Mô hình VNEN nhìn từ thực tế ở khu vực miền núi

(Dân trí) - Việc áp dụng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) ở một số trường, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là khu vực miền núi. Tuy nhiên, một số đơn vị trường học chỉ duy trì kiểu “nửa nạc, nửa mỡ”.

Khó khăn nhưng vẫn phải áp dụng

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018 bậc Tiểu học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định dừng triển khai mô hình VNEN nếu trường học chưa đủ điều kiện.

Bởi, khi đưa một mô hình, phương pháp giáo dục mới vào triển khai, việc đầu tiên phải tính đến là các điều kiện để thực hiện nó, trong đó có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết.

Mới đây, Ngân hàng thế giới đã chính thức công bố báo cáo đánh giá về mô hình trường học VNEN. Báo cáo cung cấp, VNEN được Bộ GD-ĐT Việt Nam triển khai vào năm 2011- 2012 tại 6 tỉnh thành, trên 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Báo cáo cũng cho rằng, sự đón nhận từ phía cộng đồng là rất lớn, tạo ra động lực để lãnh đạo Bộ GD-ĐT mở rộng VNEN trên phạm vi toàn quốc.

Còn trên thực tế, một số địa phương đã dừng triển khai chương trình VNEN đối với bậc THCS và không triển khai thêm các lớp học mới VNEN đối với bậc Tiểu học trong năm học mới 2017 -2018.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại Trường THCS Giao An, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), tại đây chỉ có 1 lớp học theo mô hình VNEN với 31 học sinh. Lớp VNEN này được triển khai từ năm học 2015 – 2016. Sở dĩ, lớp học này đang tồn tại là vì được duy trì từ cấp Tiểu học lên. Còn trong những năm gần đây, nhà trường không mặn mà với việc mở rộng thêm lớp học hay các thành tố theo mô hình này.


Trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), nhiều năm qua cũng chỉ có 2 đơn vị cấp THCS còn áp dụng mô hình VNEN.

Trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), nhiều năm qua cũng chỉ có 2 đơn vị cấp THCS còn áp dụng mô hình VNEN.

Qua tìm hiểu thì việc duy trì lớp học VNEN chỉ theo kiểu cầm chừng. Thầy Nguyễn Văn Hà, Phó hiệu trưởng Trường THCS Giao An, chia sẻ, học sinh của nhà trường 100% là con em đồng bào dân tộc Mường. Về cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy theo mô hình VNEN của nhà trường gặp nhiều khó khăn, đồ dùng dạy học xuống cấp, hầu như không sử dụng được.

Giáo viên nhà trường ít, mỗi người phụ trách một mảng môn, đồng thời phải triển khai song song hai chương trình giáo dục hiện hành và chương trình VNEN. Ngoài ra, mô hình này đòi hỏi phụ huynh phải song song với học sinh trong công tác học tập ở nhà. Trong khi đó, điều kiện sống của phụ huynh học sinh miền núi còn nhiều khó khăn, không đủ khả năng để hướng dẫn, phụ đạo cho con em mình...

Ngay đầu năm học, ngành giáo dục Thanh Hóa cũng đã có nhiều thắc mắc như: Việc tiếp tục triển khai hay dừng, bắt buộc hay tự nguyện, mức độ triển khai toàn phần hay không toàn phần, với trường thuộc dự án thì thế nào, với trường nhân rộng thì thế nào? Thực hiện cuốn chiếu với số học sinh đã học theo mô hình (khối lớp 3,4,5 của năm học 2017 - 2018), còn với lứa học sinh bắt đầu lên lớp 2 của năm học 2017 - 2018 thì thế nào, có thực hiện không?

Các đơn vị, trường học gặp khó khăn chủ yếu là ở các huyện miền núi cao, khi không còn kinh phí hỗ trợ thì việc huy động đóng góp của dân, công tác xã hội hóa hiệu quả rất thấp.

Sau nhiều năm áp dụng, phụ huynh thắc mắc sách giáo khoa vẫn là sách thử nghiệm
Sau nhiều năm áp dụng, phụ huynh thắc mắc sách giáo khoa vẫn là sách thử nghiệm

Áp dụng kiểu “nửa nạc, nửa mỡ”

Một vấn đề khác đặt ra đối với học sinh cấp THCS khi tham gia chương trình VNEN là không được hỗ trợ mà phải tự mua sách giáo khoa, nhà trường không đủ điều kiện để hỗ trợ cho học sinh. Trong khi đó, một bộ sách giáo khoa VNEN đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa chương trình hiện hành.

Lớp học VNEN nhìn cũng không khác lớp học truyền thống
Lớp học VNEN nhìn cũng không khác lớp học truyền thống

Vấn đề khác khiến giáo viên và phụ huynh không khỏi băn khoăn khi chương trình áp dụng qua nhiều năm nhưng đến thời điểm này, bộ sách giáo khoa vẫn là sách thử nghiệm. Thêm nỗi lo lắng nữa của nhà trường và phụ huynh là việc thi cử của học sinh, khi các cuộc thi hiện nay là thi theo chương trình giáo dục hiện hành.

Chương trình VNEN đề cao vai trò tự học, mà theo đánh giá của giáo viên, học sinh miền núi vai trò tự học là chưa cao. Qua 3 năm áp dụng, mô hình VNEN được đánh giá là không có hiệu quả đối với học sinh khu vực miền núi của nhà trường. Và từ năm học 2016 - 2017, nhà trường không áp dụng mô hình VNEN đối với học sinh lớp 6.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí trong buổi học môn Ngữ văn, học sinh vẫn ngồi học và tiếp thu kiến thức theo kiểu truyền thống mà không học theo nhóm. Lớp học cũng không được trang trí theo mô hình của lớp học VNEN thường thấy.

Học sinh lớp VNEN vẫn học theo kiểu truyền thống
Học sinh lớp VNEN vẫn học theo kiểu truyền thống

Cô Cao Thị Hồng, giáo viên Trường THCS Giao An, chia sẻ, việc thực hiện theo nhóm khó khăn, bởi vì học nhóm đòi hòi phải có học sinh vượt trội hơn để tổ chức, trong khi lớp học chỉ có một vài em là có năng lực trội hơn. Học sinh giao tiếp không mạnh dạn, trình bày hiểu biết của mình còn rụt rè. Từ đó, các tiết học trầm hơn nên khiến cho việc đổi mới khó khăn hơn.

Không còn cách nào khác, để đảm bảo duy trì lớp học VNEN, trên thực tế, giáo viên nhà trường phải dạy theo hai kiểu vừa truyền thống vừa theo mô hình VNEN. Thậm chí, nhà trường còn phải bố trí thời gian một số buổi chiều để bổ sung thêm kiến thức cho học sinh.

Theo báo cáo kết quả triển khai, thực hiện mô hình trường học mới năm học 2016-2017 của Phòng GD-ĐT huyện Lang Chánh, trên địa bàn chỉ có 2 lớp cấp THCS với 57 học sinh tham gia chương trình VNEN. Các trường thực hiện mô hình VNEN đều là trường đã đạt chuẩn quốc gia nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học tương đối đầy đủ...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, gia đình học sinh về chủ trương, mục tiêu, nội dung và hiệu quả của việc triển khai mô hình VNEN cấp THCS còn hạn chế nên chưa tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Việc học nhóm với học sinh miền núi còn nhiều khó khăn
Việc học nhóm với học sinh miền núi còn nhiều khó khăn

Cơ sở vật chất, bàn ghế, trang thiết bị dạy học chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực hiện dạy học theo mô hình VNEN. Đa số học sinh là con em dân tộc thiểu số, sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên việc mua bộ sách giáo khoa là quá sức đối với học sinh.

Đội ngũ giáo viên đồng thời dạy song song hai chương trình VNEN và chương trình phổ thông hiện hành nên gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Đặc biệt là quy trình tổ chức hoạt động học cho học sinh, vì vậy chất lượng giờ dạy chưa cao.

Nhiều phụ huynh học sinh còn băn khoăn, chưa yên tâm về cách kiểm tra, đánh giá học học và kết quả giáo dục theo mô hình VNEN, đặc biệt chưa biết tương lai con em mình thi chuyển cấp vào THPT như thế nào.

Đây cũng là những khó khăn chung đối với các đơn vị trường học ở khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa khi áp dụng mô hình VNEN. Việc áp dụng mô hình VNEN kiểu “nửa nạc nửa mỡ” tại một số đơn vị, trường học hiện nay đặt ra một câu hỏi về hiệu quả thực sự của mô hình này...

Duy Tuyên