Kinh nghiệm vào ĐH Harvard

Để lọt vào số 6% hồ sơ hằng năm được chấp nhận ở ĐH Harvard, Mỹ, bạn phải có kết quả học tập trung học thật tốt, thể hiện được sự khác biệt của bản thân qua bài luận…

“Nếu tôi thi chứng chỉ xét đầu vào ĐH của Mỹ - SAT đạt 2.300 (tối đa 2.400 điểm - PV) liệu có được chấp nhận vào ĐH Harvard?” - V. Tiến, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đã nêu thắc mắc như vậy với đoàn học viên cao học quản trị kinh doanh ĐH Harvard trong buổi gặp gỡ do Tổ chức Giáo dục Quốc tế EF tổ chức hôm 13/1. Rất nhiều kinh nghiệm đã được các học viên cao học ĐH Harvard truyền đạt cho học sinh, sinh viên Việt Nam để có thể đặt chân vào ĐH hàng đầu của Mỹ.  

Học sinh
Học sinh Việt Nam học hỏi cách “chinh phục” ĐH Harvard từ các học viên cao học ĐH Harvard.

Thể hiện sự khác biệt

Trả lời thắc mắc của V. Tiến, Julia chia sẻ: Điểm SAT chỉ là một trong nhiều yếu tố đầu vào của ĐH Harvard. Những yếu tố khác cũng rất quan trọng là phải có kết quả học tập tại trường THPT thật tốt, bài luận vượt trội, những kỹ năng cá nhân, cũng như các hoạt động cộng đồng. Lưu ý là ĐH Mỹ rất quan tâm đến những hoạt động bên ngoài nhà trường của người học.

Julia nhấn mạnh ứng viên cần phải chú trọng vào bài luận, phải làm sao thể hiện mình khác biệt, nổi bật để được chọn. Vì bình quân cứ khoảng 100 hồ sơ nộp vào ĐH Harvard để học ĐH thì có đến 94 bị loại, còn sau ĐH là 90 bị loại.

Để minh họa về việc viết bài luận, Julia kể kinh nghiệm vào ĐH Harvard của mình. Cô đã viết 2  bài luận. Bài thứ nhất kể về việc đi học lớp nấu ăn với chủ đề “Làm sao chấp nhận cảm giác mình là người tệ nhất lớp?”. Bài luận thứ hai có chủ đề về kinh nghiệm sống ở Nhật (vì gia đình cô là người nước ngoài sống ở Nhật). Julia đúc kết: “Bài luận chính là chia sẻ những gì mỗi học sinh trải qua trong cuộc sống hơn là những hiểu biết mang tính học thuật, qua đó thể hiện cá tính của người đi học”.

June Odongo bổ sung: “Các trường ở Mỹ thích những câu chuyện. Bạn có thể kể những câu chuyện mà lúc nhỏ đã gặp, đã trải qua trong cuộc sống. Và bạn học được gì, có được kinh nghiệm gì qua những điều đã kể. Bạn đã mắc lỗi lầm gì và đã vượt qua như thế nào... Họ muốn biết cách để bạn hòa nhập vào môi trường mới”.

Wojtek Kubik cho biết ĐH Mỹ còn quan tâm đến việc sinh viên này thực sự đam mê gì, có thể cống hiến gì và có gì cho những sinh viên khác học hỏi, chia sẻ… Đó là những điều họ “để mắt” khi xét duyệt hồ sơ.

Rèn luyện tiếng Anh thường xuyên

Ngoài những điều đã chia sẻ ở trên, rèn luyện tiếng Anh thành thạo là vấn đề mà các học viên cao học ĐH Harvard muốn nhấn mạnh. Wojtek Kubik cho rằng môi trường ĐH quan trọng nhất là nói tiếng Anh tốt. Do đó, phải rèn luyện thường xuyên. Nếu không rèn luyện thì dù trong trường học tiếng Anh tốt (từ vựng, văn phạm) thì ra ngoài cũng không sử dụng được.

June Odongo kể rằng cô đến từ đất nước Kenya, nơi các chương trình đều được dạy bằng tiếng Anh. Nhưng khi sang Mỹ học, người Mỹ không nghe được tiếng Anh của cô. Cô rút ra bài học kinh nghiệm khi học tiếng Anh phải có môi trường sử dụng và phải rèn luyện mỗi ngày thì mới có thể thuần thục được.

Trong khi đó, những học sinh có ý định đặt chân vào ĐH hàng đầu của Mỹ cho biết: Để có thể thi SAT, lượng từ tiếng Anh cũng lên đến mấy chục ngàn từ, sách cao cả chồng, phải rất nỗ lực, cứ như phải vượt qua “vách đá”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của các học sinh này, điều họ yên tâm để phấn đấu là khi đã được chấp nhận vào ĐH Harvard thì không phải lo về tài chính. Nếu người học khó khăn, ĐH này sẽ dựa trên thu nhập của gia đình người đó để đưa ra mức đóng học phí phù hợp. Quả là không uổng công để vượt qua “vách đá” khi vừa được học ở ĐH danh tiếng của thế giới vừa không phải lo về học phí.

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm