Quảng Trị:

“Mẹ hiền” giữa đảo xa!

(Dân trí) - Giữa trùng khơi mênh mông, lớp học mang tên “Hoa Phong Ba”, giống tên một loại cây trên đảo Cồn Cỏ như muốn nhắn nhủ về sự kiên cường, chống chọi trước mọi gian khó. Trong sự thiếu thốn trăm bề ấy, các cô giáo vẫn miệt mài “gieo chữ” để ươm mầm tương lai cho các cháu.

Vừa đặt chân đến đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, được nghe những giọng đọc ê, a rất đỗi thân thương của các trẻ đã làm vơi đi những mệt nhọc cùng cái nắng gắt gỏng, khó chịu chớm hè. Dịp trở lại Cồn Cỏ lần này, chúng tôi vui mừng trước sự đổi thay phần nào trong điều kiện dạy và học trên đảo. Thay vì phải học trong ngôi trường chật chội, xuống cấp thì nay cả cô và trò được chuyển về ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp hơn.

Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba được đầu tư xây dựng khang trang
Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba được đầu tư xây dựng khang trang

Gần 10 năm “bám” đảo dạy chữ

Dẫn chúng tôi đến thăm lớp Mầm non Hoa Phong Ba, Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ - ông Cao Hồng Hải cho biết, từ ngày ngôi trường hoàn thành và đưa vào sử dụng, các cháu được học tập trong điều kiện tốt hơn trước. Đây là công trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tặng cuối năm 2015. Trường hiện có 2 giáo viên đứng lớp, với 11 cháu theo học.


Lãnh đạo Hội Khuyến Học tỉnh Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ đến thăm và tặng quà cho các cháu

Lãnh đạo Hội Khuyến Học tỉnh Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ đến thăm và tặng quà cho các cháu

Bước vào lớp học, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm sâu nặng giữa cô và trò. Bằng tất cả tấm lòng, các cô giáo uốn nắn cho các cháu từng nét chữ, hướng dẫn các cháu tập vẽ như những người mẹ hiền. Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, người đã có thâm niên gần 10 năm dạy học tại đảo Cồn Cỏ cho biết: “Các cháu đều nằm trong độ tuổi từ 1 đến 5 nên phải học ghép như vậy, chị em chúng tôi thay phiên nhau vừa dạy học vừa chăm sóc cho các cháu. Trên lớp các cháu đều rất ngoan ngoãn, biết vâng lời”.

Từ khi đặt bước chân lên đảo Cồn Cỏ, dù ban đầu đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng cô Thắm đã kiên quyết “bám trụ” và cũng dần yêu mến hơn mảnh đất này. Và hơn hết là tình cảm sâu đậm với các cháu nhỏ, cô muốn góp một phần sức mình vào sự nghiệp dạy học, viết nên ước mơ cho các cháu học sinh.

Sự hồn nhiên của các cháu đã tiếp thêm động lực cho các cô giáo dạy học nơi đây
Sự hồn nhiên của các cháu đã tiếp thêm động lực cho các cô giáo dạy học nơi đây

Cô Thắm tâm sự: “Trước đây, điều kiện rất thiếu thốn, cảnh vật thì hoang sơ lắm nhưng mình cũng dần thích nghi được để đứng vững, dạy học đến ngày nay. Mình luôn tâm niệm, dạy học ở đâu cũng vậy, dù ở đất liền hay đảo cũng là trên mảnh đát quê hương. Giờ thì mọi thứ đã ổn định, điều kiện dạy học cũng tốt hơn nhiều”.

Tình nguyện “vượt sóng” ra dạy học trên đảo, chị Nguyễn Thị Bé (SN 1990, quê ở Vĩnh Linh) cho biết, chị đã bắt đầu quen dần với nếp sống và sinh hoạt trên đảo Cồn Cỏ, chứ không còn cảm giác xa lạ, bỡ ngỡ như buổi ban đầu. Mới ra đảo tham gia dạy học được 1 năm, cũng chưa phải là thời gian dài, cô cũng quyết tâm gắn bó lâu hơn với mảnh đất này.

Gieo mầm tương lai trên đảo Cồn Cỏ

Nhiều năm tham gia dạy học trên đảo, niềm vui của các cô là được thấy các cháu chăm ngoan, khôn lớn từng ngày. Điểm tương đồng giữa hai cô giáo chính là tình yêu trẻ tha thiết, mong muốn truyền thụ cho các cháu tình yêu đối với con chữ, những kỷ năng cơ bản để khi bước vào đời các em có thể vươn xa hơn, lớn lên sẽ đem kiến thức học được để góp phần xây dựng quê hương.

Các cháu học ở lớp Mầm non nằm trong độ tuổi từ 1 đến 5
Các cháu học ở lớp Mầm non nằm trong độ tuổi từ 1 đến 5

Động lực giúp các cô vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoài tình yêu, sự hồn nhiên của các trẻ còn có niềm động viên từ gia đình của mình. Đối với cô Thắm, sau quá trình dạy học trên đảo, cô cũng đã có gia đình riêng cho mình. Chồng cô là một sỹ quan quân đội, hiện cũng công tác tại đảo Cồn Cỏ. Còn cô Bé thì hiện chưa có gia đình riêng.


Cô Bé hướng dẫn các cháu tập vẽ

Cô Bé hướng dẫn các cháu tập vẽ

Tâm sự về những khó khăn trong việc dạy học trên đảo, cô Thắm cho biết, mặc dù cơ sở vật chất trường học đã được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn thiếu thốn đồ dụng dạy và học như đồ chơi cho trẻ, sách vở... Thời gian tới, Cồn Cỏ có thêm cấp học Tiểu học thì sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu dạy học cho các cháu.

Cách đây vài năm, nếu đặt chân đến đảo Cồn Cỏ mọi người sẽ thấy được vẻ hoang sơ cùng sự khó khăn trăm bề, điều mà cánh đàn ông cũng thấy ái ngại chứ không riêng gì những người phụ nữ như cô Thắm. Và, lớp học thời điểm ấy cũng chỉ khoảng 3-4 cháu mà thôi, trường học cũng khá chật hẹp.

Tuy nhiên, Cồn Cỏ hiện nay đang được quan tâm đầu tư nhiều hạng mục và hứa hẹn sẽ trở thành hòn đảo du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, đầu năm 2015, Bộ GD-ĐT đã kêu gọi xã hội hóa và xây dựng trên đảo Cồn Cỏ một ngôi trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba khang trang với tổng kinh phí lên đến 5 tỉ đồng.

Ngôi trường hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng là niềm hy vọng về sự đổi thay trong việc dạy và học trên hòn đảo tiền tiêu này. Điều kiện dạy học đảm bảo thì chất lượng sẽ được nâng lên. Nếu trong tương lai gần, Cồn Cỏ có thêm cấp Tiểu học thì các cháu không còn phải vào học cấp 1 tại đất liền, các bậc phụ huynh cũng sẽ an tâm ở lại lao động, sản xuất, phục vụ công tác, xây dựng đảo Cồn Cỏ ngày càng phát triển hơn.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm