“Ngành giáo dục đang “nhồi” học sinh như nhồi… cục sáp mềm”
(Dân trí) - Trong buổi tọa đàm về sách cho học sinh bậc tiểu học, nhà báo - dịch giả Hoàng Hưng cho rằng, giáo dục bậc tiểu học bấy lâu đang “nhồi” kiến thức vào học sinh như nhồi một… cục sáp mềm.
Chiều 5/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’ Espace đã diễn ra cuộc hội thảo về những cuốn sách dành cho học sinh bậc tiểu học của nhóm Cánh Buồm - do nhà giáo Phạm Toàn sáng lập. Đến dự buổi tọa đàm ra mắt bộ sách “Cánh buồm no gió - Thời đại Internet” có sự tham gia của nhiều nhà giáo, nhiều dịch giả và các nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng.
Đến dự buổi tọa đàm, nhà báo - dịch giả Hoàng Hưng chia sẻ, ông đã tham gia nhóm “Cánh buồm” của nhà giáo Phạm Toàn và nhận phần dịch những cuốn sách về Tâm lý học giáo dục.
“Ở Việt Nam chúng ta hiện tại chỉ chăm chăm dạy kiến thức, hay nói cách khác là “nhồi” kiến thức vào đầu trẻ mà chúng ta không cần quan tâm rằng, trẻ thích học điều gì, tâm lý đón nhận kiến thức của trẻ như thế nào… Chúng ta nhồi kiến thức vào học sinh như nhồi vào một cục sáp mềm. Đó là cách tiếp thu kiến thức một cách thụ động”- dịch giả Hoàng Hưng khẳng định.
Trong quan điểm mới về tâm lý học giáo dục, người thầy không phải là người truyền thụ, nhồi nhét kiến thức, mà là người tạo những điều kiện thuận lợi và hướng dẫn học sinh tự khám phá ra kiến thức.
Dịch giả Hoàng Hưng khẳng định: “Tôi có nghe nói đến đề án chấn hưng giáo dục của Bộ Giáo dục, rằng giáo dục sẽ thay đổi căn bản, sẽ có những hướng đi mới… Nhưng, thực tế, bao lâu nay, giáo dục vẫn quẩn quanh, loay hoay cải tổ và chẳng đi đến đâu. Tôi cho rằng, một phần quan trọng của cải tổ giáo dục là phải nắm được, phải hiểu sâu sắc về tâm lý học giáo dục. Đã đến lúc, không thể nhồi học sinh như nhồi một cục sáp mềm!”.