/3/1998, khi biết cháu không có hai cánh tay, mọi người đã bế Thắm sang phòng chăm sóc trẻ sơ sinh giấu tôi. Biết có chuyện chẳng lành, tôi đòi gặp con. Thật đau đớn khi nhìn đứa con yêu của mình không có hai cánh tay đang quẫy đạp đôi chân bé xíu, yếu ớt trong lồng kính”.

 

Từ nhỏ Thắm đã có tính tự lập và ham học hỏi. Ba tuổi, thấy bố mẹ đánh răng, rửa mặt, chải đầu, Thắm không để bố mẹ làm cho mình mà đòi hướng dẫn để tự làm.

 

Những lần đầu, các ngón chân cứng queo không kẹp được bàn chải, chiếc lược, chiếc khăn, Thắm âm thầm ngồi tập làm cả buổi. Nay Thắm đã tự làm được các việc cá nhân cho mình một cách thuần thục.

 

Năm tuổi ra lớp mẫu giáo trường làng, em rải chiếu xuống nền, kẹp bút vào bàn chân trái miệt mài tập viết. Về nhà, Thắm lại rải chiếu ra hè ngồi luyện viết suốt cả ngày.

 

“Nhiều hôm cháu luyện viết say sưa đến mức mệt lả đi rồi ngủ thiếp ngay trên chiếu”- mẹ Thắm kể lại. Chỉ trong hai tháng đầu của năm học mẫu giáo, em đã viết bảng chữ cái, viết các con số thành thạo như các bạn.

 

Suốt năm học lớp một và lớp hai vừa qua, Thắm luôn là học sinh giỏi của lớp, của trường. Riêng môn tiếng Việt, năm học nào Thắm cũng được điểm chín, điểm mười.

 

Cô giáo Đoàn Diệu Thúy, chủ nhiệm cô học trò đặc biệt, năm lớp hai nhận xét: “Tuy bị tật nguyền, phải viết bằng chân, nhưng bài chính tả của Thắm luôn trình bày đẹp nhất lớp. Thắm luôn dẫn đầu lớp về số điểm môn Toán, em còn có năng khiếu vẽ tranh và làm thơ”.

 

“Em ước mơ học thật giỏi để một ngày nào đó được đi khắp đất nước vẽ tranh phong cảnh. Em cũng luôn mơ ước trở thành cô giáo để sau này dạy học, dạy vẽ tranh cho những người tật nguyền” - Thắm tâm sự.

 

Bố của Thắm quanh năm đi làm thuê, cố gắng, chắt chiu lắm mới chỉ lo đủ gạo ăn cho bốn người và tiền học cho con. Còn chị Tình ở nhà làm hai sào ruộng, năm được mùa, năm mất mùa, chẳng được là bao.

 

Nhiều đêm rúc vào nách mẹ, Thắm thủ thỉ: Hay con nghỉ học ở nhà trông cu tí giúp bố mẹ để gia đình đỡ vất vả. Chị Tình ôm Thắm vào lòng, động viên trong nước mắt: “Con phải đi học. Dù phải làm thuê cả đời, bố mẹ cũng sẽ lo cho con học hành nên người”.

 

Theo Tiền Phong