Bài 1:
Luân chuyển GV tại Thanh Hóa: Tỉnh hướng dẫn một đằng, Sở GD-ĐT làm một nẻo
(Dân trí) - Mục tiêu của UBND tỉnh Thanh Hóa là luân chuyển điều động giáo viên từ trường thừa về trường thiếu nhưng Sở GD-ĐT tỉnh này lại làm trái với chỉ đạo trên.
Đồng ý cho giáo viên không thuộc con số của Sở quản lý về các trường THPT, điều chuyển giáo viên từ nơi thiếu đi, chuyển từ miền núi về miền xuôi trong khi miền xuôi giáo viên dôi dư rất nhiều lại để “dậm chân tại chỗ”… Đó là những gì mà Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã làm một cách “khó hiểu”.
Ngày 11/10/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn 11654 do Phó Chủ tịch Phạm Đăng Quyền ký về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Trong Công văn nêu rõ nguyên tắc sắp xếp, điều động chỉ thực hiện từ trường thừa đến trường thiếu, giữa các trường trong phạm vi huyện, thị xã, thành phố hoặc giữa các huyện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp nhu cầu của các đơn vị trong chỉ tiêu biên chế… Thế nhưng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa dường như đi ngược lại với công văn này.
Trường đang đủ, thiếu vẫn điều giáo viên đi
Theo đó, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT đã cho điều chuyển giáo viên N.T.S (SN 1985, trường THPT Nông Cống 3, huyện Nông Cống); giáo viên L.T.T (SN 1987, trường Lê Lai, Thọ Xuân) về trường THPT Hoằng Hóa IV; giáo viên P.T.H ( SN 1983, trường THPT Bá Thước) về trường THPT Hậu Lộc 1… Cả ba trường Nông Cống 3 và Lê Lai đều đang thiếu giáo viên.
Trong khi trường THPT Lưu Đình Chất đang dôi dư 23 giáo viên, THPT Lê Viết Tạo dôi dư 24 giáo viên. Những giáo viên dôi dư thuộc các bộ môn Toán, Lý, tiếng Anh. Cả hai trường này đều nằm trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Nếu điều chuyển giáo này từ địa bàn huyện Hoằng Hóa về huyện Hậu Lộc rất thuận tiện nhưng giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã không làm. Điều này đồng nghĩa với việc cố tình làm trái với văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là không đưa giáo viên nơi thiếu đi và thực hiện theo nguyên tắc điều động trong phạm vi huyện trước sau đó mới điều động ra ngoài huyện.
Đặc biệt, việc luân chuyển giáo viên trái với Công văn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh khiến một số trường trên địa bàn miền núi đang đủ giáo viên trở thành thiếu giáo viên, đang thiếu giáo viên lại càng thiếu trầm trọng hơn.
Cụ thể như giáo viên của trường THPT Như Xuân 2, THPT Quan Sơn 2 đang đủ giáo viên vẫn được giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa điều chuyển giáo viên về trường THPT Nguyễn Mộng Tuân (huyện Đông Sơn); THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn) đang đủ giáo viên cũng được giám đốc Sở GD ký cho nhân sự chuyển đến trường THPT Nông Cống 3 (huyện Nông Cống)…
Không những điều chuyển giáo viên từ những trường đủ hoặc thiếu đi, người đứng đầu Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã ký đồng ý cho rất nhiều giáo viên không thuộc con số của Sở GD về các trường THPT trên địa bàn.
Số giáo viên đó bao gồm: ông P.V.C (SN 1983) bộ môn GDCD từ trường Dự bị Đại học Sầm Sơn về trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa; điều chuyển bà L.T.T (SN 1976) từ trường ĐH Hồng Đức về trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); bà H.T.M.H từ trung tâm GDTX Tĩnh Gia về trường Tĩnh Gia 3; ông Đ.A.T (SN 1985) từ trung tâm GDTX huyện Nga Sơn về trường THPT Mai Anh Tuấn….
Những trường hợp trên là do thỏa thuận giữa nơi đi, nơi đến và người được luân chuyển. Tuy nhiên, chỉ đến khi công văn được ký đồng ý của Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa thì các đơn vị đến mới được phép nhận nhân sự.
Giáo viên THPT đang dôi dư vẫn đưa THCS lên giảng dạy
Trong khi tại các trường THPT trên địa bàn, giáo viên dôi dư vẫn rất nhiều, thế nhưng, lãnh đạo Sở GD-ĐT không sử dụng số giáo viên này để điều động cho hợp lý giữa trường thừa đến trường thiếu mà dùng biện pháp điều chuyển giáo viên đang dạy cấp THCS lên giảng dạy tại cấp THPT.
Một số trường hợp cụ thể như: giáo viên P.N.P (SN 1985) từ trường THCS Luận Thành, Thường Xuân về THPT Nông Cống 3 dạy môn Vật lý; giáo viên N.N.A (SN 1976) từ trường THCS Vĩnh Khang về THPT Vĩnh Lộc dạy môn Ngữ Văn; giáo viên L.T.N (SN 1982) từ THCS Hiền Kiệt (Quan Hóa) về THPT Hoằng Hóa 3…
Điều “khó hiểu” là ngày 11/10/2016, ông Nguyễn Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Công văn số 11654 về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường THPT trên địa bàn tỉnh năm học 2016-2017. Tuy nhiên, mãi đến ngày 30/11/2016 (1 tháng 19 ngày sau đó), bà Phạm Thị Hằng mới có Công văn số 2451/SGDĐT-TCCB hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh và yêu cầu báo cáo trước ngày 10/12/2016 qua phòng Tổ chức cán bộ để Sở GD-ĐT làm cơ sở điều động tiếp nhận.
Công văn của Giám đốc Sở GD-ĐT là vậy, tuy nhiên 2 ngày sau khi Công văn được gửi đi các trường, bà Hằng đã có ngay văn bản số 2479/SGDĐT-TCCB ngày 2/12/2016 gửi UBND tỉnh về việc đã điều động được 91cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh…
(Còn nữa)
Nguyễn Thùy