Nâng cao hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho học sinh phổ thông

(Dân trí) - Các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) tùy theo điều kiện và nhu cầu người học phối hợp với các cơ sở có đào tạo TCCN trên địa bàn để thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông

Đây là hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong việc phối hợp để thực hiện giáo dục hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Theo hướng dẫn này, học sinh sẽ tham gia học các kỹ năng nghề đã được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hoặc có thể lựa chọn học các kỹ năng nghề nghiệp khác dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên trường THCS, THPT và giáo viên, giảng viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn đáp ứng nhu cầu và năng lực của học sinh.

Sau khi hoàn thành chương trình, học sinh sẽ được cộng điểm khuyến khích khi thi tốt nghiệp theo quy định. Ngoài ra, cơ sở đào tạo TCCN sẽ cấp giấy chứng nhận cho học sinh để các em được công nhận trên thị trường lao động và được miễn trừ các nội dung này nếu có nguyện vọng theo học tiếp chương trình TCCN sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Các cơ sở đào tạo TCCN có nhiệm vụ phối hợp với các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch giảng dạy, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện hiệu quả việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của công tác hướng nghiệp trong nhà trường, các trường phổ thông phối hợp với các cơ sở đào tạo TCCN tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp khác cho học sinh như: Thăm quan cơ sở đào tạo; giảng dạy môn học Công nghệ; tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh…

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, việc phối hợp để thực hiện giáo dục hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp nói trên được thực hiện từ năm học 2014-2015. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương và các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Sở GD-ĐT có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội dung phối hợp cho các trường THPT, các cơ sở có đào tạo TCCN và các phòng giáo dục trực thuộc (để chỉ đạo các trường THCS) đồng thời theo dõi, kiểm tra công tác phối hợp này.

Các trường THCS, THPT chi trả kinh phí cho các cơ sở có đào tạo TCCN để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh trên cơ sở tự cân đối từ nguồn kinh phí được giao của nhà trường. Trường hợp các trường THCS, THPT không tự cân đối được kinh phí thực hiện thì nhà trường lập dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền ở địa phương bổ sung kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước.

S.H