Lương mẹ 15 triệu đồng/tháng, chi tiêu cho hai con học trường công hết bay
(Dân trí) - Dù thu nhập ở mức 15 triệu đồng/tháng, chị Bùi Hải Vân vẫn chật vật xoay sở với tiền học của hai con đang học trường công ở Hà Nội.
Dù con học trường công, cha mẹ cắt giảm thế nào cũng tốn không dưới 6 triệu/tháng
Chị Bùi Hải Vân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo dõi chi tiêu gia đình qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Kể từ khi nhập các khoản chi tiêu vào ứng dụng, chị mới nhận ra tiền học của hai con chiếm một nửa tổng thu nhập của hai vợ chồng.
Con trai lớn của chị Vân học lớp 6. Hàng tháng, học phí chính khóa là 300.000 đồng, tiền bán trú là 885.000 đồng, tiền học tăng cường buổi thứ hai cho 3 môn toán, văn, tiếng Anh là 2 triệu đồng.
Ngoài ra, chị Vân cho con học thêm hai lớp tiếng Anh gồm lớp ngữ pháp 810.000 đồng/tháng và lớp giao tiếp với người nước ngoài 1,2 triệu đồng/tháng. Con chị còn học piano hết 700.000 đồng/tháng và tham gia câu lạc bộ bóng đá 500.000 đồng/tháng.
Tổng chi phí học tập thường xuyên của con trai chị Vân là 6,4 triệu đồng. Đây cũng là mức tương tự mà chị phải chi cho con gái đang học lớp 4.
Không tính tiền sách vở hay một số khoản phát sinh, mỗi tháng chị Vân tiêu vào tiền học của con khoảng 13 triệu đồng, trong khi tổng thu nhập của chị là 15 triệu đồng.
"Co kéo, cắt giảm thế nào cũng không hạ được khoản chi tiêu học hành của con xuống dưới 6 triệu đồng mỗi đứa. Trừ tiếng Anh và môn năng khiếu học thêm bên ngoài, các con tôi đều học ở trường công lập với mức học phí rẻ hơn nhiều so với trường tư thục.
Lương hai vợ chồng được hơn 30 triệu đồng, cả năm đi làm không tiết kiệm được đồng nào vì nuôi con học đã hết một nửa. Khoản để dành duy nhất có lẽ là tiền thưởng Tết ít ỏi", chị Vân chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai con đang học lớp 5 và lớp 3 trường công lập. Dù bậc tiểu học được miễn học phí, chị Thanh vẫn phải chi trả 2,2 triệu đồng/tháng/con cho tiền bán trú và các khoản tiền học tiếng Anh liên kết, ngoại khóa ở trường.
Cũng như chị Vân, chị Thanh cho con học thêm tiếng Anh ở trung tâm, mỗi tháng hết 2 triệu đồng/con. Ngoài ra, con lớn học thêm toán và tiếng Việt của cô giáo chủ nhiệm, mỗi tháng hết 1,2 triệu đồng. Trung bình tiền học của hai con chị Thanh là 10 triệu đồng/tháng.
Chị Thanh muốn cho con lớn thi vào các trường cấp 2 điểm của thành phố như Trường THCS Nam Từ Liêm, Trường THCS Ngoại ngữ, Trường THCS Nguyễn Tất Thành… Tuy nhiên, chị không có tiền cho con đi ôn luyện nâng cao. Chị động viên con tự luyện đề thi mẹ tìm được trên mạng.
"Nếu may mắn con đỗ, tôi cũng không biết xoay sở thế nào để con được học vì mức chi phí ở các trường này không hề thấp", chị Thanh tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Long Biên, Hà Nội) cho rằng tiền học 6 triệu đồng/tháng/con là mức chi tiêu trung bình và phổ biến ở nội thành Hà Nội, rất khó để cắt giảm.
"Tôi từng nghĩ đến việc cắt giảm chi phí học tập của con, nhưng nghĩ đi nghĩ lại không biết cắt giảm khoản nào. Con có năng khiếu vẽ nên phải cho con học vẽ. Tiếng Anh không thể không học. Việc học tăng cường ở trường không bỏ được vì cả lớp tham gia lẽ nào mình con không tham gia.
6 triệu đồng gần như là mức chi tối thiểu cho việc học hành ở thành phố hiện nay. Khoản chi này không bao gồm tiền sách vở, bút mực, đồng phục, quỹ lớp, bảo hiểm…", chị Hằng bày tỏ.
Áp lực chi tiêu giáo dục ở thành phố lớn
Chị Nguyễn Thị Hằng bắt đầu trăn trở về chi phí học tập của các con khi con trai lên cấp 3. Mặc dù việc chi tiêu chưa có biến động, chị Hằng nghĩ đến viễn cảnh 2,3 năm nữa con vào đại học mà lo lắng vì không có khoản tiết kiệm nào.
"Lâu nay tôi vẫn không tiếc tiền cho con đi học. Các con cần học thêm môn gì, tham gia câu lạc bộ năng khiếu nào, tôi đều cố gắng lo liệu. Hàng tháng, 50% chi tiêu gia đình là dành cho việc học của các con. 50% còn lại phải rất tiết kiệm mới đủ ăn uống, sinh hoạt.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục chi tiêu như thế này, tôi sẽ không có khoản tiền nào để đóng học phí đại học cho con. Các con vào đại học cũng cần có máy tính xách tay, phương tiện đi lại.
Hiện tại, gia đình tôi tạm gọi là đủ ăn đủ tiêu mà vẫn chật vật xoay sở tiền học. Không biết các gia đình thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng sẽ lo ăn học cho con cái như thế nào ở Hà Nội khi chi phí sinh hoạt nói chung ngày càng đắt đỏ", chị Hằng giãi bày.
Để chuẩn bị cho việc học đại học của các con trong 3-5 năm nữa, chị Nguyễn Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) - một nhân viên ngân hàng - thay đổi toàn bộ thói quen sinh hoạt và chi tiêu trong gia đình.
Chồng chị Hương làm nghề môi giới bất động sản, không có thu nhập ổn định 2 năm nay. Cả gia đình sống bằng tiền lương gần 20 triệu đồng/tháng của chị. Hàng ngày, chị Hương đi làm bằng xe buýt. Hai con chị không ăn bán trú ở trường mà về nhà ăn trưa. Trường cách nhà hơn 1km, các cháu đi bộ một ngày 4 lượt.
Chị Hương không cho con học thêm bên ngoài. Tuy vậy, các con chị vẫn học tăng cường ở trường. Theo lời chị Hương, mặc dù việc học này là tự nguyện nhưng không có học sinh nào không học.
Bữa sáng, chị Phương thường cho con ăn cơm rang, cơm ruốc muối vừng, mì tôm trứng hoặc nấu xôi. Chị cắm sẵn cơm cho các con về ăn trưa với thức ăn nấu từ tối hôm trước. Bữa chính, chị Phương chế biến chủ yếu món luộc để tiết kiệm dầu ăn, gia vị.
Mỗi tháng nhận lương, chị Phương trích ra 2 triệu đồng bỏ vào tài khoản tiết kiệm.
"Nhiều tháng tiền tiêu bị hao hụt, tôi cho cả nhà ăn nhiều hơn đậu phụ, cá khô, muối vừng suốt cả tuần. Áp lực chi tiêu cho học hành của con cái khiến cả nhà sống khá chật vật dù tôi đang làm một nhân viên ngân hàng", chị Phương ngậm ngùi.
Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới.
Người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của hộ gia đình.
Điều này trở thành một áp lực nặng nề với các bậc cha mẹ ngay cả khi có thu nhập ổn định ở mức khá.