Một nhà giáo, một nhà Hán học đã ra đi
Cô Phạm Thị Hảo, một nhà giáo yêu nghề, giản dị, tận tụy với học trò; một nhà Hán học uyên bác, khiêm nhường, có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu ngữ văn phương Đông vừa mới ra đi (ngày 3/11/2012 tại TPHCM).
Đầu thập niên 1960 đến năm 1972, cô tham gia lớp bồi dưỡng Hán Nôm ở Trường Đại học Sư phạm và Viện Văn học tổ chức. Nhờ đó cô được thọ giáo những nhà Hán học danh tiếng nhất của Việt Nam lúc bấy giờ như: Cao Xuân Huy, Lê Thước, Phạm Phú Tiết, Phạm Thiều, Hoàng Thúc Trâm, Đào Phương Bình, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Kỳ Nam… Cô tiếp tục giảng dạy về ngữ văn Trung Quốc ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, cô chuyển vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, làm trưởng bộ môn Văn học nước ngoài một thời gian dài.
Trong quá trình giảng dạy, cô đã biên soạn nhiều giáo trình cho sinh viên như: Giáo trình văn học Trung Quốc và tài liệu tham khảo (Tủ sách Đại học Sư phạm TPHCM), Ngữ pháp cơ bản tiếng Hán hiện đại (Tủ sách Đại học Tổng hợp TPHCM xuất bản), Văn học Trung Quốc giản yếu (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM), Giáo trình văn học Trung Quốc bằng Trung văn (dùng dạy cho sinh viên ngành Trung Quốc học).
Sau khi về hưu, cô dành nhiều thời gian nghiên cứu, cô càng viết càng nhanh, càng viết càng hay. Hàng loạt công trình có giá trị ra đời: Kinh thi tinh tuyển (NXB Đồng Nai, 1999), Truyện đọc song ngữ Hoa Việt (NXB Giáo dục, 2000), Dã thảo: Tản văn Lỗ Tấn (NXB Văn nghệ TPHCM, 2006), Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (dịch chung với GS Trần Thanh Đạm, NXB Văn học, 2007), Khái niệm lý luận văn học Trung Quốc (NXB Văn học, 2008), Độc chiếm hoa khôi (Tam ngôn nhị phách), (tiểu thuyết cổ Trung Hoa, NXB Hội Nhà văn, Công ty Sách Phương Nam, 2011)…
Trong số các sách trên, có 3 quyển đặc biệt chú ý. Thứ nhất là cuốn Kinh thi tinh tuyển. Trước nay Kinh thi đã từng được Tản Đà dịch một ít, bản dịch đầy đủ nhất là bản dịch của Tạ Quang Phát, xuất bản ở Sài Gòn trước 1975. Thế nhưng bản dịch ấy khô khan quá, hơn nữa lại căn cứ vào chú giải của Chu Hy, nên các bài thơ bị chú giải sai lệch đi hết cả. Bản Kinh thi tinh tuyển của Phạm Thị Hảo chú dịch Kinh thi đúng như tinh thần ban đầu của nó là các bài ca dao dân ca. Bản dịch được đón nhận nồng nhiệt, sau đó cô Hảo còn được đặt hàng dịch toàn bộ Kinh thi theo tinh thần ấy.
Tập Truyện đọc song ngữ Hoa Việt (NXB Giáo dục, 2000) giới thiệu những danh tác của văn học Trung Quốc theo dạng song ngữ. Sách rất hữu ích đối với người đọc biết tiếng Hoa. Chỉ 3 năm sau khi ra đời, sách được tái bản liên tục đến 3 lần.
Công trình đồ sộ nhất của cô Hảo là dịch Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Đây là cuốn sách lý luận văn học được coi là kỳ thư của văn học Trung Quốc. Trước nay chỉ có bản trích dịch của GS Phan Ngọc. Bản dịch của GS Phan Ngọc rất hay, rất tài hoa, nhưng chỉ là trích dịch, hơn nữa lại được dịch vào thời rất thiếu sách vở và từ điển để tra cứu, nên giá trị cũng ít nhiều bị hạn chế. Cô Phạm Thị Hảo và phu quân là GS Trần Thanh Đạm đã căn cứ vào những tài liệu chú giải mới nhất của giới nghiên cứu Trung Quốc mà dịch toàn bộ và giới thiệu rất kỹ càng cuốn sách. Sách in đẹp, có kèm theo nguyên tác chữ Hán rất tiện cho người nghiên cứu. Sách trở thành sách “gối đầu giường” của các nghiên cứu sinh, học viên cao học ngữ văn và các thầy cô giáo dạy văn.
Được biết cô đã kịp hoàn thành bản thảo: Thơ Đỗ Phủ toàn tập, Thi phẩm của Chung Vinh, Tam ngôn nhị phách, Kinh thi toàn tập… Người đọc mong chờ sách sẽ được xuất bản nay mai.
Với những đóng góp trong việc nghiên cứu ngữ văn, cô Phạm Thị Hảo được vinh danh là một trong 5 nhà Trung Quốc học tiêu biểu nhất của miền Nam (cùng với GS Bửu Cầm, GS Nguyễn Khuê, nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh) trong công trình các nhà Trung Quốc học thế giới do Đại học Quốc gia Đài Loan chủ trì.
Bên cạnh những công trình lớn, cô Phạm Thị Hảo còn có nhiều bài viết có giá trị về Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản… của Việt Nam; Đỗ Phủ, Lỗ Tấn, Lão Xá… của Trung Quốc. Gần đây nhất cô có tham gia Hội thảo quốc tế về văn học cận đại Đông Á với một bài viết rất công phu và thú vị: Quách Mạt Nhược - người đặt nền móng cho thơ hiện đại Trung Quốc, trong đó cô dịch một bài thơ nổi tiếng nhất của thơ mới Trung Quốc - bài Phượng hoàng niết bàn (Cõi niết bàn của chim phượng hoàng).
Bài thơ dùng đề tài thần thoại nói về chuyện đôi chim phượng hoàng xếp gỗ thơm lại tự thiêu rồi lại tái sinh từ trên đống tro tàn. Đoạn cuối có viết: “Nước triều dâng cao/ Nước triều dâng cao/ Ánh sáng chết đã tái sinh!/ Vũ trụ chết đã tái sinh!/ Phượng Hoàng chết đã tái sinh!”. Bài dịch thơ của nhà nghiên cứu Phạm Thị Hảo lại như bài ca từ thế: có thể qua giàn lửa cô cũng sẽ tái sinh ở thế giới khác - thế giới của những người tốt, người hiền - như chim phượng hoàng kia!
(Trường ĐH KHXH-NV - ĐHQG TPHCM)