Mọi đúng sai trong câu chuyện Đức Hải giờ thuộc về các đơn vị hữu quan
(Dân trí) - Hướng xử lý của trường trước sự việc dừng ở đây. Mọi đúng sai trong câu chuyện của nghệ sĩ Đức Hải thuộc về các đơn vị hữu quan kết luận - Hiệu trưởng CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, chia sẻ
Đức Hải: "Môi trường giảng dạy cho tôi nhiều niềm vui"
Đức Hải vừa là nghệ sĩ, vừa là người thầy. Hồi trẻ, anh thi đỗ vào ĐH Ngoại thương, nhưng có "máu nghệ sĩ trong người" nên quyết theo nghiệp diễn. Anh từng viết thư tuyệt mệnh gửi cho bố mẹ khi cắt amidan, để được đứng lên sân khấu.
Là nghệ sĩ tài năng, bận rộn, anh vẫn miệt mài không ngừng trên con đường học tập. Anh từng đi học ở Nga lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành đạo diễn.
Ngoài đi diễn, nam nghệ sĩ còn gắn bó với công việc dạy học. Khi đang là giảng viên ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Đức Hải vào Nam lập nghiệp và tiếp tục đứng lớp tại ĐH sân khấu điện ảnh TPHCM. Sau đó, anh chuyển đến công tác tại Trường cao đẳng (CĐ) Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, cho đến nay.
Nhiều đồng nghiệp và sinh viên của Đức Hải chia sẻ, trên bục giảng hay sàn diễn sân khấu, anh luôn dí dỏm, hài hước và "rút hết gan ruột" để truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho sinh viên.
Ở vị trí một người thầy, Đức Hải từng chia sẻ ngắn gọn: "Môi trường giảng dạy mang đến cho tôi nhiều niềm vui".
Trở lại những ồn ào thời gian qua của anh. Vài ngày sau những phát ngôn phản cảm trên Facebook, Đức Hải bị miễn nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.
Trước sự cố, Đức Hải phải đối diện với làn sóng "tẩy chay" từ dư luận. Sự việc tiếp tục đi xa hơn, gây bức xúc hơn khi anh lên tiếng thanh minh. Lúc anh nói Facebook của mình bị hack, sau lại bảo do con nuôi "táy máy nghịch dại".
Dư luận mong chờ sự nhận lỗi, chịu trách nhiệm từ chính Đức Hải. Như quan điểm từ Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn: Những phát ngôn trên Facebook của mình, trước tiên nghệ sĩ Đức Hải phải chịu trách nhiệm.
Bài học đắt giá
Bất kể ai cũng có thể mắc sai lầm, kể cả khi họ là người thầy, là bố mẹ...
ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt chia sẻ, sự việc Đức Hải bị miễn nhiệm vai trò Phó Hiệu trưởng, từ những phát ngôn thiếu chuẩn mực là bài học đắt giá đối với nghệ sĩ nói riêng và người làm trong công tác giáo dục nói chung.
Chút hồ đồ trong khoảnh khắc mất thăng bằng, không kìm nén được cảm xúc có thể đánh đổ danh tiếng, uy tín một đời. Đây là lời cảnh báo với tất cả mọi người, nhất là với những ai làm trong ngành giáo dục, nên cẩn trọng với những phát ngôn trên mạng xã hội - bà Lan Anh nói.
"Trở về nhà, ôm lấy các con thật chặt nha thầy. Chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho những việc của mình, nhưng mong thầy vẫn tìm thấy sự bình yên cho mình, cho gia đình, cho những đứa trẻ của mình qua sóng gió", đó là bình luận, nhắn nhủ hiếm hoi của một học trò cũ gửi đến Đức Hải trên Fanpage của trường, nơi anh vừa ngưng vai trò phó hiệu trưởng.
Học trò, đồng nghiệp đều biết rõ, Đức Hải là ông bố làm việc chăm chỉ, kiếm tiền nuôi con. Từ "trùm nhậu" thành "ông bố bỉm sữa" của 4 đứa con, trong đó có cặp sinh ba.
Sự cố mà nghệ sĩ Đức Hải vừa trải qua đến từ dư luận, hay các quyết định hành chính đều "đắt" và chua chát.
Như chia sẻ của ông Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, hướng xử lý của nhà trường trước sự việc dừng ở đây, mọi điều tra đúng sai trong câu chuyện của nghệ sĩ Đức Hải thuộc về các đơn vị hữu quan thực hiện và kết luận.