Nghề tay trái thu nhập cao của nhà giáo
Các thầy cô giáo Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (TP Tuy Hòa, Phú Yên) chọn một nghề tay trái khá nhẹ nhàng nhưng có thu nhập hàng chục triệu đồng: trồng cây kiểng tết.
Thầy Bùi Văn Cường dạy môn công nghệ, đã có 11 năm trong nghề, mức lương 3 triệu đồng/tháng. Đồng lương này chỉ đủ trang trải cho cá nhân thầy trong khi gia đình còn 3 miệng ăn khác.
Thầy Cường suy tính: “Kinh doanh thì không đủ vốn, lại phải dành nhiều thời gian nên sẽ xao lãng việc dạy học. Trong khi người dân ở đây sống chủ yếu là nghề trồng hoa tết, vì sao mình không thử làm nghề tay trái này để tăng thu nhập?”.
Nghĩ vậy, thầy cùng gia đình mượn phần đất còn trống của trường để trồng cây quất bán tết. Năm nay gia đình thầy Cường trồng hơn 260 chậu quất và tất cả đều ra quả trúng dịp tết.
“Tôi dự kiến giá bán chừng 140.000 đồng/chậu, trừ chi phí còn lãi chừng 70.000 đồng/chậu. Tôi chọn nghề tay trái này để có đồng ra, đồng vào mà yên tâm công tác”, thầy Cường tâm sự.
Nhẩm tính, vụ hoa tết này thầy Cường thu nhập hơn 18 triệu đồng, bằng nửa năm lương giáo viên của thầy.
Trong khi đó, thầy Tô Văn Ngọ, giáo viên môn toán - lý chọn trồng cây bonsai các loại như: mai ghép, linh sam và sanh. Hiện thầy Ngọ có hơn 100 chậu bonsai, đủ các loại dáng thế, trong đó có cây trị giá gần 100 triệu đồng.
“Ngoài thời gian đầu tư cho dạy học, tôi còn tranh thủ cho thú vui lắm công phu này”, thầy Ngọ tâm tình và cho biết, mỗi năm thầy xuất bán chừng 10 chậu kiểng, thu nhập cũng kha khá.
Nhiều cô giáo của Trường THCS Đinh Tiên Hoàng cũng tham gia trồng hoa tết như cô Đặng Thị Hải Hòa, cô Văn Thị Hạnh…
Thầy Võ Xuân Ánh - Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Cả trường có khoảng 20 thầy cô giáo làm nghề trồng hoa tết. Mỗi mùa tết, những giáo viên này thu nhập từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Với thu nhập này, giáo viên ở đây đã yên tâm công tác, gắn bó với nghề giáo dù đồng lương còn thấp so với mặt bằng chung”.
Thầy Ánh tiết lộ: “Nhóm thầy cô thành lập tổ trồng hoa trực thuộc công đoàn trường để giúp nhau về vốn, chia sẻ kinh nghiệm dạy học và trồng hoa, đồng thời có cả quỹ hỗ trợ nhau làm kinh tế. Tết xong, các thầy cô họp lại rút kinh nghiệm, trao đổi cho nhau để làm sao vụ hoa năm sau trúng lớn hơn”.