ĐBSCL:

Ngành giáo dục vùng sông nước nỗ lực dạy bơi cho học sinh

(Dân trí) - Nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nỗ lực dạy bơi cho trẻ nhưng tình trạng trẻ em đuối nước vẫn còn cao. Do vậy, các tỉnh ĐBSCL đang quyết tâm xóa mùa bơi cho học sinh, như An Giang đã đưa môn bơi vào chính khóa; nhiều tỉnh lên kế hoạch dạy bơi cho trẻ vào dịp hè…

Học sinh học bơi còn nhiều trở ngại

Thời gian gần đây, thông tin về những vụ trẻ em đuối nước liên tục xảy ra, trong đó trẻ đuối nước đa phần là học sinh lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Đau lòng hơn, nhiều vụ đuối nước làm tử vong nhiều em cùng lúc, gây nên mất mát, đau thương cho gia đình, nhà trường và xã hội. Như gần đây nhất, 3 anh em họ đến nhà ông ngoại chơi (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) rồi kéo nhau ra đầm tôm, chẳng may 3 anh em đều té xuống đầm dẫn đến tử vong…

Nguyên nhân chính gây nên những tai nạn đuối nước là do trẻ không biết bơi cũng như chưa biết các phương pháp thoát hiểm khi xảy ra tai nạn trên sông nước. Ở khu vực nông thôn, các phụ huynh do bận đi làm nên thường đưa các cháu tới nhà ông bà chăm nom, tuy nhiên vùng sông nước miền Tây, ao hồ quanh nhà nên một phút lơ đễnh của người lớn là các bé gặp nguy hiểm...

Những năm qua, nhiều trường tại tỉnh Đồng Tháp, các thầy cô nỗ lực dạy bơi cho trẻ em khi con nước lũ vừa về, khoảng tháng 7-8.
Những năm qua, nhiều trường tại tỉnh Đồng Tháp, các thầy cô nỗ lực dạy bơi cho trẻ em khi con nước lũ vừa về, khoảng tháng 7-8.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Phạm Thành Kiệt - Phó Hiệu trưởng Trường TH Thông Bình 1, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), cho biết: “Huyện Tân Hồng được xem là rốn lũ của Đồng Tháp, bởi vậy khi lũ về, nước tràn mênh mông… Bây giờ đường lộ đã cao, còn mấy năm trước đây đa phần thầy và trò đến trường chủ yếu bằng xuồng, ghe… Khi đó nhà trường thăm dò thì hầu như đa số các em không biết bơi. Từ đó tôi chỉ đạo các giáo viên dạy thể dục phối hợp với phụ huynh, địa phương thực hiện mọi cách để dạy bơi cho học sinh. Nhờ đó tỷ lệ học sinh không biết bơi giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên việc dạy bơi dưới kênh gặp nhiều khó khăn, như vấn đề vệ sinh, thủy triều, nguy cơ tai nạn cho trẻ,… Vừa qua nhà trường nhận được bể bơi di động từ Quỹ Prudence và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save Children), chúng tôi rất mừng vì từ nay có thể chủ động dạy bơi thường xuyên cho các em, không phải canh con nước hoặc đợi đến mùa lũ nữa như trước đây”.

Theo nhiều thầy cô giáo, một vấn đề cản bước các em nhỏ đi học bơi là hiện nay thời gian các em học ở trường rất nhiều. Ngoài học chính khóa còn có học ngoại khóa, phụ đạo, học thể dục, hoc nhóm, học nâng kém… Nếu phụ huynh và nhà trường không có mối liên hệ chặt chẽ thì việc quản lý giờ giấc các em là rất khó. Thậm chí nhiều phụ huynh không nắm rõ giờ giấc, những buổi học phụ đạo, học ngoại khóa của con em và phó mặc con em cho nhà trường. Những lúc các em không học hoặc tranh thủ giờ nghỉ là có thể tụ tập vui chơi hoặc rủ nhau tắm sông, ao, hồ bên ngoài mà phụ huynh khó lòng mà biết được.

Những ngày nắng nóng, nhiều em học sinh miền Tây còn bạo gan tắm sông theo kiểu đầy nguy hiểm như thế này. Nguyên nhân vì không có hồ bơi, một phần vì cha mẹ và nhà trường chưa quản lí được các em khi các em rời khỏi trường, khỏi nhà.
Những ngày nắng nóng, nhiều em học sinh miền Tây còn bạo gan tắm sông theo kiểu đầy nguy hiểm như thế này. Nguyên nhân vì không có hồ bơi, một phần vì cha mẹ và nhà trường chưa quản lí được các em khi các em rời khỏi trường, khỏi nhà.

Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Khoảng 5 năm trước đây, Đồng Tháp là một tỉnh có số trẻ em tử vong vì đuối nước rất cao. Từ đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ và kết quả thấy rõ. Tuy nhiên việc dạy bơi cho trẻ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất. Vì một hồ bơi kiên cố kinh phí xây dựng trên 500 triệu đồng thì khó lòng các trường thực hiện được. Do vậy, hầu hết các trường là không có hồ bơi nên mấy năm qua ngành giáo dục Đồng Tháp chỉ khuyến khích các cơ sở giáo dục nào đảm bảo việc dạy bơi thì tích cực dạy bơi cho các cháu, chứ chưa đưa vào giảng dạy chính khóa.

Một trong những lí do làm tỷ lệ trẻ em biết bơi còn thấp chính là sự quan tâm của các phụ huynh. Từ lí do kinh tế, công ăn việc làm, nhiều phụ huynh vẫn còn lơ là trong việc dạy bơi hoặc đưa đến các cơ sở dạy bơi để tự phòng vệ nguy cơ đuối nước cho con em mình. Đây là điều làm ngành giáo dục và nhiều tổ chức phổ cập bơi cho trẻ ở miền Tây đều than khó.

Quyết tâm trạng bị kỹ năng bơi lội cho học sinh

Để giải quyết tình trạng trẻ em đuối nước, một số địa phương ở ĐBSCL đã chú trọng việc phổ cập bơi cho trẻ, đặc biệt là HS bậc TH và THCS. Trong mùa hè này, Sở GD&ĐT Cà Mau tập trung nguồn lực dạy bơi cho hơn 1000 HS. Mục tiêu hướng đến của Sở là giúp HS biết bơi, biết thoát hiểm khi xảy ra tai nạn trên sông nước và có kỹ năng cứu người khi đuối nước.

Ông Phạm Hoàng Gan - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Cà Mau, cho biết: Tình hình tai nạn đuối nước trong thời gian qua xảy ra nhiều và nghiêm trọng, gây ra nỗi lo cho gia đình và xã hội. Để khắc phục tình trạng HS đuối nước, đặc biệt là HS cấp TH và THCS, Sở GD&ĐT Cà Mau phối hợp cùng Công đoàn ngành GD tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch dạy HS học bơi ngay trong hè 2016. Theo kế hoạch, mục tiêu trong hè này dạy bơi cho ít nhất 1000 HS biết bơi, chủ yếu là HS ở TP Cà Mau.

Hiện này từ chi phí đến tính cơ động thì hồ bơi di động đang được nhiều địa phương hướng đến để trang bị cho các trường trong công tác phổ cập bơi cho học sinh.
Hiện này từ chi phí đến tính cơ động thì hồ bơi di động đang được nhiều địa phương hướng đến để trang bị cho các trường trong công tác phổ cập bơi cho học sinh.

Với quyết tâm trang bị kỹ năng bơi lội cho HS trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho biết: "Việc dạy bơi cho HS nhằm giúp các em tự bảo vệ bản thân khi xảy ra sự cố trên sông nước và có kỹ năng khi cứu người đuối nước. Con số 1.000 HS được học bơi trong mùa hè này chỉ là ban đầu, chúng tôi sẽ cố gắng dạy bơi cho các em càng nhiều càng tốt. Đặc biệt mở rộng việc dạy bơi về các nơi ở huyện, nơi vùng sâu, vùng xa. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Công đoàn ngành, Đoàn thanh niên, cùng với sự tham gia của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tiến hành dạy bơi cho HS. Ngành GD Cà Mau nỗ lực thực hiện phương châm: “Ở đâu có nguy cơ đuối nước là ở đó có tổ chức dạy bơi cho HS”.

Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết: “Từ lâu các thầy cô, phụ huynh đã thấy việc dạy bơi cho trẻ là hết sức cần thiết, nhất là như vùng sông nước miền Tây này. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là việc trang bị hồ bơi cho các trường, nếu nút thắt này tháo được thì việc đưa môn bơi vào giảng dạy chính khóa là dễ dàng. Vừa rồi, có một doanh nghiệp chào giá một hồ bơi di động chỉ khoảng 200 triệu đồng, hiện chúng tôi đang tìm hiểu nếu chất lượng đảm bảo thì xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND có thể dùng ngân sách một ít rồi xã hội hóa để trang bị cho các trường theo cách đặt tại một trường trung tâm rồi phục vụ cho 2-3 điểm trường còn lại. Khi trang bị hồ bơi được như thế này thì chúng tôi đưa ngay môn bơi vào dạy chính khóa”.

Trong công tác xóa mù bơi cho các em học sinh, có thể nói An Giang là một điểm sáng khi mới đây tỉnh này quyết định đưa môn bơi vào giảng dạy chính khóa trong môn Thể dục (Thể thao tự chọn). Việc đưa môn bơi vào dạy chính khóa được tổ chức thí điểm ở các trường tiểu học, THCS của thành phố Long Xuyên và những đơn vị có điều kiện, tiến tới thực hiện đồng loạt trong những năm tiếp theo; Các trường được tăng thời lượng dạy môn bơi lội sao cho phù hợp với điều kiện tại đơn vị để giảng dạy đối với những HS chậm biết bơi cho thật hiệu quả khi có sự đồng ý của phụ huynh.

Các đơn vị cần phối hợp bộ phận chuyên môn thiết kế, xây dựng kế hoạch, nội dung giảng dạy môn Bơi lội dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT phù hợp với đặc điểm địa phương nhằm giúp cho học sinh biết ít nhất một kiểu bơi, kỹ năng an toàn dưới nước, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.

Cũng trong dịp hè 2016 này, ngành GD-ĐT TP Cần Thơ đang vận động cha mẹ HS tích cực tham gia xóa mù bơi cho con em. Việc xóa mù bơi cho trẻ trong dịp hè nhằm hướng đến phòng tránh tai nạn thương tích đối với trẻ. Ngành GD-ĐT Long An có cả chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước”.

Nguyễn Hành