Lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương: Chỉ là tín hiệu vui?

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Không ít nhà giáo đón nhận thông tin này không mấy hồ hởi mà chỉ xem đó là một… tín hiệu.

Lương cao sẽ bớt tiêu cực, thu hút người tài

Lương giáo viên là vấn đề đã được nhắc đi nhắc mãi, nhắc hoài từ lâu nay. Điệp khúc lương giáo viên không đủ sống, lương giáo viên thấp… được phân tích mổ xẻ rất nhiều. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân “kéo” cao chất lượng giáo dục khi người giỏi “quay lưng”, còn người theo nghề thì khó dốc hết tâm huyết.


Người thầy còn mang rất nhiều lo toan về kinh tế khi đứng lớp (ảnh minh họa)

Người thầy còn mang rất nhiều lo toan về kinh tế khi đứng lớp (ảnh minh họa)

Mới đây, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, Bộ GD-ĐT đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TPHCM chia sẻ đề xuất này là một tín hiệu vui, sẽ giảm bớt tiêu cực trong nhà giáo như tổ chức dạy thêm, học thêm; giáo viên không vì áp lực kinh tế mà phải chạy việc thêm bên ngoài. Như vậy, giáo viên sẽ có thời gian đầu tư cho công tác giảng dạy.

Ngay ở trường cô Hà, giáo viên hay làm thêm bằng cách bán hàng online, hùn hạp mở quán trà sữa hay phụ gia đình buôn bán… dù là ngoài giờ nhưng ít nhiều đều ảnh hưởng đến công việc. “Giáo viên nữ làm thêm bảo mẫu bán trú là rất phổ biến, còn các thầy cũng không ngại khó, buổi trưa xin nhận công việc xếp bàn ghế, lau lớp cho học sinh ngủ. Tất cả vì lương thấp quá!” - bà Hà chia sẻ về một thực tế đang diễn ra.

Bà Phạm Thúy Hà cũng bộc bạch, trước đây mọi người thường chọn nghề giáo vi nhàn hạ. Còn bây giờ công việc của giáo viên vất vả với rất nhiều yêu cầu mà lương không cao nên rất khó kiếm và giữ được người giỏi.

Dạy Văn tại Trường THCS Lý Tự Trọng, Gò Vấp, TPHCM, cô Nguyễn Thị Huyền một mình cáng đáng gia đình với tiền thuê trọ, chồng ốm đau và con nhỏ. Ngoài giờ dạy, cô cũng tất tả làm nhiều công việc để vun vén cho cuộc sống.

Cô bộc bạch, nếu đề xuất trên thành hiện thực thì phải nói là một cuộc “cách mạng” trong giáo dục. Nghề giáo khi đó tự khắc thu hút được người giỏi, thầy cô sẽ có điều kiện để chuyên tâm cho lớp học. Còn thực tế bây giờ, lương thấp, giáo viên đứng lớp mà phải lo toan rất nhiều.

Chỉ là tín hiệu vui!

Một chút phấn khởi, háo hức nhưng số đông giáo viên đón nhận thông tin về đề xuất của Bộ như một tín hiệu vui. Cũng không ít người khá hờ hững vì cho rằng đề xuất lương giáo viên cao nhất trong bậc lương mang tính… mong muốn nhiều hơn thực tiễn. Rất nhiều người buông tiếng thở dài rằng đề xuất chưa mang tính khả thi và không dễ dàng để thực hiện.

Lương giáo viên đang được đề xuất xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Lương giáo viên đang được đề xuất xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên ở TPHCM cho biết, nói về lương thì ai cũng mong mỏi có thể đủ nuôi sống bản thân và gia đình và giáo viên cũng vậy. Chưa cần nói là cao nhất, chỉ cần hệ số lương giáo viên ngang với các ngành khác vì nhìn chung có thể nói hiện nay hệ số lương của giáo viên quá thấp. Còn giáo dục được xếp thang bậc lương cao nhất trong các đơn vị hành chính sự nghiệp thì các ngành khác cũng sẽ mạnh dạn đề xuất tăng lương.

Thầy Sơn cũng nói thêm, mong muốn của giáo viên không chỉ là lương mà còn là sự thay đổi về hệ số lương phù hợp với bằng cấp, học hàm, học vị để khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ học vấn. “Hiện nay, giáo viên mới tuyển dụng cho dù trình độ nào, bậc học nào (học thạc sĩ, ĐH, CĐ hay Trung cấp) thì hệ số lương đều bằng nhau. Đây là một điều hết sức bất hợp lý. Theo quy định hiện nay không có hệ số lương Thạc sĩ cho bậc tiểu học dù rất nhiều người tốt nghiệp Thạc sĩ”, ThS Vũ Hoàng Sơn chỉ ra những bất cập.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, một giáo viên ở TPHCM đặt ra vấn đề: “Chúng ta căn cứ trên các lý nào để xếp lương giáo viên cao hơn các ngành nghề khác trong hệ thống hành chính sự nghiệp? Còn y tế thì sao? Hơn nữa, giáo viên không so sánh, không nói lương mình thấp hơn các ngành nghề khác mà thực tế họ lương nghề giáo không đủ sống”.

Cũng như rất nhiều giáo viên, phải nói đây là một tín hiệu vui nhưng theo thầy Du, đề xuất lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương vừa không khả thi và cũng không thực tế.

Hoài Nam