Mắc bệnh hiếm gặp, giảng viên trở thành tấm gương nghị lực vượt nghịch cảnh
(Dân trí) - Giảng viên Trần Bân (30 tuổi) là tấm gương nghị lực đã được nhiều tờ tin tức Trung Quốc đề cập. Anh đã vượt lên căn bệnh vô phương cứu chữa để theo đuổi con đường học vấn.
Trần Bân mắc căn bệnh hiếm gặp - loạn dưỡng cơ - từ khi còn nhỏ. Bệnh tật khiến anh không thể tự mình đi lại, cũng không thể tự làm những công việc cá nhân đơn giản nhất. Dù vậy, Trần Bân không để bệnh tật là lý do khiến anh từ bỏ nỗ lực trong việc học.
Trần Bân đã hoàn tất chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng. Anh hiện là giảng viên chuyên ngành tâm lý học tại một trường cao đẳng nằm ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Năm 7 tuổi, Trần Bân được chẩn đoán mắc bệnh loạn dưỡng cơ, căn bệnh khiến các bó cơ dần yếu đi và mất khả năng vận động. Năm 12 tuổi, anh đã không thể tự đi lại được nữa. Dần dần, Trần Bân mất cả khả năng tự thực hiện những công việc cơ bản hàng ngày.
Đồng hành cùng anh trong suốt hành trình khó khăn này chính là cha mẹ của anh. Trong những năm tháng đi học, Trần Bân luôn có kết quả học tập xuất sắc. Năm 2012, anh thi đỗ chuyên ngành tâm lý học của Đại học Trung Sơn, một trường đại học danh tiếng hàng đầu ở tỉnh Quảng Đông.
4 năm sau, Trần Bân được nhận thẳng vào chương trình đào tạo tiến sĩ của Đại học Thanh Hoa, anh không cần dự thi bởi kết quả học tập của anh ở Đại học Trung Sơn quá ấn tượng. Trần Bân nhận bằng tiến sĩ hồi tháng 6/2023. Anh nhanh chóng được Cao đẳng Huệ Châu tuyển dụng.
Nói về những thành tích mình đã đạt được, Trần Bân cho hay: "Bệnh tật khiến tôi phải chịu đựng rất nhiều giới hạn, nhưng tôi vẫn có thể thực hiện được ước mơ của mình nhờ có sự quan tâm và tình yêu thương của gia đình và bạn bè".
Trần Bân đặc biệt đề cao tầm quan trọng của mẹ trong những thành tích anh đã đạt được. Chính mẹ anh đã dành cho anh sự chăm sóc tận tụy nhất, bà tiếp thêm nghị lực cho anh trong quá trình học tập. Bà đã kiên nhẫn đưa đón anh trong suốt 12 năm học.
Để có thể hỗ trợ con tốt nhất có thể, cha mẹ anh thống nhất rằng mẹ anh sẽ nghỉ việc để chăm sóc con trai toàn thời gian. Khi Trần Bân trở thành sinh viên, mẹ anh tới sống cùng con ở Quảng Châu trong suốt 4 năm đại học để chăm sóc anh.
Cha của Trần Bân là một công nhân, ông đã làm nhiều công việc khác nhau trong suốt nhiều năm tháng để có đủ tiền chu cấp cho gia đình, đặc biệt là cho việc học của con trai. Năm ngoái, khi Trần Bân trở thành giảng viên, anh đã có thể đề nghị cha nghỉ ngơi an hưởng tuổi già.
Nhìn lại cả quá trình nỗ lực của Trần Bân và cha mẹ, chính họ cũng thấy ngạc nhiên. Mẹ của Trần Bân cho biết bà không hiểu bằng cách nào mà gia đình bà có thể vượt qua mọi khó khăn như vậy. Vợ chồng bà thường có quá nhiều việc phải làm nên họ luôn tất bật, không suy nghĩ quá nhiều về chuyện tương lai.
Cả nhà chỉ luôn cố gắng hoàn tất những việc cần phải làm trước mắt, cứ thế, họ nỗ lực và nhẫn nại đi qua năm tháng. Sau cùng, một quá trình nỗ lực bền bỉ đã đưa lại trái ngọt.
Trần Bân cho biết anh cũng từng có lúc cảm thấy cuộc đời quá bất công với mình nhưng rồi anh đọc được một câu nói có đại ý rằng, chỉ cần mỗi ngày chúng ta nỗ lực nhiều hơn một chút, rồi sẽ đến một lúc nhìn lại, ta thấy mình đã đi được một quãng đường dài. Kể từ đó, Trần Bân tự nhủ mỗi ngày hãy cố gắng nhiều hơn một chút để xem sau cùng mình có thể đi được đến đâu.
Ở trường cao đẳng nơi Trần Bân đang dạy học, anh được các sinh viên yêu quý và ngưỡng mộ. Phong cách giảng dạy của anh khiến sinh viên luôn hứng thú trong giờ học. Anh có những câu chuyện thực tế sinh động giúp sinh viên nắm vững kiến thức tâm lý học.
Một sinh viên của trường Cao đẳng Huệ Châu cho hay: "Mỗi khi tôi cảm thấy nản lòng hay thiếu tự tin trong việc gì, tôi luôn nghĩ tới thầy Trần và những khó khăn mà thầy đã vượt qua. Nhiều bạn sinh viên khác cũng vậy, chúng tôi có một tấm gương nghị lực truyền cảm hứng ngay trên giảng đường".