Một số trường đại học muốn tự khai tử một cách tự nhiên

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải thực hiện kiểm định, nhiều trường đại học xét thấy không trụ nổi và chính các trường cũng mong muốn tự khai tử một cách tự nhiên không kéo dài thời kỳ lâm sàng.

Chất lượng giáo dục đại học thấp do "đẻ" quá nhiều trường

Cùng bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và lời giải cho bài toán việc làm cho sinh viên, nhiều hiệu trưởng thẳng thắn thừa nhận chất lượng giáo dục ĐH còn thấp, thậm chí là đang đi xuống.

GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, chất lượng đại học xuống thấp là do những năm trước đây các trường tuyển sinh ồ ạt và năng lực thực tại của các trường đã mất cân đối.

Đưa ví dụ của chính trường mình, GS Đặng Kim Vui cho biết, trước đây, có ngành chỉ chừng 20 sinh viên, nhưng nay có khi lên đến 70-80 sinh viên. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo theo tín chỉ nên học sinh chỉ có thời gian học lý thuyết còn thời gian dành cho thực tập rất ít. Mặt khác sự gắn bó giữa các trường với các doanh nghiệp còn hạn chế.

GS Vui dẫn chứng, sinh viên trường Y của ĐH Thái Nguyên khi xuống thực tập, các bệnh viện tới 50 - 60 em, bệnh viện không biết sắp xếp để các em làm gì. Hay như trường ĐH Công nghiệp khi sinh viên xuống các xí nghiệp thì không thể nào làm thay người công nhân được.

"Vấn đề này còn bất cập, Bộ phải có chế tài như thế nào đó để phân biệt tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường. Tôi cho rằng người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về vấn đề tuyển vượt, tuyển quá chỉ tiêu so với năng lực. Đặc biệt, Bộ cần kiểm tra gắt gao về 3 công khai ở trên webside của các trường vì số liệu rất đẹp nhưng đi vào thực tế nó không phải như vậy. Phải nói chúng ta có phần nào đó xin lỗi là đánh lừa xã hội" - GS Vui nói.

Với ý kiến nhiều nói giáo dục đại học đang xuống cấp, ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, xuống sao được nên chăng giáo dục đang phát triển nhưng chậm.

"Cần chấn chỉnh giáo dục đại học của chúng ta, có 1 thời kỳ do đẻ ra quá nhiều đại học không đúng chuẩn. Bây giờ dần lập lại trật tự, bộ trưởng cần ra tay bình định lại để có 1 mạng lưới các trường đại học tốt. Đại học mà yếu quá là không tồn tại được. Ví dụ: 1 trường mà tiến sĩ chỉ có 10 - 20 người tiến sĩ thì đại học cái gì" - ông Sen nói.


Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục đại học đưa ra 3 yếu tố làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đại học là đội ngũ, cơ sở vật chất và tài chính (Ảnh: Lê Văn)

Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục đại học đưa ra 3 yếu tố làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đại học là đội ngũ, cơ sở vật chất và tài chính (Ảnh: Lê Văn)

Đồng quan điểm, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM kiến nghị Bộ phải có giải pháp để các trường làm đúng luật thì được lợi. Hiện nay, các trường làm đúng luật mà vẫn thiệt thòi thì sẽ khó cho các trường làm đúng. Bộ GD&ĐT cần xác định là làm vì chất lượng giáo dục, chứ không phải làm để sao cho các trường có thể tồn tại, tuyển sinh được.

Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Quang Kim Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi cho rằng, nếu người dân coi trọng nhận thức việc học đại học như phổ thông thì các trường đại học sẽ chẳng phải làm gì, chất lượng đại học vẫn tốt.

Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi đề xuất, sau hội thảo này, mỗi hiệu trưởng nên viết báo cáo 5-7 trang/tháng để báo cáo Bộ GD&ĐT.

Các trường đại học phải tự cạnh tranh với nhau

Đáp lại các ý kiến trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhiều người đã tham mưu cho tôi khâu đột phá về quản lý, cơ chế chính sách chứ không nên đột phá về thi cử. Cơ chế chính sách nếu hợp lý sẽ không tốn nhiều tiền mà nó sẽ khơi dậy được năng lực thực tại. Nếu chúng ta động vào những thứ về kỹ thuật mà trong đó tổng thể không tốt thì chúng ta phải trả giá. Cái này chạm vào trách nhiệm của tôi.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, hiện nay, toàn ngành chúng ta có 19% là tiến sĩ, rất khó khăn. Đội ngũ giảng viên như vậy làm thế nào nâng cao chất lượng đào tạo”?

"Trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm hàng đầu của hiệu trưởng là đầu tư nâng cao chất lượng. Gần đây, nhiều dự án như dự án 911 trình lên, tôi đã đề nghị phải làm lại. Đồng thời, tôi đề nghị Chính phủ dành nguồn kinh phí này cho chính các trường rà soát lại đội ngũ. Nguồn kinh phí này có kế hoạch dành cho cả trường công, trường tư như nhau, không phân biệt để trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải đầu tư cho sinh viên đi du học xong không về" - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, các trường, các thầy cô phối hợp thực hiện với Bộ chứ Bộ không làm thay. Ngoại trừ một số trường thực hiện nhiệm vụ chính trị sẽ được ưu tiên hơn, tất cả các trường còn lại đều phải thị trường giáo dục, cạnh tranh một cách lành mạnh.

Tới đây Bộ yêu cầu các trường phải thực hiện kiểm định, nhiều trường đại học xét thấy không trụ nổi và chính các trường cũng mong muốn sẽ tự khai tử một cách tự nhiên không kéo dài thời kỳ lâm sàng.

"Kéo dài sự tồn tại lâm sàng chưa chắc đã phải tốt, dẫn đến làm ảnh hưởng cho cả hệ thống, các trường phải chấp nhận. Trong cạnh tranh phải chấp nhận chia tách, sát nhập, giải thể rồi phát triển. Tôi tin rằng, các trường yếu phải chấp nhận giải thể" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Một số trường đại học muốn tự khai tử một cách tự nhiên - 2

Sẽ rà soát kỹ chỉ số đánh giá hiệu trưởng

Một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo Bộ trưởng Nhạ là phải xây dựng chuẩn nghiệp vụ cho giáo viên và đội ngũ lãnh đạo các trường, phải chuyển từ tư duy quản lý sang quản trị ĐH.

Tới đây, Bộ sẽ rà soát kỹ chỉ số đánh giá hiệu trưởng, thông qua năng lực quản trị rồi mới đánh giá cơ sở vật chất nhà trường, chất lượng chương trình đào tạo và sinh viên. Đây là trách nhiệm hàng đầu các trường đại học.

Chúng ta chấp nhận nhiều loại chuẩn khác nhau, nhưng phải đảm bảo một chuẩn nhất định về trình độ, bằng cấp. Không chỉ đội ngũ giảng viên, đội ngũ lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó hiệu trưởng…) cũng phải được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đạt chuẩn.

Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao học viện Quản lý GD xây dựng các chuẩn. Riêng với trường công lập, đội ngũ cán bộ kế cận phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, được cấp chứng chỉ mới được đưa vào quy hoạch nhân sự lãnh đạo. “Người làm chuyên môn giỏi chưa chắc đã là người làm quản lý giỏi. Để một trường ĐH hoạt động hiệu quả, người đứng đầu phải có năng lực quản lý, tư duy quản trị chứ không chỉ mỗi năng lực chuyên môn”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học đẩy mạnh quản trị theo huớng tự chủ. Theo đó, các trường cần tự rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám sát thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5-10 năm theo hướng chuyển từ thâm dụng lao động rẻ sang thâm dụng khoa học công nghệ.

Quy hoạch mạng lưới các trường đại học một cách mạch lạc

Bộ tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các trường ĐH. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ coi đây là giải pháp căn cơ cấp bách và lâu dài mà cả trường công lập và trường ngoài công lập đều không nằm ngoài.

“Để thực giải pháp này, các trường phải tiến hành kiểm định. Hiện chúng ta đã có 4 Trung tâm Kiểm định, Bộ đang tính toán thuê các tổ chức kiểm định quốc tế để nâng chuẩn chất lượng đầu ra. Đồng thời, chính bản thân các trường phải tự nâng cao năng lực bộ phận đánh giá trong”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự kiến, từ nay đến Tháng 6/2017 sẽ tiếp tục triển khai kiểm định các trường theo bộ tiêu chí kiểm định đã ban hành. Đến tháng 1/2018 sẽ tiến hành kiểm định theo tiêu chí AUN. Đồng thời, cùng với những đánh giá của thị trường, kết quả kiểm định chính là phương thức phân tầng xếp hạng thay vì hành chính.

Song song với kiểm định, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH một cách mạch lạc. Với các trường không trực thuộc Bộ chủ quản, sẽ khuyến khích đẩy mạnh tự chủ, theo lộ trình.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm