TPHCM:

Mất thêm 2.000-20.000 đồng mỗi lần nộp học phí, gộp lại thành tiền tỷ

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Mỗi lần nộp tiền học phí cho con bằng hình thức thanh toán qua ứng dụng, phụ huynh TPHCM tốn thêm 2.000-20.000 đồng/lần. Như vậy, mỗi năm học, khoản phụ phí này lên tới hàng chục tỷ đồng.

Mất thêm 2.000-20.000 đồng mỗi lần nộp học phí, gộp lại thành tiền tỷ - 1

Các trường học tại TPHCM triển khai thu học phí không dùng tiền mặt song vướng một số hạn chế khi phát sinh phụ phí (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Học phí "đính kèm" phụ phí

Đầu năm học này, chị Huyền - phụ huynh học sinh tại quận Bình Thạnh, TPHCM - nhiều lần chuyển khoản để nộp học phí cho con nhưng không được. Sau hàng chục thao tác, chị mới phát hiện ra mình buộc phải nộp thêm một khoản phụ phí đính kèm dù ngân hàng của mình dùng đã miễn phí chuyển khoản. 

"Tôi đọc bảng kê học phí và các phí liên quan là 990.000 đồng nên cứ nhập số này để chuyển đi, nhưng dù đúng số tiền, số tài khoản nhưng hệ thống vẫn báo lỗi. Tôi nghĩ lỗi mạng nên dùng tài khoản ngân hàng khác, tài khoản của chồng, bố mẹ chồng cùng chuyển mà không được. Sau cả tuần tìm kiếm lỗi, tôi mới phát hiện ra mình chưa cộng thêm 2.000 phụ phí", chị Huyền kể về sự bực bội của mình. 

Mất thêm 2.000-20.000 đồng mỗi lần nộp học phí, gộp lại thành tiền tỷ - 2

Dù chuyển khoản trực tiếp, chị H. vẫn buộc phải đóng thêm 2.000 đồng phụ phí (Ảnh: NVCC).

Theo nữ phụ huynh, app (ứng dụng) chuyển tiền học phí mà trường con chị đang sử dụng có nhiều hình thức chuyển khoản song 100% đều tốn phí.

Dù có nhiều phương tiện để thanh toán như qua chuyển khoản trực tiếp, qua Momo, Zalopay, thẻ ghi nợ... nhưng đều mất phí ít nhất 2.000, nhiều nhất tới 19.943 đồng/lần giao dịch.

"Tôi không tiếc 2.000 đồng của cá nhân nhưng xót xa tiền của phụ huynh cả thành phố. Nếu tính cả thành phố thì sẽ là một khoản lớn", chị Huyền nói.

Tương tự, anh H.K. (nhà ở quận 12) cho biết nhà có 3 con đi học, mỗi tháng đều đóng tiền học qua app. Mỗi lần đóng đều bị thu phí 7.500-15.000 đồng/giao dịch.

"Trường lại thu tiền theo kiểu "lắt nhắt", khi thì thu khoản nọ, lúc lại thu khoản kia... nên số phí phải trả cho app càng nhiều. Với gia đình đông con sẽ tốn kha khá", anh K. bày tỏ. 

TPHCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh, đa số các trường thu học phí theo tháng. Nếu chỉ tính mức tối thiểu mỗi lần nộp học phí phát sinh thêm 2.000 đồng thì mỗi tháng số tiền "phụ phí" mà phụ huynh phải nộp lên đến 3,4 tỷ đồng. Một năm học 10 tháng, con số này có thể lên đến 34 tỷ đồng.

Yêu cầu đa dạng hóa các kênh thanh toán cho phụ huynh

Trả lời trong buổi tiếp xúc cử tri quận 3 của tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM đơn vị 5, khóa XV, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) Dương Anh Đức cho biết TPHCM là địa phương đi đầu trong thu học phí không dùng tiền mặt, nhưng thực tế có những bất cập.

Trong đó, có việc một số cơ sở giáo dục hiểu chưa đúng nên hạn chế cách thức thanh toán tiền của phụ huynh. Thành phố đã chỉ đạo yêu cầu Sở GD&ĐT phải rà soát kỹ vấn đề này, không giới hạn trong một số phương pháp nhất định và xem lại việc có những phương pháp lại bắt phụ huynh trả phí, ông Đức nhấn mạnh.

Mất thêm 2.000-20.000 đồng mỗi lần nộp học phí, gộp lại thành tiền tỷ - 3

Phát sinh phụ phí khi phụ huynh đóng tiền học phí cho con qua các kênh (Ảnh: NVCC).

Liên quan tới đóng học phí không thu tiền mặt, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM - vừa ký văn bản gửi cơ sở giáo dục về một số lưu ý trong tổ chức thực hiện. 

Trong đó, ông Nam yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đa dạng hóa kênh thanh toán, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán nào; tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh, người học có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác.

Lãnh đạo Sở nhấn mạnh các đơn vị nên lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán có mức phí thấp nhất hoặc không thu phí để giới thiệu đến cha mẹ học sinh, người học.

Cơ sở giáo dục thực hiện công khai bằng nhiều hình thức về mức phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hướng dẫn cách thức thực hiện trên bảng hướng dẫn của nhà trường, phiếu thông báo các khoản thu hàng tháng…, từ đó cha mẹ học sinh, người học có thể lựa chọn theo nhu cầu.