Lưu học sinh khổ sở vì sinh hoạt phí

Những ngày này, lưu học sinh thuộc Đề án 322 đang như ngồi trên lửa vì đồng đôla Mỹ liên tục mất giá. Nếu như 1-2 tháng trước đây ai cũng lo lắng về chuyện chuyển muộn tiền sinh hoạt phí thì những ngày này ai cũng mong “Lạy trời, đề án đừng chuyển tiền vào lúc này!”. Tại sao lại có nghịch lý này?

Sinh hoạt phí: Thấp và chậm

 

Trên cơ sở quyết định do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sinh hoạt phí (SHP) của lưu học sinh (LHS) được cấp theo các mức qui định chung cho từng nhóm nước, mà trong đó nhóm bị nhiều ảnh hưởng nhất là LHS đang theo học tại châu Âu và Úc.

 

Với sự trượt giá liên tục của đồng tiền thanh toán chính (đôla Mỹ), tháng 7/2004, Chính phủ đã có một lần duy nhất điều chỉnh mức SHP. Tuy nhiên ngay tại thời điểm điều chỉnh này, mức SHP cấp cho LHS theo học tại các nước đều thấp hơn rất nhiều lần mức mà Chính phủ các nước này qui định đối với LHS Việt Nam (thường chỉ bằng 50-70% mức qui định tùy nước).

 

Từ thời điểm đó đến nay không có bất kỳ sự điều chỉnh nào của đề án đối với SHP cho dù hai năm qua sự trượt giá sinh hoạt, sự mất giá của đồng tiền thanh toán chính liên tục xảy ra, giá thuê nhà liên tục tăng (bình quân tăng 10-20%/năm).

 

Về nguyên tắc, mức SHP cấp cho LHS phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của LHS đang theo học tại các nước (tiền thuê nhà, tiền ăn...). Tuy nhiên, theo phản ảnh của LHS tại các nước trên các diễn đàn và trong báo cáo gửi về Việt Nam cũng như của đại sứ quán Việt Nam tại các nước này, mức SHP như hiện nay là quá thấp, không bảo đảm cho sinh hoạt của LHS đang theo học. Bảng so sánh phía dưới tập hợp từ Úc sẽ chỉ ra điều này.

 

SHP trước hết phải bảo đảm chi trả được tiền nhà, tiền ăn uống (ở mức tạm đủ sống) và đi lại (nếu ở xa). Thế nhưng, với mức SHP như hiện nay, một LHS theo học tại Úc với các khoản tiền phải trả, họ chỉ còn đủ để ăn một bữa tối duy nhất trong ngày (ăn sáng và ăn trưa chỉ có thể là bánh mì và mì tôm hoặc cơm nguội) mới đủ để bảo đảm cuộc sống.

 

Tất cả các LHS theo học tại các nước không được cấp tiền mua thêm sách (luật các nước không cho phép photocopy quá 10% của cuốn sách và chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu, tiền photocopy rất đắt).

 

Trong khi đó, do không tự chủ được nguồn tiền, SHP cấp cho LHS không những thiếu mà còn luôn luôn chuyển muộn từ 1-2 tháng, cá biệt có trường hợp gần ba tháng. SHP đã quá thấp, lại thường xuyên chuyển muộn đã đặt LHS vào tình trạng thiếu nợ, vay nợ thường xuyên (việc kiếm ra việc để làm là rất khó khăn, chưa kể học hành vất vả). Nếu có ai hỏi thì đáp lại chỉ là sự thông cảm, vì “Bộ GD-ĐT không tự chủ được”, “quyết định nằm ở Bộ Tài chính”...

 

Cần điều chỉnh cho hợp lý

 

Lưu học sinh khổ sở vì sinh hoạt phí - 1
 

Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ tính toán lại mức SHP cấp cho LHS các nước hiện nay theo hướng điều chỉnh đến mức bằng yêu cầu của chính phủ các nước với LHS Việt Nam. Điều này có được thông qua tham vấn của các ĐSQ nước ngoài, nơi các LHS Việt Nam theo học. Mức SHP cần tính toán theo năm học, có tính toán đến sự trượt giá và đáp ứng được nhu cầu học tập của LHS.

 

Ngoài ra, đề nghị thay đổi lại cách thanh toán bằng việc chuyển tiền theo đúng đồng tiền nơi LHS đang theo học. Việc này sẽ tránh tình trạng đồng đôla Mỹ mất giá tác động đến tỉ giá khiến LHS bị thiệt thòi rất nhiều.

 

Trong cách làm với LHS Úc, đề án 322 đã chuyển đổi từ 620 USD/tháng (chưa tính phí chuyển tiền 20 USD/lần chuyển), sang đôla Úc theo tỉ giá của Vietcombank (bán đôla Mỹ, mua đôla Úc) đều ở mức bất lợi cho LHS.

 

Nếu như nhận SHP cho sáu tháng là 3.700 USD, số tiền thực nhận theo tỉ giá là 4.686 đôla Úc (tương ứng là 781 đôla Úc/tháng). Mức này thấp quá xa so với qui định của Chính phủ Úc (1.200 đôla Úc/tháng).

 

Rất mong Chính phủ có những điều chỉnh hợp lý hơn vì có thực mới vực được đạo.

 

Theo Hoàng Hùng, Ngọc Lê

(Vương quốc Anh và Úc)
Tuổi Trẻ