Nên chọn trường vừa sức

(Dân trí) - Ngày 11/3, hàng ngàn thí sinh đã tham dự ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2012 tại Hà Nội. Tại đây, nhiều chuyên gia tuyển sinh đã giải đáp nhiều khúc mắc của thí sinh và khuyên thí sinh nên chọn trường dự thi dựa vào sức học của mình.

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh do Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức.
 
Đề thi không ra trong phần giảm tải
 
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí- kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT lưu ý với thí sinh cần cẩn trọng trong việc ghi hồ sơ đăng ký dự thi vì năm nay Bộ quán triệt việc thực hiện ghi mã ngành mới với tất cả các ngành các trường. Theo đó, trước đây mã ngành đào tạo thường gồm ba chữ số thì năm nay gồm một chữ và sáu số.

Về nguyện vọng dự thi, ông Nghĩa cho biết: “Sau khi thí sinh thi xong nếu trúng tuyển thì đương nhiên em trúng tuyển vào trường ĐH đăng ký thi. Nếu không trúng tuyển, em sẽ nhận hai phiếu chứng nhận kết quả để gửi hồ sơ đăng ký nguyện vọng sang nhiều trường (tùy từng trường yêu cầu nhận phiếu gốc hay bản sao). Năm nay Bộ không yêu cầu điểm xét tuyển đợt sau cao hơn đợt trước nên các trường có thể hạ điểm xét tuyển cho những đợt xét sau nếu còn chỉ tiêu. Như vậy là thí sinh có thêm nhiều cơ hội”.

Về đề thi năm nay, theo ông Nghĩa, đề thi cơ bản không thay đổi so với năm trước. Bộ có đưa ra chương trình giảm tải, đề thi sẽ không có phần nào nằm trong phần đã được giảm tải.
 
Nên chọn trường vừa sức
Đông đảo thí sinh tới dự ngày hội tuyển sinh.

Nên lựa chọn trường vừa sức

Nhiều thí sinh đang băn khoăn trong lựa chọn ngành nghề. Làm thế nào để chọn lựa trường vừa phù hợp năng lực, vừa là ngành xã hội rất cần? PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết: “Bộ đang dự định để thành lập một trung tâm dự báo. Hiện nay, các em phải tự cân nhắc, tính tóan thật kỹ. Có thể những ngành học vất vả nhưng ra xin việc dễ hơn, có thể ngành hiện đang “nóng” nhưng sẽ giảm sức nóng trong những năm em ra trường. Chỉ khi học ngành học em đam mê, em mới đi đến đích cuối cùng được”.

TS Nguyễn Thị Tĩnh, phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Chọn ngành, chọn nghề là một công việc rất khó. Các em nên chọn ngành nào em phát huy được giá trị năng lực bản thân và có ý nghĩa cho xã hội sau này”.

Tại ngày hội, nhiều thí sinh có học lực khá, dự thi khối A, hỏi em có thể thi vào ngành nào có mức điểm chuẩn khoảng 15-17 điểm. TS Trịnh Thị Thúy Giang, Trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội khuyên rằng: “Trước hết, em nên xác định mình muốn thi ngành nào. Sau đó sẽ tìm các ngành mình thích và điểm chuẩn vào các trường đó trong các năm gần đây có mức điểm 15-17 điểm. ĐHQGHN các năm gần đây có điểm sàn vào trường từ 15-17. Sau khi đạt điểm sàn các em có thể đăng ký vào một ngành nào phù hợp với mức điểm”.

Đối với các ngành Y điểm chuẩn hàng năm khá cao, có thí sinh dự kiến thi được 24 - 26 điểm có khả năng đỗ vào trường ĐH Y Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Nếu mức điểm 24 - 26 mà em chưa cộng điểm ưu tiên thì khả năng đỗ còn nếu đã tính cộng cả điểm ưu tiên thì khó có khả năng đỗ”.

Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội là một trong những trường đại học khối ngành kinh tế có điểm chuẩn luôn thuộc tốp đầu, thậm chí ngành Kinh tế đối ngoại có năm lên tới 27 điểm nhưng khá đông thí sinh quan tâm muốn dự thi.

TS Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Ngành Kinh tế đối ngoại, ra trường sinh viên sẽ làm bộ phận thanh tóan quốc tế của ngân hàng, các đơn vị có họat động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với chất lượng đào tạo của chuyên ngành này, bạn có rất nhiều lựa chọn khác. Nhiều SV của trường hiện làm về truyền thông, làm biên tập cho các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, điểm chuẩn của ngành này thường rất cao, không dưới 24 điểm cho khối D và khối A có thể lên đến 27 điểm”.

Khối A và A1 có khác nhau về đầu ra?

Trả lời câu hỏi này, TS Lê Thị Thu Thủy cho biết: “Khối A và A1 chỉ là lựa chọn đầu vào. Trong chương trình đào tạo thì chỉ phụ thuộc bạn học ngành gì sau đó, chứ không phải khối thi bạn đã chọn lựa”.

Câu hỏi đề thi tiếng Anh của khối A1 có dễ hơn khối D1 không, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho hay: “Bộ chủ trương ra đề thi tiếng Anh khối A1 có cấu trúc gần với đề thi của khối D1, và độ khó cũng cố gắng để có thể tương đương nhau”.

Nhiều thí sinh băn khoăn hỏi liệu khối ngành kỹ thuật có khó xin việc? PGS TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM khẳng định: “Các ngành kỹ thuật hiện giờ không khó xin việc, nhưng không dễ có việc tốt (làm có lương cao, gần nhà, thuận lợi) vì sinh viên ngành kỹ thuật muốn có việc tốt thì phải có kỉến thức, kỹ năng tốt, kể cả kỹ năng mềm. Một nhược điểm của sinh viên kỹ thuật là kỹ năng trình bày không tốt, mặc dù tính toán tốt. Vì thế các em phải chuẩn bị cho mình các kỹ năng đầy đủ. Sẽ có nhiều cơ hội công việc cho những sinh viên có kiến thức, kỹ năng tốt”.

Để đạt được điểm cao trong các kỳ thi, yếu tố tâm lý là điều vô cùng quan trọng. TS Vũ Viết Bình, phó trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN khuyên các thí sinh: “Muốn đạt được hiệu quả cao khi thi, các em phải chuẩn bị tâm lý vững vàng. Một trong những kinh nghiệm của tôi là trong thời gian ôn thi, mỗi ngày các em nên dành khoảng thời gian học 3 tiếng liên tục rồi mới giải lao. Nếu quen được điều đó các em có thể ngồi trong phòng thi vài tiếng với sự tập trung cao độ mà không bị phân tâm. Nắm vững kiến thức kỹ năng cũng khiến em tự tin hơn khi bước vào kỳ thi”.

Về các thông tin liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, mời độc giả xem thêm tại chuyên trang Tuyển sinh 2012.

Hồng Hạnh