"Mẹ ơi, con quỳ xuống xin mẹ, mẹ đừng đánh con nữa"

(Dân trí) - Bản thân tôi từng bị mẹ đánh đập, chửi rủa vì thi trượt đại học làm mẹ xấu hổ với xóm làng, họ mạc. Khi tôi có con, tôi cũng lặp lại thói xấu đó từ mẹ. Có lần nghe mẹ đánh đập, chửi mắng đến lạc giọng, con trai tôi nói: "Mẹ ơi, con quỳ xuống xin mẹ, mẹ đừng đánh con nữa, con biết tội rồi".

Phụ huynh chắc hẳn ít ai dám thừa nhận: mình không hề đánh con. Lúc nhỏ thì co nghịch dại, hiếu động khiến cha mẹ lo lắng và "phải đánh cho chừa". Con đến tuổi đi học, bố mẹ phải đánh vì con mải chơi, học dốt, lếu láo, ngang bướng không chịu nghe lời bố mẹ. Nhiều ông bố bà mẹ, hễ con chỉ phạm lỗi nhỏ hoặc có khi chẳng phạm lỗi gì, bố mẹ gặp vướng mắc trong công việc, tình cảm liền đem con cái ra trút giận bằng chửi rủa, đòn roi.

Có những câu chuyện cha mẹ đánh con đã trở thành bi kịch hết sức đau lòng. Gần nhà tôi, gia đình cô chú hàng xóm là gia đình trí thức căn bản: chồng là quân nhân, vợ là cán bộ huyện. Cô ấy chăm chỉ thu vén gia đình nhưng luôn bị người chồng xúc phạm, xỉa xói. Chú thường đánh đập con cái không tiếc tay, đánh vì bất cứ lý do nào. Ngày ấy, khi con trai cô chú đang còn học lớp 3, em đã lì lợm có tiếng, hay đánh nhau với bạn bè trong lớp để ra oai. Khi nói về bố, em thản nhiên "bố đánh em bao nhiêu cái, em sẽ ghi lại để sau này bố em già đi, em sẽ đánh lại bố".

Có lẽ khi em còn nhỏ, mọi người vô tư không để ý đến lời nói trẻ thơ mà đâu biết đòn roi nghiệt ngã của bố đã gieo vào lòng em nỗi hận thù tích tụ. Khi cậu bé ngày xưa trưởng thành, em trượt dài trong cảnh nghiện ngập và hai bố con trở thành kẻ thù của nhau, em sẵn sàng chửi nhau tay đôi với bố khi trái tai gai mắt. Trong một lần lục lọi tìm tiền để thỏa cơn thèm thuốc, ông bố lại chửi con và dọa đánh, em ấy đã vung dao chém chết bố. Em bỏ trốn và khi tỉnh táo lại, chàng trai 30 tuổi tự đến đồn công an đầu thú.

Một bi kịch quá đau xót, liệu bi kịch này có thức tỉnh mỗi người cha, người mẹ trong cách dạy dỗ con?

Rất nhiều phụ huynh mang sẵn định kiến: bố mẹ lao lực kiếm tiền thì con phải có trách nhiệm là con ngoan, trò giỏi và hễ con hư, con dốt thì con phải ăn đòn và hứng chịu vô số lời mắng mỏ, thậm chí lời nguyền rủa thậm tệ từ cha mẹ.

Tôi chứng kiến cảnh 2 đứa trẻ cãi nhau, đánh nhau. Tôi khuyên can, mắng 2 đứa vài câu và giải tán bọn trẻ con đang hiếu kì đứng vây xung quanh sân chơi. Khi tôi tới nhà chị hàng xóm kể lại câu chuyện với mong muốn chị sẽ hỏi kĩ lại lý do vì sao con gái mình đánh cãi nhau để khuyên bảo con nhận thức rõ đúng - sai thì chị trợn mắt lên bảo con "mày ngu tao cho thiên hạ đánh mày chết, ai bảo mày không ở nhà học mà đi chơi" và chị còn tuôn một tràng mắng con tới tấp. Chị có tiêu chí dạy con rất rõ ràng: mẹ bảo mà dám cãi thì cứ nằm sấp mà ăn đòn, ăn tát, ăn chửi. Con gái chị tuổi thiếu nữ thích làm đỏm nên ở nhà hí hoáy cắt tóc mái ngố, chị thấy con dám tự ý thì xông vào túm lấy con, tát con tới tấp và dùng kéo xẻo nham nhở mái tóc của con. Chị bảo "mới nứt mắt ra đã làm dáng thì còn học hành gì". Con gái chị hàng tháng đi học cứ đội mũ sùm sụp để che mái tóc xấu xí và xấu hổ không dám ra sân chân với các bạn.

Tôi không thấy con chị vì sợ mẹ đánh mà ngoan hơn, trái lại cháu rất ương bướng, cãi tay đôi với người lớn khi làm sai bị nhắc nhở, sẵn sàng dọa nạt kéo bè kéo đảng đánh các em ít tuổi hơn mình. Rõ ràng, người mẹ đã gieo vào đầu con gái mình suy nghĩ phải dùng bạo lực để trở thành kẻ mạnh và bắt người khác nghe theo ý mình.

Bản thân tôi từng bị mẹ đánh, mẹ chửi rủa vì thi trượt đại học làm mẹ xấu hổ với xóm làng, họ mạc. Tôi từng đau đớn biết bao, thậm chí có lúc nghĩ tới cái chết để giải thoát mặc cảm nặng nề của bản thân. Lúc ấy, trong mắt mẹ, tôi chỉ là đứa con bỏ đi, vô tích sự. Cảm giác ấy còn đeo bám theo tôi nhiều năm khiến tôi hoài nghi, thất vọng và hoang mang mỗi khi mình phạm lỗi.

Khi tôi có con, tôi cũng lặp lại thói xấu từ mẹ: con tôi bị cô giáo phê bình vì nghịch ngợm, hiếu động gây mất trật trong lớp, nói chuyện riêng khiến tôi nổi điên. Tôi bắt con úp mặt vào tường, đánh con gãy roi, tát con đỏ má, vết thâm tím trên mông, trên bắp chân con có khi hàng tuần mới lặn hết. Nhưng con vẫn liên tục phạm lỗi ở lớp, cô giáo thường xuyên gửi sổ liên lạc về cho bố mẹ. Thằng bé rất sợ hãi, có lần nghe mẹ đánh đập, chửi mắng đến lạc giọng, con tôi lúc ấy nói "mẹ ơi, con quỳ xuống xin mẹ, mẹ đừng đánh con nữa, con biết tội rồi". Tôi sững sờ, mình đã khiến con mình ra nông nỗi này sao?

"Mẹ ơi, con quỳ xuống xin mẹ, mẹ đừng đánh con nữa" - 1

Tôi thao thức suy nghĩ nhiều đêm và tôi bằng lòng với những gì mà con có. Tôi ngừng việc đánh đập khi con phạm lỗi mà thay vào đó dành thời gian học cùng con, chơi cùng con, trò chuyện cùng con nhiều hơn. Con trai bớt nghịch ngợm và ngoan ngoãn hơn, cháu thường kể chuyện trường lớp cho mẹ nghe, có nhiều hôm nói chuyện riêng phải viết bản kiểm điểm thì cháu cũng không còn lo sợ mẹ đánh như trước nữa. Tôi phạt con bằng cách giao cho con làm việc nhà cùng mẹ gấp đôi mọi khi, hai mẹ con cùng làm việc nhà cùng trò chuyện vui vẻ khiến con quên mất việc bị mẹ phạt. Tôi cũng lấy lại tâm lý thăng bằng trong việc dạy dỗ, uốn nắn các con. Mỗi lúc không kìm chế được bực bội vì con hư, tôi cố gắng thay vì mắng con cho sướng mồm, đánh con cho sướng tay, mình sẽ tìm hình thức phạt con nhẹ nhàng: con mắc lỗi thì không được ra chơi cùng các bạn, phải quét nhà lau nhà sạch sẽ cho mẹ, giúp mẹ nhặt rau, rửa rau, gấp quần áo.

Để không dẫm vào vết xe đổ từ mẹ, tôi luôn tự nhắc mình phải cố gắng từng chút một. Thật sự điều đó không hề dễ dàng, tôi phải tập quên đi kí ức buồn bã thời đi học và bình tĩnh dạy dỗ con, vui mừng với những thành tích rất nhỏ mà con trai đạt được.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm