Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10: Xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong nhân dân

(Dân trí) - Phong trào khuyến học đã tiến sang giai đoạn mới. Để có được một xã hội học tập do Đảng đề ra, công tác khuyến học tập trung làm tốt mô hình công dân học tập, bởi muốn xây dựng thành công xã hội học tập thì trước hết, mỗi người dân đều phải học tập suốt đời.

Ngày 2/10 hàng năm đã được Nhà nước chính thức công nhận là NGÀY KHUYẾN HỌC VIỆT NAM tại Quyết định số 1271/QĐ-TTg (9/2008). Ngày 2/10 cũng là Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam.

Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10: Xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong nhân dân - 1

Những người làm công tác khuyến học cùng với nhân dân coi ngày 2/10 như một lễ hội giáo dục lớn trong nước.

Sau đúng 12 năm Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, “Ngày khuyến học Việt Nam” được ghi vào trang vàng của lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam và lịch sử phát triển phong trào giáo dục người lớn gắn với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo.

Những người làm công tác khuyến học cùng với nhân dân coi ngày 2/10 như một lễ hội giáo dục lớn trong nước.

Năm nay, ngày 2/10/2019, cán bộ và hội viên Hội Khuyến học Việt Nam kỷ niệm ngày 2/10 với nhiều hình thức phong phú: Trao hàng trăm ngàn học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, hàng chục ngàn phần thưởng cho các em học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt; tổ chức tuần lễ “Học tập suốt đời” với chủ đề phát triển Văn hóa học tập; Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, lấy tư tưởng “Học không bao giờ cùng” mà Người nêu lên soi vào công việc xây dựng mô hình công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, thôn bản học tập, đơn vị học tập.

Trên 19 triệu cán bộ và hội viên khuyến học đã nhanh chóng nghiên cứu quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục Chỉ thị 11-CT/TW vào cuộc sống, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2020 – 2030.

Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10: Xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong nhân dân - 2

Toàn dân, toàn Đảng chung sức xây dựng một nền giáo dục mở

Phong trào khuyến học đã trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn xây dựng các mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Giai đoạn này bắt đầu từ năm 1998 đến hết năm 2012.

Trong giai đoạn này, tổ chức của Hội đã cắm sâu đến tận xã, phường, thị trấn; phong trào xây dựng các mô hình hiếu học và khuyến học đã lan tỏa trên mọi địa bàn dân cư trong cả nước.

Giai đoạn thứ hai được tính theo thời gian thực thi Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2012-2020). Đây là giai đoạn xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, thôn bản/tổ dân phố học tập, đơn vị học tập trên địa bàn hành chính cấp xã.

Theo Quyết định 89/QĐ-TTg, mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài đều hướng vào việc xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế tri thức đang từng bước hình thành, đẩy mạnh công tác giáo dục người lớn đáp ứng nhu cầu nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giai đoạn này sẽ kết thúc bằng Hội nghị tổng kết 7 năm thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg và Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu vào cuối năm 2020.

Bắt đầu từ 2/10 năm nay, toàn bộ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ được đưa vào kế hoạch triển khai Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo Kết luận này, những nhiệm vụ cơ bản về khuyến học, khuyến tài như sau:

Trước hết, Nhà nước sẽ ban hành các bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập, đơn vị học tập và thành phố học tập. Để có được một phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, Ban Bí thư yêu cầu cán bộ cấp ủy và đảng viên phải gương mẫu thực hiện:

- Mỗi đảng viên phải là một công dân học tập.

- Mỗi gia đình, đảng viên phải là một gia đình học tập.

- Mỗi chi bộ Đảng phải là một đơn vị học tập.

Toàn dân, toàn Đảng chung sức xây dựng một nền giáo dục mở, đẩy mạnh việc chuẩn bị và phát triển các phương thức học tập điện tử, tiến hành từng bước các chương trình học tập trực tuyến, thúc đẩy việc toàn dân học tập suốt đời trên cơ sở phát triển năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại...

Tham gia vào mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu do UNESCO điều hành, gắn việc học tập với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo ra trong xã hội môi trường học tập số hóa, từng bước làm cho các khu đô thị thông minh, dễ sống, xanh hóa trên cơ sở xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong nhân dân.

Phong trào khuyến học đã tiến sang giai đoạn mới. Để có được một xã hội học tập do Đảng đề ra, công tác khuyến học tập trung làm tốt mô hình công dân học tập, bởi muốn xây dựng thành công xã hội học tập thì trước hết, mỗi người dân đều phải học tập suốt đời.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm