Quảng Nam:

Mượn nhà sinh hoạt thôn làm phòng học cho học sinh lớp 1, 2, 3

(Dân trí) - Từ khi chia tách năm 2013, thôn Tam Hiệp (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) không có phòng học dành cho các cháu cấp Tiểu học nên phải mượn đỡ nhà sinh hoạt thôn làm nơi dạy học cho các cháu lớp 1, 2 và 3.

Từ điểm trường chính của trường Tiểu học Lê Phong (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc), chúng tôi theo thầy Nguyễn Tấn Hơn - Hiệu trưởng nhà trường qua sông Vu Gia trên con đò khách để qua các điểm trường bên kia sông. Đi xe máy gần 10 km là đến thôn Tam Hiệp, nơi có căn phòng học là nhà sinh hoạt thôn dành cho 3 lớp học.


Qua sông Vu Gia để đến các điểm trường.

Qua sông Vu Gia để đến các điểm trường.

Thầy Hơn cho biết, năm 2013, khi di dời dân để định canh định cư một số thôn của xã Đại Sơn và sáp nhập lại thành thôn Tam Hiệp thì thôn này không có phòng học mà mượn đỡ nhà dân để dạy cho các em. Sau đó, khi nhà sinh hoạt thôn được xây xong thì các em chuyển về đây học đến nay.

Tại nhà sinh hoạt này có 3 lớp học 1, 2 và 3 của con em trong thôn Tam Hiệp theo học. Từ đó đến nay, tại nhà sinh hoạt thôn này vẫn duy trì đều đặn 3 lớp học với 18 em học sinh, lớp học này do cô Lương Thị Thanh Vân đứng lớp.

Nhà sinh hoạt thôn làm nơi dạy học cho các em
Nhà sinh hoạt thôn làm nơi dạy học cho các em

Theo quan sát của PV, lớp học là nhà sinh hoạt thôn này rộng khoảng vài chục mét, có chục cái bàn và ghế là nơi học tập cho các em. Thầy Hơn cho hay, cô Vân đã “bám” lớp này từ đó đến nay. “Cứ sáng cô lên dạy, trưa cô nghỉ tại chỗ và buổi chiều tiếp tục dạy cho các em. Hoàn cảnh xa nhà, lương thấp nhưng cô không bỏ dạy ngày nào”, thầy Hơn nói.

Tại điểm trường này không có cơ sở vật chất, nước sạch, công trình vệ sinh... nên cô trò đều rất khó khăn trong sinh hoạt. Hơn nữa, tại điểm trường này cách xa điểm trường chính 15 km và lại phải qua đò nên mỗi lần trường xuống kiểm tra cũng khó.


Bên trong phòng học dành cho các cháu học sinh ở thôn Tam Hiệp, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Bên trong phòng học dành cho các cháu học sinh ở thôn Tam Hiệp, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Tuy vậy, đây cũng chưa phải là điểm trường xa nhất của xã Đại Sơn mà điểm trường ở thôn Đầu Gò là xa nhất với khoảng cách hơn 15 km và lại phải qua 2 lần đò mới đến nơi. Tuy cách trở nhưng trường vẫn duy trì lớp học và cô trò đều chăm chỉ học, không bỏ ngày nào.

Thầy Hơn cho biết, Đại Sơn là xã khó khăn nhất của huyện Đại Lộc. Trường Tiểu học Lê Phong có 272 em với 15 lớp và 14 phòng học nhưng lại có 9 phòng học ở các điểm trường thuộc 5 thôn nằm bên kia sông Vu Gia. Nguồn nước ở các điểm trường này cũng khan hiếm do khoan giếng cả trăm mét nhưng không có nước dù nằm sát sông; do đó ở các điểm trường này không có nhà vệ sinh, không có nơi sinh hoạt cho các em…

​Thầy Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Phong trao đổi với PV

Theo thầy Hơn, mong muốn của nhà trường là thôn Tam Hiệp có được một phòng học để là nơi thầy có chỗ dạy và học cho đàng hoàn nhưng không thể vì kinh phí của huyện quá khó khăn. “Kinh phí xây dựng một phòng học ở đây cũng lên đến 700-800 triệu đồng vì xa xôi cách trở, không biết bao giờ các em ở đây mới có được một phòng học dù là phòng ghép dành cho 3 lớp học”, thầy Hơn tâm sự.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Vinh - Chủ tịch xã Đại Sơn cũng cho hay, mong muốn của địa phương là các cháu ở thôn Tam Hiệp có được phòng học cho đàng hoàng nhưng vì kinh phí không có nên các cháu chịu thiệt thòi.

“Địa phương mong muốn cơ quan chức năng hay mạnh thường quân tạo điều kiện cho các cháu thôn Tam Hiệp có được phòng học, đảm bảo trong mùa mưa lũ các cháu không phải nghỉ học”, ông Ngô Vinh nói.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm