“Nếu sửa Tấm Cám thì phải sửa nhiều truyện cổ tích khác”

(Dân trí)- Vấn đề SGK sửa đoạn kết truyện Tấm Cám đang được dư luận đang bàn cãi với nhiều ý kiến khác nhau như sửa là đúng, nên bỏ truyện ra khỏi SGK. Tuy nhiên, các GS Văn học, nhà phê bình đề nghị giữ nguyên cốt truyện và khẳng định: “Kết truyện không gây phản cảm”.

Dư luận đang có nhiều phản ứng khác nhau khi phát hiện văn bản truyện cổ tích Tấm Cám trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 10 đã sửa lại đoạn cuối.

Cụ thể, theo SGK Ngữ văn lớp 10, ở đoạn cuối truyện, khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm hỏi lại: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.
 
Trong khi đó, các bản Tấm Cám trước đây có phần kết với nội dung sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn.
 
“Nếu sửa Tấm Cám thì phải sửa nhiều truyện cổ tích khác” - 1
Kết truyện Tấm Cám đang gây tranh cãi.

Tuyệt đối không được sửa!

Nhiều ý kiến độc giả, giáo viên, phụ huynh cho rằng kết truyện Tấm Cám sửa như vậy là đúng. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng nên loại luôn truyện này khỏi chương trình SGK vì trong truyện có nhiều yếu tố gây sốc. Đặc biệt là sự trả thù của Tấm luôn tàn ác hơn cả Cám và chứa nhiều chi tiết có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách học sinh. Một số độc giả cho rằng không nên sửa vì như vậy là “thay đổi những giá trị mà cha ông đã để lại”.

Tuy nhiên, nhiều GS, nhà nghiên cứu phê bình lại yêu cầu giữ nguyên cốt truyện Tấm Cám.

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt Nam, cho rằng: “Truyện cổ tích Tấm Cám cũng như một số truyện khác là truyện kinh điển cùng với một số truyện khác phổ biến nhất trong văn học dân gian Việt Nam. Truyện đã ổn định trong lịch sử hàng nghìn năm. Ổn định hàng nghìn năm là có lý do lịch sử của nó. Cái ác có lý do vì sao phải ác là vì mẹ con Cám ác quá, nhiều lần tìm cách giết Tấm đến kỳ cùng, ác khủng khiếp. Triết lý dân gian là ác đến đâu tả đến đó. Việc làm mắm đó cũng tương xứng với tội ác của mẹ con Cám. Vì thế dân gian truyền tụng, không có phản cảm gì cả - ứng xử đó là ứng xử thích hợp. Tội ác đến đâu phải trả giá đến đó. Vì thế nghìn năm qua không gây phản cảm”.

GS Phong Lê đề nghị: “Theo tôi để nguyên kết truyện như vậy, không thay đổi vì đã ổn định hàng nghìn năm. Tuyệt đối không được sửa. Sửa như vậy là rất ẩu. Nếu sửa lấy tên khác chứ đừng lấy tên truyện Tấm Cám nữa. Nếu có phản cảm thì không đưa vào SGK. Quan điểm của tôi là dùng nguyên cốt truyện và giải thích cho các em học sinh hiểu ác trả giá bằng cái ác. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian phải có ý kiến về truyện này”.

Đồng quan điểm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Gốc của truyện cổ tích Tấm Cám không phải ở Việt Nam, truyện cũng có rất nhiều dị bản. Với kết thúc như lúc đầu thì Việt Nam không phải là nước duy nhất chọn kết này. Trong tâm thức bao đời nay của người VN, cô Tấm là người hiền lành, đại diện cho các thiện. Nó gần giống với biểu tượng của Thúy Kiều, một mẫu hình của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa. Vì vậy, lúc này nếu chúng ta dùng tư duy hiện đại để tách kết cấu một câu truyện cổ tích ra khỏi đời sống của người dân, có nghĩa tách một câu truyện mang tính giáo dục khỏi sự tiếp nhận trong đời sống người dân thì sẽ trở nên khiên cưỡng”.

“Nếu chúng ta sửa truyện Tấm Cám thì cũng phải sửa rất nhiều truyện cổ tích khác. Ví dụ như truyện Thạch Sanh đã dùng ông trời để đánh chết Lý Thông rồi biến Lý Thông thành con bọ hung. Hay như câu ca dao “Thù này ắt hẳn thù lâu. Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què” cũng nên sửa vì mang tính bạo lực quá. Do vậy, theo tôi cứ nên để nguyên kết truyện như vậy vì đây là truyện lâu đời, đã được tiếp nhận trong tâm thức người Việt. Đặc trưng của truyện cổ tích kẻ ác phải bị trừng phạt. Truyện mang dấu ấn của truyện dân gian nên khi giảng cho học sinh thì nên bám vào đặc trưng truyện cổ tích và giá trị của truyện” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đề nghị.

Không có lời giải thích nên bị chỉ trích

Phân tích về vấn đề tranh cãi này, PGS.TS Đỗ Ngọc Tống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, THPT có hai bộ SGK nâng cao và cơ bản. Việc sửa SGK mà báo chí đang nêu ra là do GS Phan Trọng Luận chủ trì. Truyện Tấm Cám giống như câu truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng của Nga. Hồi đó học sinh Nga cũng có phản ứng và cho rằng sao lại có người ngu xuẩn như thế nên cần phải sửa. 30 năm trước, truyện Tấm Cám cũng đăng trên tạp chí Hồng Lĩnh cũng nói rằng sao lại ác như vậy nhưng do hồi đó truyện Tấm Cám chưa được đưa vào chương trình giảng dạy nên không có phản ứng mạnh”.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Tống, thông thường, tác phẩm văn học lưu hành trong nhà trường có cuộc sống khác với tác phẩm văn học ngoài nhà trường. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu giáo dục, bị chi phối rất nhiều yếu tố khác nên mỗi lần việc biên soạn, chỉnh sửa rất cần nhiều ý kiến vì nếu sửa mà ảnh hưởng đến ý nghĩa của hình tượng là hỏng. Bên cạnh đó, đời sống một tác phẩm văn học trong nhà trường bị chi phối rất nhiều yếu tố khác. Kể cả tác phẩm hay nhất thời đó cũng chưa chắc có trong SGK bởi không phù hợp với yêu cầu giáo dục, yêu cầu thẩm mỹ... Nó hay đối với lịch sử văn học nhưng lại không phù hợp với yêu cầu giáo dục, yêu cầu thẩm mỹ. Ngoài ra, tác phẩm được sử dụng trong nhà trường cũng phải đáp ứng yêu cầu của giáo dục, yêu cầu bộ môn. Nếu tác phẩm mà không đạt ít nhất 2 yêu cầu này thì cũng không thể đưa vào SGK để giảng dạy. Cái đó không thể tự do mà chọn được.

Về nhiều ý kiến độc giả nên bỏ truyện Tấm Cám ra khỏi sách giáo khoa, PGS.TS Đỗ Ngọc Tống cho rằng: “Đó là một giải pháp đúng. Thế nhưng ở đây lại liên quan đến chương trình giảng dạy. Những người làm chương trình phải thấy được sự phức tạp của tác phẩm thì sẽ có kiến nghị bỏ đi. Tuy nhiên, chúng ta không thể theo một logic hiện tại để bỏ một tác phẩm có giá trị. Mình cũng không thể cấm được bạn đọc, không thể “cấm” được tư duy sáng tạo của họ. Đáng lẽ phải có sự giải thích về sự thay đổi này. Mỗi truyện, mỗi văn bản đều chịu tác động của một nhóm bạn đọc. Vì vậy, cần hiểu tính đặc trưng của hoàn cảnh ra đời của câu truyện đó. SGK không mang tính pháp lý nhưng chương trình giảng dạy lại có tính pháp lý, do Bộ GD-ĐT quản lý”.

“Thông thường, khi có thay đổi một chi tiết (nội dung) của một quyển SGK thì nhóm biên soạn sách hoặc Nhà xuất bản phải gắn lời giải thích ngay sau cuốn sách đó. Trong trường hợp này, tôi nghĩ cuốn sách dành cho giáo viên có gắn lời giải thích cho sự thay đổi đó. Giáo viên khi lên lớp sẽ phải giải thích cho học sinh biết truyện cổ tích có nhiều dị bản, đây là 1 trong những dị bản đó. Các giáo viên có thể giải thích thêm nhiều cách kết thúc khác nhau của cùng một câu truyện cổ tích. Tuy nhiên, SGK dành cho học sinh thì không có lời giải thích đó nên khiến cho dư luận phản ứng dữ dội như thời gian vừa qua” - PGS Đỗ Ngọc Tống cho biết.

Hồng Hạnh