Một bài học giáo dục từ Harvard
Tôi luôn trăn trở tại sao giáo dục của Việt Nam tụt lại phía sau rất xa so với thế giới? Những môi trường giáo dục thực sự tiên tiến có những gì khác biệt?
Sau khi tốt nghiệp hai trường ở Việt Nam gồm ĐH Hà Nội và ĐH Ngoại thương, câu trả lời dần trở nên rõ ràng khi tôi may mắn được trải nghiệm chương trình đào tạo lãnh đạo của Trường kinh doanh Harvard (Harvard Business School - HBS) thuộc Trường Đại học Harvard - Mỹ.
Học thầy không tày học bạn
Có lẽ nhiều người rất tò mò và luôn thắc mắc, thực tế trường Harvard dạy những gì cho sinh viên của họ mà có nhiều người xuất sắc đến như vậy? Khi tôi bắt đầu khóa học của mình tại HBS, tôi cũng không khỏi hồi hộp và sung sướng rằng mình đang chuẩn bị được tham dự một chương trình học tập của một trường danh tiếng bậc nhất thế giới; và mình sẽ được dạy và học như thế nào nhỉ... Buổi học đầu tiên của khóa học bắt đầu với tất cả những gì khá giống với những khóa học thông thường mà một trường đại học vẫn thường có. Giáo sư lên giảng đường, giảng bài rồi đặt câu hỏi cho học viên, mọi người trả lời các câu hỏi của giáo sư và thảo luận với nhau... Tôi không hề được chứng kiến những gì cao siêu như kỳ vọng. Không có công nghệ đặc biệt, không có những bài giảng bùng nổ, không có quá nhiều khác biệt so với một lớp học truyền thống mà tôi đã từng học qua.
Điều đặc biệt là những tình huống trong các case-studies được viết rất khoa học, thực tế, đầy ắp thông tin và cũng đầy tranh cãi khiến cho chúng tôi có rất nhiều điều để nói. Mọi người tranh luận rất quyết liệt trong mỗi lần thảo luận tình huống như vậy và cuối cùng thì mọi nhóm cũng phải đưa ra được những ý kiến chung và những giải pháp cụ thể cho tình huống đó. Qua tranh luận với từng tình huống vốn thật như chính những gì mà tôi phải trải qua trong công việc của mình với những người đang có vai trò tương tự như tôi ở trong tổ chức của họ, các giải pháp và cách tiếp cận trở nên rất phong phú, sáng tạo và đầy ắp các bằng chứng cụ thể ở trong nhiều tổ chức ở nhiều nền văn hóa và trình độ kinh tế khác nhau. Lúc này tôi mới thực sự thấu hiểu một điều mà Harvard vẫn luôn tự hào, đó là người học sẽ thu nhận được rất nhiều từ bạn học và họ gọi đó là Peer-To-Peer Learning. Các cuộc tranh luận trong nhóm luôn rất quyết liệt với vô vàn những ý kiến tuôn ra từ những cái đầu sắc sảo. Mọi người đều học được từ bạn của mình nhiều điều quan trọng và ý nghĩa. Các bài tập tình huống không dừng lại ở việc thảo luận nhóm, mà chúng còn được phát triển sâu sắc hơn khi các nhóm phải tranh luận trên giảng đường với các nhóm còn lại cùng với sự dẫn dắt của một và đôi khi là hai giáo sư trực tiếp. Các vị giáo sư và trợ lý giáo vụ còn lại sẽ ngồi ngay sau lưng của học viên quan sát, ghi chép. Cả lớp chẳng ai biết những vị ngồi sau lưng mình ghi chép những gì, nhưng mọi người đều hiểu là cần phải tham gia hết sức, nếu không muốn bị đánh giá thấp và nhận kết quả đáng xấu hổ; ai cũng biết mình đang bị giám sát bởi những cặp mắt tinh tường. Còn vị giáo sư trực tiếp giảng dạy thì liên tục đưa ra các câu hỏi để gợi mở thêm chứ không hề giảng giải như ở trên các giảng đường ở Việt Nam.
Rút ruột để lột xác
Khi mọi ý kiến của học viên đã được trình bày hết, giáo sư mới thực sự tổng hợp và đưa ra giải pháp cụ thể cho tình huống đó bằng cách cho chúng tôi xem phim về chính những nhân vật của tình huống đó đã giải quyết trong thực tế như thế nào. Không dừng lại ở đó, bữa ăn tối thường là thời điểm chúng tôi được gặp trực tiếp một vài nhân vật chính bằng da bằng thịt của các bài tập tình huống đã thảo luận ban ngày ở trên lớp, lúc đó thì các học viên tha hồ hỏi bất cứ câu hỏi nào mà họ băn khoăn khi giải quyết tình huống đó trong thực tế thì sẽ ra sao. Đến đây tôi mới hiểu thực sự triết lý học tập Inside - Out (rút từ bên trong ra) mà các nhà giáo dục vẫn thường nói. Mọi học viên đã thực sự bị rút ra sạch sẽ những gì mình biết, lục tìm tới tận mọi giới hạn hiện có của trí thông minh của mình, kể cả những phán đoán, sức tưởng tượng cũng được huy động triệt để... sau mỗi lần thảo luận như vậy. Rồi sau đó, sự tổng hợp và bài giảng của giáo sư mới trở nên thực sự có ý nghĩa khi nó có tính định hướng và luôn cung cấp một cách tổng hợp cho chúng tôi những giải pháp giàu khả thi và những kết luận đầy giá trị. Và những cuốn giáo trình, những cuốn sách chúng tôi được phát trong khóa học, tới lúc đó mới cho thấy hết giá trị của nó khi chúng tôi đã đi qua các bài tập tình huống, đã phải tranh luận nảy lửa, đã nghe giảng...
Buổi tối muộn về tới phòng ngủ của mình, dù mệt nhoài nhưng tôi cũng như mọi người luôn cố gắng nghiên cứu các cuốn sách được phát để có thêm những nền tảng cần thiết cho buổi tranh luận tiếp theo. Toàn bộ khóa học, chúng tôi lặp đi lặp lại quy trình: Thảo luận nhóm, tranh luận với các nhóm khác trên giảng đường, nghe giảng kết luận, về phòng tiếp tục đọc sách. Kết thúc khóa học, mọi người thấy rất thú vị khi mà tất cả học viên hầu như thuộc lòng các vấn đề được giảng dạy mà rõ ràng chúng tôi không hề bị bắt học thuộc lòng. Nhưng kỳ diệu nhất, đó là ai cũng cảm thấy bản thân như đã lột xác để thành một con người mới, với tầm nhìn sâu rộng hơn, đầy đam mê hành động với những chiến lược rất cụ thể.
Chuyến bay về Việt Nam thật là dài, nó đủ thời gian cho tôi suy ngẫm thấy một sự khác biệt quá lớn giữa những gì tôi vừa trải qua ở một trường đại học hàng đầu thế giới và bao năm học tập vất vả ở các trường đại học ở Việt Nam. Nếu xét thuần túy ở góc độ sức lực đổ ra trong học tập thì việc học ở Việt Nam cũng chẳng thể nói là kém vất vả hơn, nếu bạn thực sự học nghiêm túc. Nhưng cũng chừng ấy sức lực bỏ ra, tôi thu được nhiều hơn rất - rất - nhiều lần khi học ở HBS. Ở đó, tôi không hề phải chịu áp lực thi cử như ở Việt Nam, không hề thấy việc lên giảng đường là những phút giây dài đằng đẵng với việc phải khép mình ngoan ngoãn chép cho hết bài giảng của thầy cô, không hề thấy áp lực phải tìm tài liệu học cho nó trúng tủ khi thi... Ngược lại, chúng tôi thích thảo luận nhóm, chúng tôi thích tranh luận và nghe giảng trên giảng đường, chúng tôi tự thấy đọc sách là một nhu cầu thiết yếu để hoàn thiện tri thức và đọc càng nhiều càng tốt, Chúng tôi thấy giáo sư là những người bạn thực sự đang hỗ trợ mình.
Cái khác biệt lớn nhất đã thấy rõ ngay từ trong tư duy giáo dục. HBS thiết kế những kịch bản giáo dục và đào tạo cụ thể để nâng tất cả mọi học viên lên một tầm tri thức và kỹ năng mới. Họ đặt ra vấn đề là người học phải giỏi lên, phải thực hiện được ngay những gì đã học, chứ không đặt vấn đề là bài giảng của giáo sư phải thật hay. Họ đặt ra vấn đề là giáo dục phải rút từ bên trong người học ra để mọi người tự nhận thức nhu cầu hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và rồi tìm mọi nguồn để hoàn thiện nó, chứ không đặt ra vấn đề là kiểm tra sinh viên của mình đã thuộc bài hay chưa bằng các kỳ thi đầy căng thẳng. Họ nhìn tới kết quả cuối cùng rằng người học sẽ có khả năng tư duy và hành động ra sao trong thực tế, và từ tầm nhìn ở điểm đích cuối cùng đó, họ lập một kế hoạch chi tiết bằng các bài tập tình huống, một kịch bản giáo dục để thỏa mãn đòi hỏi thực tiễn... Chính vì thế mà sinh viên của họ giỏi giang, chủ động, giàu tư duy phân tích và cực kỳ nhạy bén với thực tế.
Giá như bài toán giáo dục ở các trường đại học của Việt Nam được đặt lại vấn đề theo hướng tạo ra một kịch bản giáo dục hoàn thiện để nâng người học lên tầm cao mới, với cách làm thúc đẩy động lực từ bên trong như tôi đã trải qua ở HBS thì có lẽ sẽ tốt biết bao. Tôi tin với tố chất thông minh và khả năng thích nghi nhanh đặc biệt của người Việt, chúng ta sẽ có đột phá lớn mà chẳng phải đầu tư quá nhiều tiền bạc