“Một tay” đưa 6 đứa con vào Đại học

(Dân trí) - Không được may mắn như bao người vì chồng lâm bệnh mất sớm, bà Trương Thị Em phải tự xoay xở với 2 mẫu ruộng cùng đủ mọi nghề trên chợ dưới vườn để nuôi con. Nhưng kỳ diệu thay, người đàn bà ấy đã kiên cường đưa được 6 người con vào đại học.

Chồng mất năm 1984, để lại cho bà 6 đứa con nheo nhóc mà đứa bé nhất mới chưa đầy 1 tuổi. Khó khăn lại chồng chất khi các con lần lượt đi học. Bao nhiêu khoản tiền phải nộp. Bà sẵn sàng nhịn đi một viên thuốc khi ốm đau để cho con học hành. Thân xác người đàn bà tiều tuỵ dần, nhưng trăm công nghìn việc gia đình, bà vẫn ôm vào mình, quyết không để ảnh hưởng đến việc học của chúng.

 

Mùa thi năm 1986 là những ngày vui nhất của cuộc đời bà Em. Đứa con trai cả sau bao năm đèn sách, không phụ công những tháng ngày cực nhọc của bà đã thi đậu vào khoa Toán của ĐH Sư phạm Huế. Bà cầm trên tay tờ giấy báo nhập học của con mà nước mắt tuôn rơi.

 

Hai năm sau đó, người con trai thứ hai cũng thi đậu vào trường CĐ Sư phạm Đông Hà và sau đó đã học tiếp lên ĐH. Đôi vai gầy chưa một ngày nhẹ gánh của bà lại thêm nặng khi lần lượt 4 đứa con còn lại đều bước chân lên giảng đường.

 

Hai mẫu ruộng cạn cùng với những buổi chạy chợ lại càng dày thêm dấu chân của người phụ nữ goá bụa. Bán sạch mọi thứ trong nhà vẫn chưa đủ cho con học, bà vay mượn khắp làng khắp xóm, cốt sao để cho con đi học mà không phải nhịn đói lên giảng đường. Còn mình thì bữa sắn, bữa khoai cũng được.

 

Có những lúc tưởng như bà gục ngã. Gánh nặng cơm áo cho chừng ấy miệng ăn còn khó, huống chi lo cho 6 đứa con học đại học. Những đêm bà chìm vào cơn mơ, mấy đứa con học hành thành tài. Thế là bà lại đứng dậy. Tiếp tục làm lụng cật lực. Tiếp tục hy vọng.

 

Đứa con thứ ba thi đậu trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, bà mừng lắm. Thấy con học không có máy vi tính, bà quyết định bán sạch đàn bò để mua cho con, dù biết sau đó, mình sẽ thay việc của mấy con bò mỗi ngày trên đồng.

 

“Tội nhất là con Xanh, hắn đã thi đậu ĐH Kinh tế Huế, nhưng phải gác lại vì chi phí quá lớn, đành phải về học trường CĐ Sư phạm Đông Hà cho bớt tiền của mẹ”, bà em nhớ lại.

 

Cũng may, mấy đứa con bà biết mẹ cực khổ, nên gắng sức học hành, và đỡ đần cho mẹ việc gia đình. Mấy anh em lớn lên đều từ cái cuốc, cái cày. Còn hai cô con gái út thì tranh thủ chở thêm mấy bó rau ra chợ bán giúp mẹ mỗi sớm trước khi đến trường.

 

Năm tháng đói nghèo qua đi, nhưng điều bà vui nhất là thấy con cái ngoan ngoãn, thuận hoà. Đứa lớn ra trường lại giúp mẹ dìu dắt đứa nhỏ. Cứ thế cho đến khi đứa cuối cùng rời ghế giảng đường và có công việc đàng hoàng.

 

Trên bốn bức tường nhà bà hiện không còn một tờ giấy khen nào của con do mái nhà dột không chống nỗi mưa gió và thời gian. Nhưng người mẹ già vẫn luôn tự hào mỗi khi nhìn lên ảnh người chồng xấu số vì đã làm tròn nhiệm vụ của một người mẹ.

 

Con trai cả của bà Em là Hoàng Văn Quynh hiện công tác tại trường cấp ba thị trấn Gio Linh.

 

Anh Hoàng Văn Quỳnh, con trai thứ hai, là hiệu trưởng trường cấp hai Tà Long (Đakrông, Quảng Trị).

 

Con trai thứ ba là Hoàng Văn Bằng hiện đang công tác tại phòng kĩ thuật của Đài Truyền hình Quảng Trị.

 

Con trai thứ tư là Hoàng Văn Nam đang là sĩ quan quân đội công tác tại tỉnh Bình Dương.

 

Còn hai cô con gái, Hoàng Thị Xanh đang là giáo viên trường cấp hai Gio Mỹ (Gio Linh), Hoàng Thị Hoa vừa tốt nghiệp CĐ Lương thực Thực phẩm Đà Nẵng và đang theo học tiếp CĐ Kế toán.

 

Lê Ngọc Bảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm