Nâng cao vai trò gương mẫu của nhà giáo trong xây dựng văn hóa học đường

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong xây dựng văn hóa học đường, cần nâng cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo bởi học sinh luôn làm theo tấm gương của những người thầy.

Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến văn hóa học đường, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, văn hóa học đường và ứng xử trong trường học là vấn đề rất rộng lớn, quan trọng.

Đặc biệt, đối với việc triển khai giáo dục hiện nay, chúng ta lấy rèn người là nội dung trọng tâm và ưu tiên thì vấn đề văn hóa học đường lại càng trở nên quan trọng.

"Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã rất chú ý đến vấn đề này và thực hiện nhiều hoạt động, chính sách có liên quan. Trong đó, triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 là một giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa và phát triển con người", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nâng cao vai trò gương mẫu của nhà giáo trong xây dựng văn hóa học đường - 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Theo ông, có hai phương diện quan trọng khi xét tới vấn đề văn hóa trong trường học. Thứ nhất, trường học có vai trò trong việc tạo dựng các giá trị văn hóa. Thứ hai, trường học cần thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử.

Về phương diện tạo dựng các giá trị văn hóa, ngày mùng 1/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới bằng nhiều chính sách.

"Chúng tôi hy vọng bản Chỉ thị này sẽ tạo ra được sự chuyển biến tốt lên của các vấn đề về văn hóa học đường. Trong đó, tạo dựng ra các giá trị bao gồm cả việc thực hiện thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; những nội dung giáo dục mới; những phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến; những vấn đề rèn luyện các kỹ năng cho học sinh, tạo dựng môi trường văn hóa học đường,…", Bộ trưởng nói.

Về các quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Bộ quy tắc này hiện đã có, nhưng cần rà soát để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới.

Ngoài ra, liên quan tới vấn đề xây dựng văn hóa học đường, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý đến việc đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo (đây là điều quan trọng vì học sinh luôn làm theo tấm gương của người thầy); chú trọng vấn đề giáo dục kỹ năng, ứng xử; vấn đề phát triển thư viện, trường học, văn hóa đọc; sự phối hợp giữa nhà trường với xã hội, đặc biệt với cha mẹ học sinh,…

"Có rất nhiều nội dung, hoạt động mà chúng tôi sẽ chỉ đạo triển khai trong thời gian tới nhằm từng bước tạo dựng một văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp; để đào tạo một thế hệ con người với những giá trị như sự lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực,… Đó là mục tiêu giải quyết được những vấn đề hệ giá trị của các nguyên tắc ứng xử. Các nội dung sẽ được giải quyết ở căn bản và lâu dài", Bộ trưởng cho hay.

Được biết, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài 2,5 ngày làm việc (từ 14h ngày 9/8 đến 11/8).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm