Mức lương thể hiện vị thế của nhà giáo

(Dân trí) - Vị thế nhà giáo bên cạnh việc họ được đánh giá, trọng thị như thế nào trong quan niệm của xã hội còn được đánh giá qua: tiền lương, chế độ đãi ngộ, chế độ làm việc và các yêu cầu khác của xã hội được chế thành luật đối với giáo viên trong tương quan với các ngành nghề khác.

Thạc sĩ Nguyễn Mai Hoa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có bài phân tích: “Vị thế nhà giáo trong nền giáo dục quốc dân” tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay: Xu hướng Việt Nam và Thế giới” do Học viện Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức vừa qua.

giao vien .jpg

Tại Việt Nam, nhà giáo vẫn giữ vị thế khá cao trong xã hội

 

Mức lương thể hiện vị thế của nhà giáo

Theo UNESCO, vị thế nhà giáo được hiểu “một mặt là sự trọng thị, thể hiện ở mức độ đánh giá tầm quan trọng của chức năng giáo dục và năng lực cần để thực hiện chức năng đó của nhà giáo; mặt khác là các điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và những lợi ích vật chất khác được quy định cho họ trong tương quan về những nhóm nghề nghiệp khác”.

Vị thế nhà giáo để được củng cố cần đảm bảo thực hiện đồng bộ các yếu tố: Các mục tiêu và chính sách giáo dục, đào tạo nhà giáo, giáo dục bổ sung cho các nhà giáo, việc làm và sự nghiệp, các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, những điều kiện để giảng dạy và học tập có hiệu quả, tiền lương của nhà giáo, bảo hiểm xã hội.

Nhiều nhà giáo dục cũng có quan niệm tương đồng với UNESCO về vị thế nhà giáo. Họ cho rằng, mức lương và mức thu nhập cũng thường được sử dụng như là chỉ số quan trọng để cung cấp một cái nhìn có thể đo lường được về vị thế nhà giáo so với các ngành nghề khác.

Vị thế nhà giáo có thể kiểm tra thông qua ý kiến xã hội về giáo viên, thông qua các phương tiện tin tức, truyền thông hoặc khảo sát. Vấn đề vị thế nhà giáo cũng có thể được khám phá bằng cách kiểm tra xem giáo viên được trả công thế nào so với các ngành nghề khác, đời sống của họ nằm trong lớp kinh tế nào của xã hội.

Như vậy, vị thế nhà giáo bên cạnh việc họ được đánh giá, trọng thị như thế nào trong quan niệm của xã hội còn được đánh giá qua: tiền lương, chế độ đãi ngộ, chế độ làm việc và các yêu cầu khác của xã hội được chế thành luật đối với giáo viên trong tương quan với các ngành nghề khác.

Vị thế nhà giáo trên thế giới

Trong bài phân tích của mình, Thạc sĩ Nguyễn Mai Hoa đã dẫn chứng, nghiên cứu Chỉ số vị thế giáo viên toàn cầu được tổ chức phi lợi nhuận Varkey GEMS Foundation, có trụ sở tại United Arab Emirates thực hiện, đã xem xét phản biện từ 1.000 người ở 21 quốc gia tham gia vào các đánh giá quốc tế.

Lý do họ thực hiện nghiên cứu này là vì: “ở nhiều nước, giáo viên không còn giữ được vị thế cao mà họ từng thích… Theo thời gian, sự tôn sư trọng giáo viên này sẽ làm suy yếu việc dạy học, làm suy yếu việc học tập, phá hủy cơ hội học tập cho hàng triệu người và cuối cùng làm suy yếu xã hội trên toàn thế giới ”. Do đó, cần có cái nhìn khách quan và toàn diện vấn đề này và có hướng ứng xử trong tương lai.

Cuộc khảo sát bao gồm các câu hỏi về cách giáo viên được tôn trọng so với ngành nghề khác, cho dù cha mẹ có khuyến khích con em mình trở thành giáo viên và bao nhiêu (và làm thế nào) giáo viên được trả tiền lương phù hợp với vị thế của họ. Từ những phản hồi đó, các tác giả đã phác thảo ra Chỉ số vị thế giáo viên toàn cầu, xếp hạng các quốc gia dựa trên mức độ công khai tôn trọng và đánh giá các giáo viên.

Theo đó, Trung Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, theo thứ tự, đứng đầu danh sách những nơi giáo viên được kính trọng nhất. Hoa Kỳ đứng thứ 9 trong số 21 quốc gia. Giáo viên có địa vị xã hội thấp nhất ở Israel, Brazil, Cộng hòa Séc và Ý.

50% số người được hỏi từ Trung Quốc cho biết, họ “có thể” hoặc “chắc chắn” khuyến khích con em mình trở thành một giáo viên.

Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ đó chỉ hơn 30%. Chỉ có 8% người  Israel nói như vậy. Ở Trung Quốc, mọi người có nhiều khả năng so sánh giáo viên với bác sĩ hơn các ngành nghề khác. Không có quốc gia nào thực hiện so sánh này thường xuyên. Tại Hoa Kỳ , Brazil, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, giáo viên thường được so sánh nhất với các thủ thư.

Ở Hy Lạp, Ai Cập, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác, giáo viên được coi là giống như hầu hết các nhân viên xã hội.

Ở 21 quốc gia, khoảng 60% người được hỏi nói rằng: giáo viên nên được trả lương theo thành tích của học sinh. Ở Hoa Kỳ, 80% người ủng hộ điều này. Tuy nhiên, nghiên cứu lại chỉ ra rằng, không có sự tương quan cụ thể giữa vị thế nhà giáo và điểm thành tích của học sinh trong bài kiểm tra Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA).

Cuộc khảo sát cũng xem xét mức lương giáo viên trung bình ở các quốc gia được nghiên cứu, được chuyển đổi thành đô la Mỹ. Mức lương cao nhất ở Singapore với 45,755 đô la và thấp nhất ở Ai Cập là 10,604 đô la. Mức lương giáo viên trung bình ở Hoa Kỳ là 44, 917 đô la 1 năm.

Tại Mỹ, dựa trên những đặc điểm chuyên môn hóa, các thanh công cụ của xã hội học, Richard Ingersoll và Elizabeth Merrill đã kiểm tra nghề nghiệp giảng dạy để “xác định và mô tả vị thế của giáo viên” như: mức độ chuyên nghiệp, mức lương so với nghề khác, có hay không mong muốn trở thành giáo viên và động cơ là gì, uy tín và ảnh hưởng xã hội đến đâu.

Họ phát hiện ra rằng, khi các trường tiểu học và trung học hầu như thể hiện một số đặc điểm của một nơi làm việc chuyên nghiệp, giáo viên gần như thiếu hoặc thiếu các đặc điểm chuyên môn chính, cho thấy rằng, giảng dạy tiếp tục được coi là tốt nhất, nhưng là dạng bán chuyên nghiệp. Tiền lương, vị thế của giáo viên rơi vào giữa luật sư và quân đội. Dựa trên mức lương giáo viên, người Mỹ xếp hạng 22 trong số 27 quốc gia được khảo sát “ với giáo viên kiếm được dưới 60% mức lương trung bình cho công nhân có trình độ đại học toàn thời gian”.

Tại Việt Nam, theo Thạc sĩ Nguyễn Mai Hoa, nhà giáo có vị thế đặc biệt trong xã hội. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn đề cao vai trò của nhà giáo: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”… Hiện nay, nhà giáo vẫn giữ vị thế khá cao trong xã hội tuy chưa có khảo sát nào cụ thể về vấn đề này. Vị thế nhà giáo được xác lập trong Luật Giáo dục (2005).

Vai trò và trách nhiệm của nhà giáo:

Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục

Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học.

Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học.

Nghị quyết số 29 – NQ/TƯ Hội nghị TƯ 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng dành sự quan tâm đến phát triển đội ngũ nhà giáo, vị thế nhà giáo, coi đây như là 1 trong 8 giải pháp quan trọng để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Về quy định lương, chế độ đãi ngộ và lao động, nghề giáo cũng được ưu đãi, hưởng 30 – 70% lương so với một số nghề khác, thâm niên công tác…

lop hoc ao.jpg

Nhà giáo giữ vị thế gì khi người học chỉ cần một máy tính kết nối Internet có thể học với nhiều thầy cô khác nhau, các trường khác nhau ở các quốc gia khác nhau?

 

Tác động của cách mạng 4.0 đến vị thế nhà giáo tại Việt Nam

Hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 làm ảnh hưởng tới vị thế nhà giáo trong nền giáo dục quốc dân. Nhiều câu hỏi đặt ra: Nhà giáo giữ vị thế gì khi người học chỉ cần một máy tính kết nối Internet có thể học với nhiều thầy cô khác nhau, các trường khác nhau ở các quốc gia khác nhau? Quan hệ giữa thầy cô và học trò như thế nào? Xã hội quan niệm gì về nhà giáo và ngành giáo dục?

Thạc sĩ Nguyễn Mai Hoa cho rằng, những hành vi phản giáo dục của nhà giáo (bắt học sinh quỳ, không nói chuyện – giảng bài cho học sinh cả năm; đánh học sinh; cho học sinh uống nước giẻ lau bảng…) những cách ứng xử thiếu tôn trọng nhà giáo (bắt nhà giáo quỳ xin lỗi, cắt hợp đồng biến nhà giáo thành người thất nghiệp sau nhiều năm gắn bó…); tiêu cực trong giáo dục (trù dập, nâng điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia…) làm ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế, mà cụ thể là đánh giá của xã hội với nghề giáo.

Vậy cần làm gì để nâng cao vị thế xã hội của nhà giáo trong xu hướng đó và trong cuộc cải cách căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay của Việt Nam?

Thạc sĩ Nguyễn Mai Hoa  cho hay, tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về giáo dục được tổ chức tại thành phố New York vào tháng 3 – 2011, nhiều đại biểu lên tiếng về việc nâng cao vị thế chuyên môn của giáo viên, hợp tác với giáo viên trong cải cách giáo dục  để tạo ra kết quả thành công và xây dựng hợp tác giữa các giáo đoàn và lãnh đạo giáo dục để đảm bảo tiến bộ tổng thể. Phái đoàn Canada cho rằng, cần tôn trọng giáo viên và đối xử với họ như các chuyên gia, lắng nghe họ nói là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của cải cách giáo dục.

GS Kinh tế tại Đại học Sussex cho hay, có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia trong cách giáo viên được công chúng nhận thức. Điều này quyết định ai trở thành giáo viên ở mỗi quốc gia, cách họ được tôn trọng và cách họ được khen thưởng về tài chính. Cuối cùng, điều này ảnh hưởng đến loại công việc họ làm trong việc dạy con cái của chúng ta”.

Với Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Mai Hoa cho rằng, bên cạnh thực hiện nghiêm túc, triệt để giải pháp thứ 6/8 về Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo được Ban Chấp hành TƯ Đảng thông qua, cụ thể hóa tại Nghị quyết số 29, cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao vị thế nhà giáo. Cụ thể:

Thực sự coi trọng và quy định thành chế tài về việc giáo viên các cấp được tham gia trực tiếp vào đổi mới giáo dục; Xây dựng triết lý giáo dục cho thời đại ngày nay, trong đó, nhấn mạnh vai trò của nhà giáo và coi họ như một nhân tố quan trọng để thực hiện triết lý này.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực người học, hướng tới hành vi đạo đức và văn hóa người học trong đó, giáo viên giữ vai trò định hướng.

Giao quyền tự chủ cho nhà trường, cơ sở giáo dục song song với trao quyền tự chủ cho giáo viên trong tổ chức dạy học.

Cải tiến chính sách tiền lương, tiền công, chế độ đãi ngộ với nhà giáo, đặc biệt là chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội với nghề giáo. Tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt cá nhân cho nhà giáo, nhất là nhà giáo vùng nông thôn và các khu vực hẻo lánh.

Xây dựng quy định chuẩn nghề nghiệp, về đạo đức nghề nghiệp và chế tài về xử lý vi phạm, xử lý kỷ luật nhà giáo khi có dấu hiệu vi phạm.

Nhật Hồng (ghi)