Mùa xuân cho em

Buổi chiều, ngày giáp Tết, khi phần lớn bạn bè cùng trang lứa đã sẵn sàng quần áo mới và quây quần bên mâm cơm gia đình đón năm mới, Ngọc Trân vẫn gồng mình chở thùng hoa ly lên chợ Đầm. Dáng em xiêu vẹo khuất dần sau dòng người đông đúc.

Chợ Xóm Mới, Nha Trang 29 Tết, dòng người mua kẻ bán tấp nập bởi chỉ còn một đêm nữa thôi là chợ sẽ đóng cửa nghỉ Tết. Lẫn trong không gian đông đúc là một cô bé tầm 13-14 tuổi bán hoa ly ngồi nép ở một góc chợ, gương mặt lộ rõ nét lo âu trước một thùng hoa lớn. Em nhìn tôi, ánh mắt như vẻ mời mọc, lại khẩn khoản khiến tôi khó thể bước tiếp. Và câu chuyện về gia đình em bé bán hoa dần dần được gợi mở qua những lời kể thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi người mua, để lại trong tôi bâng khuâng những cảm xúc yêu thương, chia sẻ khi Tết đến xuân về. Em là Nguyễn Ngọc Trân, hiện đang là học sinh lớp 8/2 trường THCS Trần Quốc Toản, Tp. Nha Trang.

Thùng hoa ly giúp mẹ lo Tết

Trân vừa xịt nước cho những búp hoa ly, vừa nhỏ nhẹ: “Nhà vườn chỗ mẹ con mua hoa đưa hoa xuống trễ nên sáng hôm qua mới có hoa để bán Tết. Ở chợ con thấy người ta bán hoa từ 24-25 rồi. Năm nay hoa mắc, giá vốn đã 140.000 đồng/bình. Giờ con bán còn một nửa giá cũng khó vì ai cũng đã mua từ trước hết rồi”. Đang nói chuyện, có người lại trả giá 60.000 đồng cho bó hoa, thấy Ngọc Trân vừa bán vừa rơm rớm. “Thế nhà con không có ai ra phụ bán với con à?”, tôi hỏi. “Mẹ con đang đi phụ lau lá dong với nấu đậu ở lò bánh chưng bánh tét rồi, chỉ có mình con bán hoa thôi. Con nghe nói 10 giờ sáng ngày mai là dẹp chợ nên con phải cố bán cho hết trong hôm nay. Mấy cô bán bánh tét chỉ con chạy lên chợ Đầm bán vì người ta đi chợ chiều trên đó đông hơn. Buổi tối thì lên nhà Thông Tin vì ở đó thường tập trung đông người”.

Buổi chiều, ngày giáp Tết, khi phần lớn bạn bè cùng trang lứa đã sẵn sàng quần áo mới và quây quần bên mâm cơm gia đình đón năm mới, Ngọc Trân vẫn gồng mình chở thùng hoa ly lên chợ Đầm. Dáng em xiêu vẹo khuất dần sau dòng người đông đúc.

Mưu sinh bằng hàng sữa đậu nành

Những mảnh chắp nối chưa đầy đủ về cuộc sống gian khó của cô bé bán hoa cùng lời nhận xét “Con nhỏ ngoan và học giỏi lắm” của những bác bán hàng gần đó đã thúc đẩy tôi đến thăm gia đình em một lần nữa vào những ngày đầu năm mới.

Trong khu tập thể nghèo trên đường Bạch Đằng, Nha Trang, Ngọc Trân và mẹ sống trong một căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 15m2. Nơi đây vừa là bếp ăn, vừa là phòng ngủ, lại vừa là góc học tập của cô bé nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Ngọc Trân một buổi đi học, một buổi phụ mẹ làm thêm đủ thứ việc buôn bán để kiếm thêm thu nhập.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm năm 1981, mẹ của Trân - chị Nguyễn Thị Khang - được phân công từ Hà Nội vào miền Trung để xóa mù chữ cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Tai họa ập đến khi chị bị dị ứng thuốc kháng sinh liều cao khiến cơ thể bị phồng rộp nghiêm trọng gây bỏng toàn thân. Sau nhiều năm chạy chữa, tuy da dẻ đã dần phục hồi trở lại nhưng phần giác mạc bị tổn thương đã không thể nào bình phục. Ánh sáng tắt dần trong đôi mắt chị từ đó.

Không còn đứng lớp được nữa, chị bắt đầu bán sữa đậu nành để trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con. Ngày mới của mẹ con Ngọc Trân bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng, mẹ nấu đậu nành, con lọc sữa. Cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng mẹ Trân vẫn giữ được nét thanh lịch của người Tràng An cùng sự điềm đạm của một nhà giáo: “Đã từng là cô giáo, tôi hiểu nỗi buồn của trẻ thơ khi không được cắp sách đến trường. Giờ đây là một người mẹ, mong muốn lớn nhất của tôi là con mình được học hành đến nơi đến chốn. Đâu ai muốn nhìn con đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà phải bươn chải cùng mẹ mưu sinh”. Từ cơm gạo, điện nước, đến học phí hàng tháng của Trân và tiền thuốc thang cho mẹ đều trông cậy cả vào hàng sữa đậu nành con con. Tuy vậy, việc buôn bán chẳng phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. “Bữa nào trời mưa là hai mẹ con uống sữa đậu nành thay cơm luôn chú à”, Trân thành thật tâm sự.
 
Mùa xuân cho em - 1
 
Mùa xuân cho em - 2
Bữa cơm của hai mẹ con với rau là món chính
 
Mùa xuân cho em - 3
Chiếc đèn bàn mới bị hư được cất lên kệ sách, Ngọc Trân tạm thay vào đó ngọn đèn dầu mỗi khi học bài

Trân chia sẻ: “Ước mơ của con là ngày Chủ nhật được ngủ đến 7-8 giờ sáng, được đi học mà không phải lo lắng chẳng biết liệu ngày mai trời có mưa không, liệu sữa đậu nành có bán hết không”. Trân còn mơ ước được trở thành sinh viên Đại học Sư Phạm để theo nghề giáo như mẹ. Những điều tưởng chừng quá đỗi bình thường ấy lại đang là ước mơ đau đáu mỗi ngày của Ngọc Trân. Liệu rồi với gánh sữa đậu nành bên đường, với sức lực ngày một suy yếu của mẹ, bao nhiêu ly sữa đậu nành 3.000 đồng mới giúp Trân thực hiện ước mơ của mình?

“Sống ở trên đời cần có một tấm lòng…” Có lẽ chính từ đạo lý đó mà trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta được nghe, được thấy bao nhiêu cử chỉ đẹp, bao nhiêu lòng hảo tâm đang cùng nhau biến những ước mơ của các em nhỏ có hoàn cảnh sống khó khăn như Trân thành hiện thực. Và chương trình khuyến học “Khăn Đỏ Đến Trường” do Techcombank và báo Thanh Niên phối hợp thực hiện cũng không nằm ngoài mục đích ấy. 500 suất học bổng với tổng trị giá là 1,5 tỷ đồng sẽ dành cho các em học sinh nghèo hiếu học từ 9 đến 14 tuổi tại 6 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Khoản kinh phí này được Techcombank trích từ lợi nhuận của khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng trong chương trình “Hạnh phúc lan tỏa” được phát động vào cùng thời điểm với thông điệp“Thêm mỗi triệu đồng gửi tại Techcombank, thêm cơ hội đến trường cho em nghèo”.

Để cùng chương trình chia sẻ những yêu thương, các bạn có thể truy cập www.facebook.com/khandodentruong.

Hải Băng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm