Bạc Liêu:
Mục tiêu của đào tạo nghề là 85% người học có việc làm khi tốt nghiệp
(Dân trí) - Theo nhiều lãnh đạo trường Cao đẳng ở Bạc Liêu, một trong những hiệu quả trong công tác đào tạo nghề là cần theo nhu cầu xã hội và giải quyết việc làm cho người học sau khi ra trường.
Thông tin về công tác đào tạo nghề vừa qua trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu cho biết, trong năm 2020, tỉnh đã tổ chức đào tạo thông qua các hình thức cho hơn 34.560 người ở các trình độ, qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 63,44%.
Trong năm 2021, tỉnh tuyển mới đào tạo ở các cấp trình độ khoảng 14.000 người. Đến cuối năm 2021, mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65% và lao động qua đào tạo có việc, tự tạo việc làm đạt 85% trở lên.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Bạc Liêu cho biết, trong nhiều năm qua, trường thực hiện đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật các ngành, nghề nói chung, các nghề trọng điểm nói riêng, có kỹ năng nghề cao, đáp ứng phần nào nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo quyết định của Bộ LĐ-TB&XH, trường có 2 nghề cấp độ khu vực Asean là Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; 3 nghề cấp độ quốc gia là Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh.
Dự kiến trong năm 2021, có hơn 230 học sinh, sinh viên cả trình độ trung cấp và cao đẳng của trường tốt nghiệp.
Nêu giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, theo ông Nguyễn Thanh Sang, việc trao đổi và thu thập thông tin từ người học, người sử dụng lao động có vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế, thực hiện chương trình, đặc biệt khi tổ chức áp dụng các kiến thức này vào trong thực tế.
Trong đó, chú trọng cho người học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để người học trang bị kiến thức một cách đầy đủ nhất, không bỡ ngỡ khi đem áp dụng vào thực tiễn công việc.
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy chiếm vai trò quan trọng.
"Bởi trên thực tế đây là cầu nối giữa giáo dục nghề nghiệp và thực tế sản xuất, giúp người học có cái nhìn trực quan hơn về nghề nghiệp của mình đang học. Do đó, cần có những thiết bị hiện đại, đa năng, ứng dụng công nghệ tin học phù hợp…", lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Bạc Liêu nhận định.
Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Cường, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KTKT) Bạc Liêu thông tin, thời gian qua, trường cũng đã có những nỗ lực đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhất là nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu.
Theo lãnh đạo trường, một trong những thuận lợi là nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề qua đào tạo của các doanh nghiệp và hộ dân về nuôi trồng thủy sản. Qua đó, nhiều ngành nghề mà trường đào tạo, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản có trên 80% học viên có việc làm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trường KTKT Bạc Liêu cũng cho rằng, một trong những khó khăn là ngoài học viên đào tạo tại công ty, một số học viên khác tham gia các lớp đào tạo không thường xuyên do hoàn cảnh khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ, thực hiện giờ học và thực hành chưa nghiêm túc…
Lãnh đạo Trường Cao đẳng KTKT Bạc Liêu đề xuất Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH phân cấp cho địa phương có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho các trường Cao đẳng thuộc địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, sát nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương.
Nêu bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, lãnh đạo Trường Cao đẳng KTKT Bạc Liêu cho rằng, công tác tuyên truyền, chiêu sinh đúng đối tượng thực sự có nhu cầu học nghề, muốn học và có quyết tâm theo học.
Trong đó, phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, lấy thực hành nghề tại doanh nghiệp là chính, gắn với thực tế sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, giúp người học kiến thức và tay nghề vững.
Cũng theo lãnh đạo trường, một trong những hiệu quả là trên cơ sở nắm bắt, phối hợp với một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp... tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, cũng như gắn giữa đào tạo với xúc tiến giải quyết việc làm cho người học sau khi kết thúc khóa học.