Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Hoesung Lee (IPCC):

Mong các nhà khoa học của Việt Nam tham gia vào hoạt động của IPCC

(Dân trí) - Chiều ngày 25/10, đoàn Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) do Chủ tịch Hoesung Lee dẫn đầu đã tới làm việc tại ĐH Quốc gia Hà Nội.

Mong các nhà khoa học của Việt Nam tham gia vào hoạt động của IPCC - 1

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao các thành tựu khoa học chuyên sâu về biến đổi khí hậu đã đạt được của IPCC và cho biết, ĐHQGHN đã và đang tiên phong thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu và hiện đang triển khai đào tạo chương trình thạc sĩ đến khóa thứ 5 về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã tích cực tổ chức và tham gia nhiều hoạt động về biến đổi khí hậu. ĐHQGHN cũng là đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng những thành tựu của IPCC vào công tác nghiên cứu và đào tạo về biến đổi khí hậu.

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đề nghị IPCC tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ĐHQGHN trong thời gian tới để cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam. Đồng thời, ĐHQGHN sẽ là đầu mối tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu của IPCC tại Việt Nam, thông qua đào tạo và nghiên cứu; IPCC sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao thành tựu nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực biến đổi khí hậu; IPCC hỗ trợ một số chương trình học bổng cho sinh viên, học viên của ĐHQGHN; cho phép các cán bộ khoa học của ĐHQGHN tham gia các chương trình thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu của IPCC…

Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết các đại diện cơ quan quan trọng của IPCC đều có mặt tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của IPCC hợp tác với Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Hiện tại, IPCC dự kiến báo cáo đánh giá tổng hợp lần thứ 6 (AR6) về những hệ lụy đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và cũng đang xây dựng “Báo cáo đặc biệt về tác động của sự nóng lên toàn cầu 1.5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và các đường phát thải khí nhà kính tương ứng”. Chủ tịch IPCC mong rằng các nhà khoa học của Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng sẽ tích cực tham gia vào các báo cáo sắp tới của IPCC, đặc biệt góp phần giải quyết các câu hỏi mang tính địa phương và cung cấp các thông tin khoa học để có thể đưa vào các đánh giá. IPCC hy vọng rằng Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ đề cử các nhà khoa học tham gia với vai trò tác giả cho các chủ đề liên quan đến báo cáo đánh giá của IPCC”.


Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết các đại diện cơ quan quan trọng của IPCC đều có mặt tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của IPCC hợp tác với Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. 

Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết các đại diện cơ quan quan trọng của IPCC đều có mặt tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của IPCC hợp tác với Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. 

Đồng thời, Chủ tịch IPCC cũng cho biết, IPCC đã có chương trình học bổng dành cho các học viên chuyên ngành biến đổi khí hậu. Ông cũng khẳng định IPCC sẵn sàng chia sẻ về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ về kỹ thuật, thiết bị để Việt Nam đánh giá chính xác hơn về tác động của biến đổi khí hậu.

Cùng đó, tại ĐHQGHN đã diễn ra buổi thuyết trình và trao đổi “Cập nhật cơ sở khoa học về biến đổi khí hậu” với sự tham gia Chủ tịch Hoesung Lee cùng các chuyên gia, giáo sư đầu ngành IPCC và ĐHQGHN về biến đổi khí hậu và đông đảo sinh viên các trường đại học thành viên ĐHQGHN.

Buổi thuyết trình được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh những hoạt động của sinh viên và cộng đồng về biến đổi khí hậu thông qua việc cập nhật những thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu.


Sinh viên ĐHQGHN đã đặt câu hỏi và quan tâm, mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mở rộng kiến thức về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sinh viên ĐHQGHN đã đặt câu hỏi và quan tâm, mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mở rộng kiến thức về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sau khi nghe các bài thuyết trình từ các chuyên gia IPCC, nhiều sinh viên ĐHQGHN đã đặt câu hỏi, thể hiện sự quan tâm và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mở rộng kiến thức về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với sinh viên ĐHQGHN, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee nhắn nhủ các em hãy thực hiện việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua chính các hoạt động học tập và nghiên cứu tại chính địa phương nơi các em đang sinh sống. Chủ tịch IPCC tin tưởng những nỗ lực học tập và nghiên cứu của các em sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Hoesung Lee cùng đoàn công tác tại trụ sở Chính phủ và bày tỏ mong muốn có sự hợp tác từ phía IPCC trong việc triển khai Thỏa thuận Paris về khí hậu (COP 21) mà Việt Nam đã tham gia.

IPCC là tổ chức quốc tế hàng đầu về đánh giá biến đổi khí hậu do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thành lập năm 1988, là tổ chức khoa học liên chính phủ của tất cả các nước là thành viên của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Khí tượng Thế giới, có ban thư ký đặt tại Thụy Sĩ.

IPCC không tiến hành các nghiên cứu mới. Thay vào đó, nhiệm vụ của IPCC là tiến hành đánh giá liên quan đến chính sách các tài liệu hiện có trên thế giới về các mặt khoa học, kỹ thuật và kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu. Báo cáo của IPCC có vai trò chính trong việc thúc đẩy các chính phủ thông qua và thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

Nhật Hồng