Ngán ngẩm xe đưa rước học sinh

Xe cũ, hệ thống giảm xóc không tốt; lái xe không đưa rước tận nơi và hay quát nạt học sinh; các em học hai buổi, bốn lượt đi về nhưng xe chỉ đưa rước hai lượt, còn lại phụ huynh và học sinh phải tự lo… Những bất cập ấy khiến ngày càng nhiều học sinh tại TPHCM nói không với xe đưa rước.

Chất lượng thấp

Sau gần hai năm đăng ký, mới đây, chị Hạnh (40 tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) quyết định không cho cô con gái đang học lớp 8 đi xe đưa rước đến trường và tự tay chị đưa đón “công chúa” bằng xe máy.

Chị Hạnh kể: “Đi xe đưa rước, con bé phải dậy lúc 5h sáng để ăn sáng, thay đồ, đúng 5h30 có mặt tại điểm tập trung để chờ xe tới đón. Xe buýt gì mà không có máy lạnh, ọp ẹp, cũ kỹ như xe chở gà. Đường xấu, ngồi trên xe bị dằn xóc ê ẩm cả người”.

Tuy nhiên, lý do chị Hạnh và nhiều phụ huynh “nói không” với xe đưa rước chính là cách phục vụ khá kỳ lạ. Học sinh (HS) học hai buổi, nhiều cháu không bán trú mỗi ngày bốn lượt đi về nhưng xe chỉ phục vụ 2 lượt/ngày. Vì vậy, trưa nào phụ huynh cũng nhờ dịch vụ xe ôm hoặc trực tiếp đưa đón con.

Làm việc với Sở GTVT TPHCM ngày 25/1, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết, có 16/24 quận huyện thực hiện mô hình xe đưa rước HS. Tuy nhiên, số lượng HS đi xe đưa rước giảm dần, năm 2017 giảm 10% so với năm 2016.

Từ tháng 1 đến tháng 5/2017, toàn TPHCM có 131 trường học đăng ký chương trình xe đưa rước HS với con số tham gia trên 33 nghìn em. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến tháng 12/2017, số trường đăng ký giảm còn 123 trường với trên 36 nghìn học sinh tham gia. Trong năm học 2016 - 2017, học kỳ I toàn TPHCM có 40.500 HS tham gia và học kỳ II chỉ có hơn 37.300 HS.

Một số doanh nghiệp vận tải thừa nhận HS chưa mặn mà với xe đưa rước do phần lớn phương tiện đã sử dụng trên 10 năm, chất lượng giảm sút. Trong khi đó mức trợ giá áp dụng gần 10 năm qua chưa được điều chỉnh nên các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, không có khả năng đầu tư phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trao đổi với Tiền Phong, một số hiệu trưởng các trường cho rằng số HS đi xe đưa rước ngày càng giảm do thủ tục rườm rà. Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Củ Chi cho biết toàn huyện năm học 2016 - 2017 có trên 2.000 HS đăng ký nhưng đến năm học 2017 - 2018 chỉ còn khoảng 1.000 em. Chất lượng xe không tốt nhưng để được phục vụ, ngoài tiền trợ giá, phụ huynh phải đóng thêm cho chủ xe 150.000 - 180.000 đồng/HS/tháng.

Đại diện Sở GDĐT TPHCM cho biết ngành giáo dục TPHCM đưa chủ trương đưa rước HS bằng xe buýt thành một trong những tiêu chí thi đua. Chỉ đạo của UBND TPHCM là đến năm 2020 có 15% HS đi xe buýt đến trường. Do đó, con số 36 - 37 nghìn HS đi xe đưa đón trong năm 2017 là quá thấp. Một trong những lý do HS đi xe đưa đón ngày càng giảm là sau khi thanh tra tiêu cực trong việc đưa rước HS, hiệu trưởng các trường co lại, không muốn làm.

Ông này đề nghị thay đổi phương thức đăng ký, xác nhận để các trường mạnh dạn làm như đăng ký qua mạng, thí điểm thẻ điện tử, quản lý HS đi xe bằng máy quét vân tay.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, sắp tới Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở ban ngành liên quan lập đề án xe đưa rước HS trình UBND TPHCM. Năm 2018 Sở GTVT sẽ chọn một số huyện ngoại thành nhu cầu có thật để triển khai mô hình xe đưa đón miễn phí nhằm thu hút phụ huynh và HS. Ngoài ra, TPHCM sẽ sử dụng máy quét vân tay xác nhận số học sinh thực tế đi xe, không đẩy trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm