Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:
Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chiến lược!
Ngay trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm học tới, ngành sẽ đặc biệt lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể như thực hiện điều chỉnh phương án phân ban ở THPT; giảm tải hợp lý chương trình, SGK tiểu học, THCS; chỉ đạo xét tốt nghiệp THCS...
Đến thời điểm đầu tháng 8/2005, theo báo cáo của 37 tỉnh thành, có tới hơn 8% tổng số giáo viên mầm non, phổ thông không đạt chuẩn chung, trong khi tại hội nghị giao ban giám đốc sở, nhiều lãnh đạo sở khẳng định, nhiều giáo viên trẻ không được tiếp nhận vì không có biên chế. Vậy những bất cập này sẽ được giải quyết như thế nào?
Bộ GD-ĐT đang hướng dẫn các địa phương rà soát, bố trí, sắp xếp lại số giáo viên này bằng những giải pháp như đào tạo lại và bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bố trí công việc khác thích hợp hoặc cho nghỉ hưu trước tuổi.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị HĐND, UBND các cấp chỉ đạo, hướng dẫn các sở, phòng GD-ĐT và các trường bổ sung kịp thời lực lượng giáo viên trẻ, mới ra trường, có đủ năng lực và điều kiện để tránh sự hụt hẫng về đội ngũ.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khẳng định tại Hội nghị giao ban giám đốc sở tháng 8/2005, hai vấn đề nóng của giáo dục hiện nay là chất lượng giáo dục và thi cử nặng nề, những sai sót trong đề thi và đáp áp năm học vừa qua đã làm giảm lòng tin của nhân dân. Vậy liệu năm học mới, bộ có biện pháp mạnh tay nào nhằm cải thiện vấn đề này?
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng mà tôi lĩnh hội, yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, là vấn đề “nóng” của năm học 2005-2006 mà về thực chất là nhiệm vụ lâu dài, có tính chiến lược của ngành giáo dục. Biện pháp giải quyết vấn đề chất lượng đã được thể hiện trong các nhiệm vụ năm học. Còn riêng về thi cử - một vấn đề “nóng” của năm học này- thì Bộ trưởng đã nhấn mạnh trong Chỉ thị số 22, đó là “nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; hoàn thiện tiêu chí kiểm tra, đánh giá quá trình dạy và học; kiểm định chất lượng và tiếp tục đổi mới công tác thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, THCN”.
Giảm tải cho chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông, đặc biệt là học sinh tiểu học và THCS cũng đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra ngay trong năm học mới 2005-2006. Bộ có chỉ đạo cụ thể nào để yêu cầu này được thực hiện một cách có hiệu quả, chất lượng?
Ở cấp tiểu học, chương trình và SGK còn quá tải đối với học sinh các vùng khó khăn. Năm học 2005-2006, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm hợp lý nội dung SGK cho phù hợp tâm lý, sinh lý học sinh tiểu học bằng các giải pháp như điều chỉnh phân phối chương trình theo hướng “mở”, không quy định cứng nhắc thời gian bình quân cho tất cả các tiết học, bài dạy, hướng dẫn dạy học cho các vùng miền khác nhau nhằm lược bỏ những nội dung chưa phù hợp với thực tế địa phương... Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý.
Đối với cấp THCS, THPT, việc giảm tải sẽ được giải quyết một cách hệ thống và đồng bộ để chương trình tinh giản, gọn nhẹ; nội dung kiến thức và yêu cầu kỹ năng trong chương trình tiến đến chỗ tương đương với chương trình của các nước phát triển trong khu vực.
Năm học 2005-2006 cũng là năm học đầu tiên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS theo quy định trong Luật Giáo dục. Bộ đã có những hướng dẫn cụ thể gì để bảo đảm chất lượng học tập của học sinh?
Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học được thực hiện trong cả nước từ năm học 2004-2005 là kinh nghiệm tốt để Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo việc không tổ chức thi tốt nghiệp THCS. Để thay thế cho việc thi tốt nghiệp, nhà trường có trách nhiệm xét tốt nghiệp trên cơ sở đánh giá quá trình học tập và kết quả kiểm tra cuối năm học lớp 9. Khi thực hiện giao quyền cho nhà trường trực tiếp kiểm tra, xét tốt nghiệp, bộ cũng đồng thời yêu cầu các trường nâng cao tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động đào tạo của mình về kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh trong suốt quá trình học chứ không phải chỉ trong một vài kỳ thi.
Vậy bộ đã tính đến phương án tuyển sinh vào lớp 10 để hướng dẫn cụ thể cho các địa phương chưa?
Về tuyển sinh vào lớp 10, cũng như các năm học trước, các địa phương có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế (quy mô tuyển sinh và khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh), lựa chọn phương thức tuyển sinh hoặc xét tuyển hoặc thi tuyển cho phù hợp...
Bảy nhóm công việc trong năm học mới Năm học 2005-2006, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung vào 7 nhóm công việc: Một là thực hiện tốt yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục. Hai là, củng cố hoàn thiện mạng lưới trường học, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển quy mô giáo dục đã đề ra. Ba là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bốn là hoàn thành các mục tiêu của chương trình kiên cố hóa trường học, lớp học. Năm là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Sáu là khẩn trương triển khai việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục, đổi mới công tác thi, kiểm tra. Bảy là triển khai Luật Giáo dục (sửa đổi). |
Theo Hoàng Lan Anh
Báo Người Lao Động