Ngành thương mại dịch vụ "hot" trong mùa dịch Covid

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Dịch Covid-19 tác động mạnh đến tình hình buôn bán, chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt cửa hàng đóng cửa... khiến nhiều người lo lắng học ngành thương mại dịch vụ sẽ khó kiếm việc làm.

Tuy nhiên, trao đổi tại buổi tọa đàm "Kinh doanh thương mại dịch vụ trong thời Covid-19", các chuyên gia ngành bán lẻ đều khẳng định ngành học này vẫn rất "hot" trong thời điểm hiện tại.

Theo ông Hồ Ngọc Chương, Giám đốc chuỗi siêu thị tiện lợi Metro Mart, thì thị trường bán lẻ của Việt Nam rất lớn và hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế hệ thống chính trị ổn định.

Ông Chương lấy ví dụ từ con số tăng trưởng ngành bán lẻ trong 30 năm qua để minh chứng: trong 25 năm đầu kể từ khi xuất hiện siêu thị đầu tiên (1990 - 2015) thì Việt Nam có chưa đến 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhưng chỉ trong 5 năm gần đây (2016 - 2021) đã có hơn 5.000 cửa hàng mới, tăng gấp 5 lần.

 Ngành thương mại dịch vụ hot trong mùa dịch Covid - 1

Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng rất nhanh.

Cũng theo ông Chương, 100% vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 20 năm qua đều nhắm vào thị trường bán lẻ hiện đại, là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, và gần đây là thương mại điện tử.

Nguồn nhân lực học ngành thương mại dịch vụ là đối tượng mà thị trường bán lẻ hiện đại nhắm tới.

Giám đốc chuỗi siêu thị tiện lợi Metro Mart nhận định: "Cứ mỗi siêu thị tầm trung với diện tích 500m2 cần 50 - 60 nhân viên, mỗi cửa hàng tiện lợi cũng cần 10 - 15 nhân viên. Các bạn cứ nhân lên thì thấy nhu cầu nhân sự lớn đến thế nào".

Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Bùi Đức Hải, Trưởng khoa Kinh tế - Dịch vụ - Du lịch trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, cho biết: "Học trung cấp ngành thương mại dịch vụ, các em sẽ được học nhiều kỹ năng trong lĩnh vực kinh doanh, phù hợp với các bạn yêu thích ngành kinh tế, thích tiếp xúc khách hàng và những công việc thực tế".

Chẳng hạn như kiến thức marketing, nghiên cứu thị trường, phân tích tài chính, quản lý bán hàng, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, nghiệp vụ bán hàng, xây dựng kế hoạch kinh doanh điện tử, giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm, quản lý kế hoạch kinh doanh…

Theo ông Hồ Ngọc Chương, với những kiến thức đó thì người học trung cấp ngành thương mại dịch vụ sẽ có rất nhiều vị trí làm việc phù hợp khi ra trường.

Chỉ riêng tại hệ thống siêu thị của ông đã có 9 khối phòng ban với 38 chuyên môn khác nhau, trong đó có đến 9 chuyên môn mà người học ngành này có thể tham gia.

Đó là các chuyên môn phục vụ tại siêu thị, cung ứng (tìm kiếm đối tác, nguồn hàng, thương lượng, tính toán giá cả mua - bán), marketing, kết nối khách hàng lớn, quản trị dữ liệu (phân tích tình hình kinh doanh để ra quyết định), điều phối hàng hóa (tính toán để ra các lượng hàng xuất - nhập phù hợp)…

 Ngành thương mại dịch vụ hot trong mùa dịch Covid - 2

Sinh viên học trung cấp thương mại dịch vụ phù hợp làm việc tại rất nhiều vị trí trong ngành bán lẻ hiện đại.

Ông Nguyễn Quân, chuyên gia đào tạo bán hàng trên một kênh thương mại điện tử lớn, cũng khẳng định người học ngành thương mại dịch vụ có lợi thế rất lớn khi khởi nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Chưa kể là hiện có rất nhiều chủ shop muốn thuê người biết nghề điều hành gian hàng điện tử cho họ.

Theo ông Hồ Ngọc Chương, nhu cầu nhân sự ở các hệ thống bán lẻ có hình tháp, các vị trí càng thấp thì càng có nhu cầu cao. Và ai làm ngành này cũng đều phải bước đi từ vị trí thấp nhất rồi tiến dần lên vị trí quản lý, nên khởi đầu bằng trình độ trung cấp là rất phù hợp.

Ông nói: "Trong quá trình làm việc, các bạn có thể bổ túc thêm kiến thức, trình độ theo quá trình thăng tiến nghề nghiệp".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm