Những học sinh nghèo vượt khó của xứ Thanh:

Mẹ vay tiền khắp nơi cho con ra Hà Nội nhập học

(Dân trí) - Đậu ngành CNTT Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN với 24,1 điểm khối A, giờ đây em Vũ Thanh Thảo vẫn khắc khoải không biết mình có cơ hội được học hay không. “Mẹ em chạy vạy khắp nơi vay tiền chuẩn bị cho em ra Hà Nội học nhưng chẳng vay được là bao. Nhìn mẹ gầy đi trông thấy, em dường như muốn buông xuôi tất cả...”.

Đó là tình cảnh hiện nay của em Vũ Thanh Thảo (SN 2000, ở thôn Đồng Bồng, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, cựu học sinh Trường THPT Hà Trung.


Em Vũ Thanh Thảo luôn vượt khó vươn lên trong học tập. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Thảo đạt 24,1 điểm ba môn xét tuyển khối A (Toán 8,6, Vật lý 8,25 và Hóa học 7,25 điểm).

Em Vũ Thanh Thảo luôn vượt khó vươn lên trong học tập. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Thảo đạt 24,1 điểm ba môn xét tuyển khối A (Toán 8,6, Vật lý 8,25 và Hóa học 7,25 điểm).

Bố ốm đau, gia đình vay nợ

Thảo là con đầu trong gia đình có 4 con, sau Thảo còn 3 em đang học lớp 5, lớp 1 và mầm non. Ý thức được hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc học, nhiều hôm, Thảo thức giấc từ mờ sáng đi lấy hàng phụ mẹ tại chợ Bỉm Sơn cách nhà hơn 10km.

Người bố là trụ cột trong gia đình thì quanh năm ốm đau. Những năm gần đây, anh Vũ Quốc Năm (bố Thảo) còn mắc bệnh glôcôm - một bệnh lý về mắt.

Thời gian đầu, cứ vài ba tháng, vợ chồng anh Năm phải khăn gói ra Hà Nội lấy thuốc điều trị mong hạn chế được sự phát triển của bệnh. Nhưng đến năm 2015, do hoàn cảnh gia đình không cho phép buộc anh phải dừng điều trị.

Đến đầu năm 2018, anh được phát hiện mắc bệnh nhiễm trùng máu. Vốn sức khỏe yếu, thị lực kém, anh chỉ phụ giúp được vợ một số việc nhẹ trong nhà. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và chăn nuôi. Nhưng trận lũ năm 2017 cùng với dịch bệnh đã khiến đàn vật nuôi bị chết, gia đình vốn đã khó khăn lại phải “gánh” thêm khoản nợ.


Bố Thảo ốm đau bệnh tật không thể lao động kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Bố Thảo ốm đau bệnh tật không thể lao động kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Mọi gánh nặng kinh tế đổ dồn lên đôi vai của chị Bùi Thị Ân. Ngoài làm ruộng, chị Ân mở sạp bán hàng nhỏ ở nhà và chạy chợ để kiếm thêm thu nhập.

Vất vả, cực nhọc nhưng thu nhập cũng chưa đủ ăn, còn thuốc thang cho chồng. Những khi vắng khách, hoặc hết hàng sớm, chị Ân lại nhận khoán cấy, làm cỏ thuê cho mọi người.


Mẹ em trở thành lao động chính trong gia đình.

Mẹ em trở thành lao động chính trong gia đình.

“Trừ khi ốm đau, còn không mặc cho thời tiết nắng mưa, lạnh giá thì mẹ em cũng chẳng bỏ bữa nào. Ngày nào, mẹ không đi chợ thì hôm đó các con sẽ bị đói, vì thương con nên mẹ lại cố gắng. Em còn nhớ, đợt lũ năm ngoái, đoạn đường quốc lộ 1A bị ngập sâu, nhưng vì lo cho gia đình, mẹ vẫn bất chấp nguy hiểm, cố gắng vượt qua”, Thảo tâm sự.


Thảo thường giúp mẹ chạy chợ và bán hàng tạp hóa tại nhà

Thảo thường giúp mẹ chạy chợ và bán hàng tạp hóa tại nhà

“Dù vất vả, bố mẹ vẫn mong chúng em được học hành. Trước nhất là nên người, sau nữa là bản thân không vất vả, khổ cực như bố mẹ. Mẹ từng nói chỉ cần cuộc sống của các con khá hơn là bố mẹ yên lòng rồi”, Thảo chia sẻ.

"Em dường như muốn buông xuôi tất cả...”

Biết bố mẹ vất vả nhưng vẫn quyết tâm cho con ăn học nên chị em Thảo đều cố gắng vươn lên. Suốt những năm phổ thông, không chỉ là học sinh tiên tiến và giỏi, Thảo còn đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Trước ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, Thảo không chỉ phải vượt qua áp lực học tập, áp lực về kinh tế mà còn áp lực trước lời khuyên của những người xung quanh.

“Mọi người khuyên em nên nghỉ học đi làm. Thứ nhất mẹ sẽ không có điều kiện nuôi em học đại học, thứ hai em sẽ giúp được mẹ phần nào chi phí cho cuộc sống hiện tại và phụ giúp mẹ nuôi các em sau này”, Thảo cho biết.

Thời gian đầu, nghĩ đến lời khuyên của nhiều người nên Thảo gần như chỉ tìm cách kiếm tiền mà bỏ bê học hành. Nhưng rồi, Thảo có suy nghĩ: “Trong em lại có niềm khao khát được học, khao khát được chạm đến giảng đường đại học, khao khát muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và em biết chắc rằng, bỏ học đi làm chỉ giúp mẹ giải quyết bề nổi hiện tại, nhưng khoản nợ của quá khứ đang đè nặng kia sẽ chẳng bao giờ giúp mẹ được. Chỉ có học nghề mình đam mê, nó sẽ giúp mình, giúp mẹ được nhiều hơn”.

Với Thảo: “Học là tiềm lực để sau này có thể cùng mẹ san sẻ gánh nặng, có thể phụ mẹ nuôi em, có tiền duy trì thị lực ít ỏi còn sót lại của bố, để ít ra mỗi ngày thức dậy, bố sẽ thấy được ánh sáng của bình minh. Rồi em quyết định đăng ký hồ sơ thi đại học và lao vào ôn thi”.

Với nỗ lực ấy, Thảo đã thi đạt 24,1 điểm khối A và đậu ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.


Khao khát của Thảo là được bước vào giảng đường đại học

Khao khát của Thảo là được bước vào giảng đường đại học

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với em Vũ Thanh Thảo, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại của em: 0162 7360 602. Trân trọng!

Dù Thảo đặt ra quyết tâm sẽ cố gắng học, kiếm việc làm thêm lo một phần tiền sinh hoạt, học phí nhưng khi nhận được giấy báo kết quả, chưa kịp vui mừng thì trong em hi vọng như vụt tắt.

Thảo buồn rầu kể: "Mẹ em chạy vạy khắp nơi để vay tiền chuẩn bị cho em ra Hà Nội đi học nhưng chẳng vay được là bao. Nhìn mẹ gầy đi trông thấy vì lo, vì chạy đôn chạy đáo, đã có lúc em dường như muốn buông xuôi tất cả...”.

Dù chưa lo được tiền ra Hà Nội nhập học, Thảo vẫn ao ước: “Nếu được đến trường, em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ và sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu của bản thân. Sau này, em muốn có cơ hội được giúp đỡ những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và luôn hướng đến một tương lai tốt đẹp”.

Đó là mong ước của Thảo để có nghề nghiệp trong tay, có thể mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng để thực hiện điều đó sẽ là cả một chặng đường đầy gian nan đón đợi em phía trước...

Duy Tuyên

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm