Ngày mặc “đồng phục cá tính” trong trường học: Nên hay không?
(Dân trí) - Một số trường học ở TPHCM thực hiện "ngày cá tính", theo đó học sinh mặc đồng phục tự do của lớp thay cho đồng phục của trường vào một ngày trong tuần. Việc "phá chuẩn" này cũng dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi.
Ngày học cuối tuần "tự do"
Thứ 6, học sinh một số trường ở TPHCM mặc đồng phục "ngày cá tính" - còn đùa với nhau đây là ngày "tự do". Thay vì mặc đồng phục đi học hàng ngày, các em được mặc đồng phục theo lớp với màu sắc, cách thể hiện, thông điệp riêng.
Mới đây nhất, ngôi trường chuyên nổi tiếng của TPHCM, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đưa ngày thứ 6 này vào thực hiện. Sân trường ngợp sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng trong những chiếc áo phông đồng phục của riêng mỗi lớp.
Từ năm 2014, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM cũng đã đưa "ngày thứ 6 cá tính" vào thực hiện. Vào ngày đó, học sinh được cất đi bộ đồng phục trường quen thuộc để tự do mặc... đồng phục do lớp tự thiết kế, sáng tạo.
Chỉ một bộ trang phục khác với mọi ngày nhưng có thể nhìn thấy rõ sự thích thú, phấn khởi, háo hức của học trò. Thứ 6 trở thành một ngày được chờ đợi với các em không chỉ vì là ngày cuối tuần mà còn là ngày của chính mình.
Các em đến trường với bộ quần áo tự do, chiếc áo do chính mình góp ý kiến thiết kế mang phong cách, cá tính riêng. Qua đó, học sinh cũng thể hiện được bản thân, sự khác biệt, điểm nhấn trong các thông điệp của lớp và cả qua cách giao tiếp, vui chơi, học tập, đi đứng...
Chiếc áo làm nên... thầy tu!
"Chiếc áo không làm nên thầy tu" trong trường hợp "ngày cá tính" của học sinh chưa hẳn chính xác. Nhiều ngày trong tuần và nhiều năm qua, các em đến trường với bộ đồng phục toàn trường giống nhau, nghìn em như một... muốn hay không đâu đó vẫn là sự nhàn nhạt, nhàm chán.
Có một sự thay đổi, chỉ một ngày trong tuần thôi nhưng dễ dàng nhìn thấy sự háo hức và phấn chấn của học sinh khi được khoác chiếc áo "phá cách". Một không khí tươi vui, bắt mắt ở sân chơi, khu căng tin, trong lớp học hay cả ở phòng thí nghiệm...
Mong muốn thể hiện cá tính là nhu cầu rất lớn của tuổi trẻ. Mỗi chiếc áo của các em mặc mang ý nghĩa, câu chuyện riêng của lớp... với rất nhiều thông điệp tích cực, nhân văn.
"Từ ngày trường thực hiện hoạt động này, con trai tôi mong đến thứ 6 để được mặc đồng phục lớp. Chiếc áo thun, màu sắc phù hợp với sự năng động của tuổi trẻ hơn chiếc áo đồng phục thông thường mà nó còn thể hiện tinh thần của lớp", chị Thanh Trang, có con học lớp 10, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chia sẻ.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong muôn kiểu sắc màu đồng phục vào ngày học cuối tuần.
Khi đưa ngày thứ 6 "tự do" vào thực hiện, thầy Trần Ái Việt, khi đó còn là hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 cho hay giáo dục của chúng ta chưa khuyến khích các em bộc lộ bản thân, cá tính riêng. Trong khả năng của mình, trường muốn xây dựng "ngày hạnh phúc" cho các em khi có cơ hội thể hiện phong cách, cá tính một cách văn minh.
Nhờ đó, học sinh vui tươi, tự tin thể hiện cái tôi của mình cũng như sẽ có thêm nhiều ký ức đẹp ở tuổi học trò.
Phải cân nhắc kỹ lưỡng
Đúng như dự tính của lãnh đạo các trường, "ngày tự do" trong trường học nhận được nhiều sự ủng hộ thì cũng vấp phải ý kiến trái chiều từ phụ huynh, dư luận xã hội.
Rất nhiều người cho rằng không nên để học sinh mặc trang phục dã ngoại đi học, mất đi sự nghiêm túc, khuôn khổ của trường học. Ngoài ra, có người nêu quan điểm rằng, như vậy là phát sinh thêm một khoản tài chính của phụ huynh cho "niềm vui tinh thần" của con trẻ.
Bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho hay, khi lãnh đạo nhà trường đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nước, thấy rằng ở nhiều nơi có ngày học sinh được mặc tự do, thoải mái.
Với tinh thần học sinh phải vui thì học mới vào, giúp các em giảm được phần nào căng thẳng khi đến trường nhưng khi đưa "ngày thứ 6 cá tính" vào, Ban giám hiệu cân nhắc rất kỹ. Nhất là việc sao cho phù hợp với văn hóa, cách suy nghĩ của người Việt.
Các em phải mặc theo đồng phục lớp đã đăng ký qua Ban giám hiệu, còn quần... thì được mặc tự do vì nếu thêm đồng phục quần thì sẽ gây áp lực cho gia đình. Tuy nhiên vẫn phải theo tiêu chi văn hóa học đường không được mặc quần ngố, quần rách.
Theo các trường, chúng ta hãy chấp nhận, tạo một không gian nhất định để học sinh thể hiện cái "tôi" của mình trong khuôn khổ cho phép của môi trường học đường.
Hoài Nam