Quảng Trị:

Nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý

(Dân trí) - Ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2019; trong đó, chú trọng giáo dục học sinh phát triển toàn diện và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp.

Năm học 2017-2018, ngành giáo dục Quảng Trị đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả nổi bật. Việc huy động học sinh đến trường, lớp và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Giáo dục - Đào tạo nỗ lực, phối hợp triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị đã có những cách làm tích cực, vận dụng nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhờ đó, tỉ lệ huy động học sinh đến trường khá cao, đặc biệt là ở cấp mầm non và tiểu học.

Đối với cấp học mầm non, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học mẫu giáo năm 2018 đạt 96,0%, cao hơn mặt bằng chung của toàn quốc 4,04% (91,96%). Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 643 học sinh bỏ học.

 

Nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - ông Nguyễn Văn Hùng tặng Bằng khen cho học sinh đạt giải cao.

 

Nhờ thực hiện tốt công tác huy động học sinh đến trường, duy trì số lượng, chuyên cần của học sinh, có giải pháp tích cực ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học đã góp phần duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi trên địa bàn và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp, bậc học.

Trong hoạt động dạy và học, năm học vừa qua có nhiều học sinh Quảng Trị đạt giải cao trong các cuộc thi, sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa THPT cấp quốc gia năm 2018, tỉnh Quảng Trị đạt 16 giải; trong đó 1 giải nhất, 6 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích; số lượng và chất lượng giải tăng so với năm học trước.

Lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị có 1 em học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 1 học sinh đạt giải Á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18.

Gần đây nhất, có 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt giải cao tại kỳ thi Olympic hình học năm 2018 do Iran tổ chức (IGO), có sự tham gia của hơn 5.448 học sinh đến từ 56 quốc gia trên thế giới thuộc các trình độ từ sơ cấp đến cao cấp, trong đó Việt Nam có 594 em học sinh tham gia.

 

Nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý - Ảnh 2.

Tỷ lệ huy động học sinh đến trường tăng.

 

Cuối tháng 8/2018, ngành giáo dục đã triển khai việc sáp nhập, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, giảm 75 đầu mối (toàn tỉnh từ 497 trường, tổ chức sắp xếp lại giai đoạn 1 còn 422 trường)...

Việc sáp nhập trường lớp đã giảm được số lượng đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, đầu mối quản lý, tinh gọn bộ máy; quy mô trường lớp lớn, thuận lợi trong việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; có sự chủ động trong việc cân đối, điều tiết, bố trí đội ngũ, phân công lao động trong đơn vị.

Thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Trị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học.

 

Nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý - Ảnh 3.

Năm học 2017-2018 được xem là năm khá thành công với ngành giáo dục Quảng Trị.

 

Năm 2019, ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Sở GD&ĐT và các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 84-KH/TU của Tỉnh ủy và Quyết định 1322/QĐ-UBND của UBND tỉnh, phù hợp quy mô, điều kiện thực tế của từng địa phương.

Chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, được ngành GD&ĐT xác định là giải pháp đột phá, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn. Các cơ sở giáo dục chú trọng giáo dục học sinh phát triển toàn diện và đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo tại các nhà trường.

Đăng Đức