Lương dạy thêm giờ cho giáo viên được nhân hệ số 1,5

(Dân trí) - Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập vừa được Bộ GD-ĐT công bố. Theo thông tư này, giáo viên dạy thêm giờ được hưởng mức lương bằng gấp 1,5 giờ so với bình thường.

So với thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGĐT-BNV-BTC ngày 9/9/2008 thì thông tư mới này có nhiều điều chỉnh trong cách tính lương làm thêm giờ. Cụ thể: Tiền lương dạy thêm giờ/năm học bằng số giờ dạy thêm/năm học nhân với tiền lương 1 giờ dạy thêm; tiền lương 1 giờ dạy thêm bằng tiền lương 1 giờ dạy nhân với 150%.

Tiền lương 1 giờ dạy đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề được tính theo công thức: (Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/định mức giờ dạy trong năm) nhân với (số tuần dành cho giảng dạy hoặc dạy trẻ/52 tuần).
 
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó.

Đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì công thức tính vẫn như trên, chỉ ấn định số tuần dành cho giảng dạy là 22,5 tuần.
 
Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).
 
Như vậy với cách tính mới này, giáo viên làm thêm giờ sẽ được trả tiền lương “hậu hĩnh” hơn so với trước.
 
Thông tư cũng cho biết, số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật. Năm học theo quy định tại thông tư này được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 năm liền kề.
 
Đối tượng áp dụng của thông tư này là nhà giáo (kể cả nhà giáo làm công tác quản lý, kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; hoặc nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm công tác hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm trong các cơ sở giáo dục công lập; đang trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn thực hành trên tàu huấn luyện.
 
Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2013. Bạn đọc có thể xem toàn văn thông tư tại đây.
 
S.H