“Nếu xử lý oan học sinh sẽ phải ân hận cả đời!”
(Dân trí) - “Loạn” tại Hội đồng thi trường THPT Phú Xuyên A với nhân chứng, vật chứng đều đã có đủ, tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tây, nếu “giám thị tố cáo” ghi được nhiều cảnh học sinh quay cóp, giám thị tiếp tay mà không lập biên bản thì giám thị này đã vi phạm quy chế trước.
Trao đổi với chúng tôi vào chiều qua (12/6), Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây Uông Đình Hồng cho biết: “Nếu chúng tôi có cuộc gặp với giám thị này thì tốt quá, nhưng ông ấy có đủ bằng chứng không và gặp thì giải quyết được những gì? Nếu những tư liệu này không giải quyết được, không đủ thuyết phục mà lại ép giám đốc Sở phải xử lý giám thị cũng như học sinh như thế là không được”.
Thưa ông, lý giải về hành động phải tố cáo vượt cấp lên Bộ GD-ĐT và cơ quan ngôn luận, “Giám thị tố cáo” cho rằng nếu tố lên Sở, chắc chắn vụ việc sẽ bị dìm đi?
Đấy là quan điểm của ông ấy thôi, vì ông ấy đã gặp ai trên Sở này đâu. Chúng tôi cũng chưa hề biết mặt mũi ông ấy thế nào. Có một hôm cũng có một người gọi điện cho ông Hiếu (ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Sở) và muốn trình bầy khoảng 15 phút nhưng ông Hiếu có nói “bây giờ tôi đang bận chỉ đạo thi, có gì đồng chí gọi điện lại vào lúc ngoài giờ hoặc đến gặp trực tiếp” nhưng sau đó người này không gọi lại và cũng không đến gặp (thông tin này hoàn toàn trùng khớp với những gì mà “giám thị tố cáo” đã trình bày với chúng tôi - PV).
Còn kiện lên Bộ là việc mà ông ấy muốn và theo chúng tôi đó cũng là quyền công dân.
Về tệ nạn “mua” giám thị tại Phú Xuyên A, Sở liệu có trách nhiệm gì trong đó?
Điểm Phú Xuyên A hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau và chúng tôi được biết qua báo chí về việc góp tiền bồi dưỡng giám thị, chúng tôi cũng đã vừa báo cáo với Ban Tuyên giáo thành uỷ.
Ở Phú Xuyên A, theo báo cáo ban đầu mỗi học sinh đóng 150.000đ. Tôi có trực tiếp gọi điện cho ông Hùng là Hội trưởng Hội phụ huynh của trường này thì được biết đúng là có đóng góp số tiền đó nhưng những cháu nào có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện thì không phải đóng góp.
Tổng số tiền thu được là bao nhiêu thì hiện Sở chưa rõ và chắc chắn có một phần trong đó chi cho giám thị với số tiền là 400.000đ/ người. Như vậy, việc thu tiền của học sinh và bồi dưỡng cho giám thị là có thật. Nhưng xem lại tất cả biên bản của 1 lớp thì tiền này do Hội phụ huynh đóng góp.
Nói về trách nhiệm của Sở thì tôi cũng nói luôn: Sở GD-ĐT tuyệt nhiên không có chủ trương. Cụ thể, Sở có văn bản ngày 24/5/2006 số 1015 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh thu chi lệ phí thi, và các khoản thu chi phục vụ học sinh thi tốt nghiệp, kiểm tra định kỳ.
Chúng tôi đã nhấn mạnh: Ngoài các khoản thu trên các trường không được thu thêm bất cứ một khoản thu nào. Việc thu tthêm tiền để chi cho giám thị tại Phú Xuyên A thì theo chị Sớm là Hiệu trưởng của trường thì tiền này thu từ 21/5 và đây là việc phụ huynh đứng ra thu và chi chứ nhà trường không chỉ đạo. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn điều tra để làm rõ việc này.
Trên cương vị là lãnh đạo của Sở GD-ĐT, ông đánh giá thế nào về hiện tượng “mua” giám thị tại tỉnh mình?
Ngay sau khi biết được vụ việc tiêu cực tại trường THPT Phú Xuyên A sẽ được chuyển cho cơ quan công an xử lý, tất cả học sinh cũng như phụ huynh của trường này đang bị rơi vào tâm trạng cực kỳ căng thẳng. Mặc dù, theo khẳng định của “Giám thị tố cáo” là chỉ có khoảng 50% số học sinh của hội đồng thi này vi phạm quy chế nhưng không học sinh nào tránh khỏi tâm trạng nơm nớp sợ “tai bay vạ gió”.
Hiện, Bộ GD- ĐT, Bộ Công an và Sở GD- ĐT Hà Tây vẫn chưa có một động thái nào về việc sẽ triển khai giải quyết vụ việc này ra sao. |
Có một thực tế thế này: theo hướng dẫn về mặt nhà nước thì cả một kỳ thi gồm 4 ngày mỗi giám thị được 100.000đ. Như vậy, mỗi ngày mỗi người được 25.000đ. Bản thân phụ huynh họ cũng thấy rất thương các giám thị khi chứng kiến nhiều người đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh để trông thi trong tình trạng nắng nôi với số tiền trông thi là quá ít ỏi.
Nhưng dù thế nào thì chúng tôi cũng cho đây là khoản thu quá cao và chi cho giám thị cũng cao. Sở có văn bản là không được thu nhưng phụ huynh căn cứ trên lý lẽ là xã hội hoá giáo dục để thu bồi dưỡng cho các thầy thì chúng tôi biết làm sao được?
Hiện, “Giám thị tố cáo” đã cung cấp đĩa CD có các cảnh quay về tiêu cực của Phú Xuyên A cho Thanh tra Bộ GD-ĐT. Sở sẽ xử lý thế nào khi chứng kiến những hình ảnh này?
Qua thông tin trên Dân trí thì chúng tôi chỉ biết vậy thôi chứ không có tư liệu. Rất mong muốn nếu giám thị nào có tư liệu như học sinh sử dụng tài liệu quay cóp và giám thị nào làm không tốt thì cung cấp cho chúng tôi.
Quan điểm lãnh đạo Sở chúng tôi là phải xử lý kiên quyết nếu như thực sự là như thế. Chúng tôi tuyệt nhiên không che dấu, sự thật như thế nào thì xử lý như thế, trường hợp nào vi phạm thì xử lý nghiêm túc để làm bài học cho sang năm.
Nhưng muốn xử lý được giám thị thì phải có chứng cứ mà hiện nay trong tay chúng tôi không có. Chúng tôi rất muốn cùng làm việc với các cơ quan báo chí để làm rõ những tư liệu, những bằng chứng cụ thể này rồi mới đưa ra phương hướng xử lý cho khách quan theo đúng thủ tục pháp lý.
Nếu chụp được đúng ảnh giám thị mang bài giải vào phòng thi thì phải xử luôn thôi. Chúng tôi cũng thu thập trên nhiều báo chí một số ảnh có liên quan đến hành vi này nhưng đó chỉ là những ảnh không có mặt thì xử làm sao được? Những chứng cứ này thì không thể đủ để xử lý được.
“Giám thị tố cáo” cũng đã cung cấp một loạt các số báo danh đã sử dụng tài liệu và yêu cầu trước mắt phải chấm lại những bài thi này. Theo ông, đây có phải là một cách làm đúng?
Nếu giám thị này ghi rất nhiều số báo danh của học sinh đã quay cóp mà không lập biên bản thì như thế giám thị này đã vi phạm quy chế. Trong trường hợp ông ấy là một giám thị biên nghiêm túc thì ông ấy phải buộc cho giám thị coi thi trong phòng đó phải lập biên bản học sinh đang quay cóp đó.
Nhưng giám thị này lại không làm như thế mà chỉ ghi lại số báo danh của những học sinh đó thì quả thật rất khó xử lý và giám thị này đã vi phạm nội quy trước. Còn chấm lại là một việc không đơn giản đâu, nếu xử lý oan cho các cháu thì ân hận cả đời.
Sự việc diễn ra tại Hội đồng thi Phú Xuyên A đang bị xem là một sự việc nghiêm trọng nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nếu xử lý thật nghiêm hội đồng này, liệu đây có trở thành một hình thức răn đe hữu hiệu nhất “cứu” cho Hà Tây qua cơn lộn xộn trong thi cử ở kỳ thi tốt nghiệp những năm sau?
Theo chúng tôi, muốn ngăn chặn được tình trạng lộn xộn này thì phải có thời gian, chứ không thể một sớm một chiều hoặc bằng những hiện tượng đột phá. Không ngăn chặn được ngay được đâu mà phải là một quá trình.
Chúng tôi rất tuyên dương hành động của ông giám thị này. Tuy nhiên, nếu thầy giáo này có những cách làm khác, chẳng hạn như việc ngăn chặn học sinh quay cóp hoặc ngăn chặn việc mua giám thị ngay từ đầu… rồi hợp tác cùng chúng tôi tìm ra những giải pháp để chấn chỉnh tích cực trước khi kỳ thi diễn ra thì có phải sự việc đã đỡ trở nên nghiêm trọng biết bao nhiêu.
Mai Minh - Hồng Hạnh