Mức chi phí học tập gấp 2,7 lần học phí
(Dân trí) - Hôm nay 8/11, Bộ GD-ĐT công bố số liệu về đầu tư và cơ cấu tài chính chi cho giáo dục từ năm 2000 - 2006. Theo đó, mức chi phí học tập gấp 2,2 đến 2,7 lần học phí.
Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 1998 đến năm 2006, mức giá cả bình quân đã tăng 1,55 lần, trong khi đó thu nhập bình quân đầu người tăng 2,47 lần.
Chi phí cho học tập bao gồm học phí và 5 khoản khác là đóng góp cho trường lớp, mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, học thêm, quần áo đồng phục.
Chi phí cho học tập bình quân cho người đi học từ mầm non đến đại học (năm 2006) như sau:
(Đơn vị tính: đồng/tháng)
| Bình quân cả nước | Bình quân thành thị | Bình quân nông thôn, miền núi |
1. Học phí | 33.500 | 67.200 | 23.300 |
2. Đóng góp cho trường, lớp | 7.400 | 10.300 | 6.500 |
3. Sách giáo khoa | 10.400 | 14.100 | 9.00 |
4. Đồ dùng học tập | 8.500 | 10.500 | 7.800 |
5. Học thêm | 17.100 | 38.100 | 10.800 |
6. Quần áo đồng phục | 6.700 | 10.000 | 5.700 |
Tổng cộng | 83.600 | 150.200 | 63.400 |
So với học phí | 2,5 | 2,24 | 2,72 |
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, đối với hộ 4 người có 2 người đi học thì tỷ lệ học phí so với thu nhập của gia đình cao hơn tỷ lệ đối với hộ 3 người có 1 người đi học. Ví dụ: Năm 2006, học phí mầm non cho 2 cháu đi học của hộ 4 người ở thành thị chiếm 3,8% thu nhập gia đình, còn học phí mầm non cho 1 cháu đi học ở gia đình 3 người thành thị chiếm 2,5% thu nhập gia đình.
Theo thống kê của các nước trên thế giới, chi phí bình quân cho học tập của trẻ em trong gia đình chiếm từ 4% đến 8% thu nhập bình quân gia đình. Có thể coi đây là mức chi phí bình quân cho học tập có thể chi trả được.
Đối chiếu với mức học phí và thu nhập của gia đình Việt
Năm 2006: Chi cho giáo dục 63.568 tỷ đồng
Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố số liệu này. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT mong muốn được chia sẻ và sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhân dân và các cơ quan quản lý. Các ý kiến gửi về Vụ kế hoạch & Tài chính - Bộ GD-ĐT, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội. Email: nvngu@moet.gov.vn; bhquang@moet.gov.vn |
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2006, đối với các trường công lập từ mầm non đến ĐH, tổng chi ngân sách nhà nước (kể cả từ công trái giáo dục và xổ số kiến thiết) là 59.239 tỷ đồng và tổng thu học phí là 4.329 tỷ đồng.
Như vậy phần chi của nhà nước cho GD-ĐT chiếm 93,2%, phần đóng góp từ học phí chiếm 6,8% tổng chi cho giáo dục ở các trường công lập trong tổng ngân sách từ 2 nguồn cộng lại.
Nếu ước tính, ngoài học phí người dân còn chi thêm tiền đóng góp xây dựng trường học và học thêm cho nhà trường thì chi phí do người dân đóng góp cho hệ thống giáo dục khoảng 8.658 tỷ đồng. Tổng chi phí xã hội cho GD-ĐT nhận được từ nhà nước và người dân khoảng 67.897 tỷ đồng. Như vậy, phần chi của nhà nước cho giáo dục 59.239 tỷ đồng chiếm 87,2%.
Theo Bộ GD-ĐT, 95% ngân sách giáo dục là thuộc quyền chi của các địa phương. Như vậy, Bộ chỉ được quyền chi và chịu trách nhiệm trực tiếp 5% tổng ngân sách còn lại là thuộc quyền chi và chịu trách nhiệm trực tiếp của 64 tỉnh, thành phố và các bộ, ban ngành khác.
Cần thêm 25.633 tỷ đồng để kiên cố hoá trường, lớp
Từ năm 2002 - 2006, Chính phủ đã đầu tư cho Chương trình kiên cố hoá trường lớp học khoảng 9.000 tỷ đồng để thực hiện kiên cố hoá trường lớp, qua đó các tỉnh đã xây mới được hơn 60.000 phòng học.
Hiện nay, theo thống kê của cả nước còn 170.892 phòng học 3 ca, phòng học tạm xuống cấp nặng cần được cải tạo, xây mới với tổng kinh phí khoảng 25.633 tỷ đồng.
Bộ GD-ĐT tính toán: Nếu Chính phủ có nguồn kinh phí này cho 5 năm tới, tương đương 47% ngân sách giáo dục năm 2006 thì có thể giải quyết được vấn đề kiên cố hoá trường lớp theo nhu cầu hiện nay.
Hồng Hạnh