Ngành nghề mới thu hút nữ giới, 85% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Số người học là nữ giới tham gia vào các ngành thuộc lĩnh vực logistics như kinh doanh, quản trị, quản lý, bán hàng, hành chính về logistics, marketing, thương mại điện tử... tăng cao, chiếm trên 55%.

Nữ giới tham gia sâu vào lĩnh vực logistics 

Đây là kết quả vừa được nhóm nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội (GEDSI) trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics công bố.

Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM, thành viên nhóm nghiên cứu thông tin, kết quả khảo sát cho thấy, số lượng người học vào các ngành logistics trong những năm gần đây tăng cao, đặc biệt là tại các trường đang là đối tác "Dự án thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam" do Chính phủ Úc tài trợ (Chương trình Aus4Skills).

Trong đó, tỷ lệ người học là nữ, đặc biệt trong các ngành về kinh doanh, quản trị, quản lý, bán hàng, hành chính về logistics, marketing, thương mại điện tử... chiếm trên 55% số người học. 

Ngành nghề mới thu hút nữ giới, 85% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp - 1

Nữ giới học ngành logistics ngày càng tăng (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Người học từ khu vực vùng nông thôn, miền núi chiếm tỷ lệ ngày một tăng. Đáng nói, trên 85% người học có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Lao động nữ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các doanh nghiệp và tập trung nhiều ở các vị trí dịch vụ hỗ trợ, kinh doanh thương mại điện tử, hành chính...

Ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu về GEDSI (hiện công tác tại Cục Quản lý và chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự gia tăng người học ở trên là vấn đề về GEDSI liên quan giáo dục nghề nghiệp đã được đề cập trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt được thể hiện khá rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nội dung về GEDSI còn được lồng ghép trong các chiến lược, chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội quốc gia liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện khá tốt.

Điều này cho thấy các chính sách này đã tiếp cận tới những đối tượng bao gồm phụ nữ, người khuyết tật và đối tượng thiệt thòi khác, tạo cơ hội để họ tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp, lao động và việc làm, góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Theo ông Hoàng Thái Sơn, lý do rất quan trọng nữa là hiện nay có nhiều chương trình giáo dục nghề nghiệp được thiết kế mở, gắn với yêu cầu của doanh nghiệp, có lồng ghép các yếu tố bình đẳng giới, người khuyết tật và hòa nhập xã hội và được triển khai linh hoạt, cơ sở vật chất và môi trường học tập được cải thiện phù hợp với nhu cầu và khả năng từng nhóm đối tượng.

Đồng thời, chất lượng đào tạo ngày càng cao và sự phát triển nhanh và đòi hỏi nhu cầu nhân lực của lĩnh vực logistics đã giúp người học có nhiều cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập hơn.

Ngành nghề mới thu hút nữ giới, 85% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp - 2

Ông Hoàng Thái Sơn (đứng), Trưởng nhóm nghiên cứu về GEDSI (Ảnh: Kim Anh).

Mặt khác, quan niệm và nhận thức của xã hội, công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp đã và đang làm thay đổi về sự công nhận vai trò, khả năng và sự đóng góp của phụ nữ, người khuyết tật và các đối tượng thiệt thòi yếu thế trong sự đa dạng ngành, nghề và vị trí việc làm trong lĩnh vực logistics.

Qua đó, các đối tượng này bắt đầu nhận thấy môi trường học tập phù hợp hơn, nhiều cơ hội nghề nghiệp và việc làm bền vững hơn trong lĩnh vực logistics.

Tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt, kỳ thị

Bên cạnh kết quả đã đạt được, PGS.TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, cũng chỉ ra một số hạn chế trong kết quả khảo sát là sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật trong một số ngành, nghề về logistics trong giáo dục nghề nghiệp và trong doanh nghiệp vẫn còn thấp.

Trong đó, phải kể đến các ngành được coi là "ngành của nam giới" như xếp dỡ cơ giới tổng hợp, quản lý kinh doanh vận tải và các ngành nghề khác liên quan đến lĩnh vực điều khiển phương tiện, thiết bị; khai thác, kỹ thuật, bốc xếp; an ninh, an toàn và kỹ thuật trong lĩnh vực logistics.

Tỷ lệ người học là người khuyết tật tham gia học hòa nhập các ngành về logistics còn ít, đây cũng là một vấn đề đáng được quan tâm cần xem xét trong việc đào tạo nghề cho người khuyết tật gắn với việc làm bền vững để người khuyết tật có thể hòa nhập, làm việc trong thị trường lao động nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng.

Để tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics, PGS.TS Bùi Văn Hưng cho rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, các giải pháp quan trọng nhất là phải thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về GEDSI trong giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, đào tạo phải đáp ứng thị trường lao động và việc làm, cải thiện cơ sở vật chất, môi trường học tập, các điều kiện sinh hoạt, làm việc nhằm động viên, khích lệ phụ nữ, người khuyết tật và đối tượng thiệt thòi tham gia hơn nữa vào lĩnh vực logistics.

Những việc làm này sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong bình đẳng giới, người khuyết tật và hòa nhập xã hội trong giáo dục nghề nghiệp.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Chu Văn Vượng, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Thống nhất Hà Nội, cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, tin cậy lẫn nhau giữa nhà trường và doanh nghiệp trên cơ sở gắn quyền lợi với trách nhiệm xã hội của mỗi bên trong đào tạo và sử dụng lao động.

Ngành nghề mới thu hút nữ giới, 85% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp - 3

Ông Chu Văn Vượng, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Thống nhất Hà Nội, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Kim Anh).

Bà Phạm Ngọc Diễm, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM, bổ sung thêm một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp là cần có môi trường học tập và lao động thân thiện với phụ nữ và người khuyết tật, bao gồm môi trường vật chất như: lối đi, thang máy, buồng thay đồ, nhà vệ sinh, thời giờ nghỉ ngơi, làm việc, nghỉ thai sản phù hợp với phụ nữ và người khuyết tật và môi trường tinh thần.

"Mọi người được cảm thấy được đối xử bình đẳng, công bằng, không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử để họ cảm thấy yên tâm, tự tin với môi trường học tập và lao động", bà Diễm nói.   

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm