Lớp học trong đêm ở La Pán Tẩn

Được chọn là xã điểm của huyện, đi đầu trong phong trào giáo dục vùng cao, La Pán Tẩn có những lớp học hết sức đặc biệt. Học sinh là những người phụ nữ Mông đã luống tuổi, những người đàn ông quanh năm chỉ biết đi rẫy, làm nương, hay những em gái “vội lấy chồng” mà quên mất con chữ…

Những người phụ nữ mang cả con đến lớp, vừa ru con ngủ, vừa cặm cụi đọc đọc viết viết từng con chữ như những đứa trẻ học vỡ lòng. Gần nửa đêm, họ mới rời lớp học, rọi đèn pin trở về nhà.
 
Những con đường bêtông nhỏ hẹp chạy dài lên tận đỉnh núi dẫn tôi đến những bản làng của người Mông quanh năm chìm khuất trong sương núi. Xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) sau thảm họa lở núi kinh hoàng cách đây mấy năm đã bình yên trở lại.

Tìm chữ là cái khó của người Mông

Cô giáo Huyền - giáo viên của trường Tiểu học La Pán Tẩn - một mình một xe leo lên các dốc đất đỏ cao, trơn trượt và khấp khểnh, đến với lớp học xóa mù chữ buổi tối ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn. Trời tối, sương núi giăng kín bốn bề, cô ngồi đợi học trò trong lớp học. Cô Huyền có vẻ sốt ruột, vì đã hơn 8 giờ tối mà chưa có học sinh đến lớp. Cả ngày hôm nay, bản Trống Tông mất điện, chỉ vừa có điện lại được vài phút, ánh điện yếu ớt, nhạt nhòa cứ lóe lên rồi lại tắt, cô lắc đầu: “Kiểu này là bà con không đi học rồi. Có những hôm đợi học sinh đến tận 9h tối mới bắt đầu học đấy”.

Bàn tay lao động không quen cầm bút
Bàn tay lao động không quen cầm bút.

20h30, lớp học đêm ở bản Trống Tông mới bắt đầu. Hôm nay chỉ có gần chục học trò đến lớp nhưng cô giáo Huyền vẫn nhiệt tình dạy và uốn nắn tay cầm bút cho từng người. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh, tiếng viết bảng loẹt xoẹt của những cô, chú học trò đặc biệt đã xua đi không gian tĩnh lặng trong đêm của miền núi cao. Sương núi ùa vào cửa lớp, quanh quẩn bên ánh điện mờ nhạt. Những đứa trẻ theo bố mẹ đi học quấn dưới chân bàn, có em ngồi bên cạnh giúp mẹ đánh vần. Trong số họ, có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có người đã từng được đi học nhưng rồi mải mê thổi sáo gọi người yêu mà quên mất cả đường đến lớp… Sau nhiều ngày được tiếp cận, quay trở lại với con chữ, họ lại viết được tên của mình, đọc được tên bản, tên xã của mình với những niềm vui bất tận. Lý A Sèng (SN 1974) vừa đọc vừa mừng rỡ khoe với tôi: “Ngày xưa mải lấy vợ, sinh con nên quên cái chữ rồi. Bây giờ mình viết được rồi nhé. Chữ thế này có đẹp không?”.

Học sinh của lớp học này chủ yếu là các chị ở độ tuổi 20 - 40. Người trẻ nhất là em Giàng Thị Cầu (SN 1995). Những người phụ nữ Mông lấy chồng từ khi 13, 14 tuổi, sinh liền tù tì vài ba đứa con, rồi quanh năm lam lũ với ruộng nương, với trâu bò gà lợn mà quên đi cả tuổi xuân của mình. Hầu hết trông họ già trước tuổi, khuôn mặt hằn lên vất vả, đôi tay gầy guộc, đen đúa, bóng lên vì thuốc nhuộm vải. Với họ, có lẽ việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm liềm cắt lúa hay xe sợi, nhuộm vải. Cũng có những người đàn ông rất chăm chỉ đi học. Hảng A Chơ (SN 1971) bảo: “Phải đi học thôi. Con cái lớn hết rồi mà mình không biết chữ thì xấu hổ lắm”.

Hảng Thị Cha (SN 1963) năm nay đã ngoài 50 tuổi. Hằng ngày, bà ở nhà trông nhà, trông cháu và làm việc nhà. Đồng tiền 2.000 đồng hay 500 đồng bà không biết đọc con số, chỉ có thể phân biệt qua các hình vẽ trên đó, nhiều lúc bị nhầm lung tung. Từ ngày có lớp học xóa mù chữ, bà bảo với các con: “Chúng mày cho tao đi học, tao phải học để biết con số trên đồng tiền nữa chứ. Đi chợ mà cứ nhầm tiền thế này thì khổ quá rồi”. Thế là bà Cha theo học lớp xóa mù chữ ở bản Trống Tông và trở thành học trò già nhất của lớp. Theo học mấy tháng trời rồi, bà Cha đã biết con chữ, con số, đã nói tiếng Kinh sõi hơn một chút: “Bây giờ tao đã biết đọc chút chút rồi, biết viết từ từ rồi”. Ông Lý A Ký - chồng của bà Cha - đứng bên cạnh lắc đầu: “Trời ơi, đọc chậm lắm, không nghe được đâu”.

Lớp xóa mù chữ bản Trống Tông - La Pán Tẩn ngày mất điện, chỉ có vài học sinh đến lớp
Lớp xóa mù chữ bản Trống Tông - La Pán Tẩn ngày mất điện, chỉ có vài học sinh đến lớp.

La Pán Tẩn là xã nghèo của huyện vùng cao Mù Cang Chải với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Toàn xã có 685 hộ thì có đến 538 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo. Họ nghèo nàn về vật chất bởi cái thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao. Họ nghèo hơn cả về trình độ nhận thức, học vấn. Tỉ lệ người dân mù chữ trong độ tuổi 15 - 60 chiếm hơn 1/5 dân số toàn xã. Ông Giàng Chứ Ly - Bí thư đảng bộ xã La Pán Tẩn - phân tích: “Việc xóa mù chữ cho đồng bào được xã xác định là giải pháp đầu tiên để nâng cao hiểu biết cho người dân. Ngay giờ thì chưa thấy có hiệu quả đâu. Nhưng học là đúng thôi. Đây là một cuộc cách mạng để giảm dốt, xóa dốt. Nhà nhà học, người người học, già trẻ gái trai đều học. Rồi cũng phải có hiệu quả thôi”.

Ông Chứ Ly vẫn còn nhớ những ngày đồng bào được đi học xóa mù chữ năm xưa. Cứ nghĩ là được đi học rồi thì sẽ biết chữ, biết đọc, biết viết rồi. Nhưng người Mông ít sử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt hằng ngày, họ cũng ít dùng đến con chữ, lâu ngày, con chữ cứ chìm sâu vào những lớp mây mù, sương núi dày đặc ở xứ này. “Miền bắc mình có một giai đoạn triển khai xóa mù chữ. Có một số người đã được học lớp xóa mù chữ, nhưng mà lâu ngày người ta quên hết rồi. Có nhiều người dùng điện thoại cực tốt nhưng bảo đọc, viết thì lắc đầu quầy quậy; ký giấy tờ thì chỉ biết điểm chỉ thôi. Những lớp học này phải gọi là tái xóa mù mới đúng. Tìm chữ là cái khó của người Mông mình mà”- ông Ly cười xòa.

Vừa học vừa cho con bú

Một khó khăn cho công tác vận động của cán bộ vùng cao, ấy là những người phụ nữ đã luống tuổi ở La Pán Tẩn rất ngại đi học. Họ ngại nói chuyện, thấy xấu hổ khi mình đã già rồi vẫn còn phải cắp sách đến lớp như con trẻ. Nhiều khi, đang học mà thấy con ngấp nghé ngoài cửa, họ cũng bỏ luôn cả sách vở đi về. Cô giáo đành ngậm ngùi không biết làm thế nào. Năm 2013, xã La Pán Tẩn có 5 lớp với 159 người độ tuổi từ 15 đến 50 tuổi tham gia học lớp học xóa mù chữ. Học xong, những người đạt tiêu chuẩn đều được cấp chứng chỉ hẳn hoi. Được nhận chứng chỉ trong ngày tốt nghiệp, họ vui lắm. Một người phụ nữ Mông cười bảo: “đi học, được nhận chứng chỉ, thế là mình được làm người biết chữ rồi. Thấy vui lắm”.

Năm 2014, hai lớp học xóa mù chữ tiếp tục được triển khai tại xã với hai điểm trường Trống Tông và Trống Páo Sang với 60 học sinh. Năm nay, độ tuổi được mở rộng hơn từ 15 - 60 tuổi, vậy nên mới xuất hiện những người phụ nữ Mông đã lên chức bà, dù không nói được một câu tiếng Kinh nào, vẫn còn cầm bút chì tập viết như các cháu. Có lẽ, đây là lớp học đặc biệt nhất với nhiều điều lạ lùng. Ở lớp học xóa mù chữ bản Trống Tông, chuyện cô giáo nói một thứ tiếng, học trò nói một thứ tiếng, hay chuyện những người phụ nữ Mông bế con đến lớp, cho con bú ngay giữa lớp học không phải là chuyện lạ nữa. Một chị xấu hổ, xua tay bảo tôi đừng chụp ảnh, đứa bé rời vú mẹ, ngẩng cổ lên nhìn tôi lạ lẫm. Rồi chị ngụng nghịu bảo: “Con nhỏ quá, để ở nhà không có ai trông nên phải mang nó đi học thôi”.

Bà Hảng Thị Cha - học sinh già nhất ở lớp
Bà Hảng Thị Cha - học sinh già nhất ở lớp.

Ấy thế mà mọi chuyện ở lớp học vẫn diễn ra suôn sẻ. Họ cứ cặm cụi viết từng chữ một, đánh vần từng tiếng một để cố gắng trở thành người biết chữ. Cô giáo Huyền thủ thỉ: “Mỗi ngày thường có khoảng 20 người đến lớp, có ngày nhiều hơn một chút, cũng có ngày chỉ có vài ba học sinh như hôm nay. Bà con nói tiếng Việt không sõi nên họ tiếp thu cũng khó. Học vài tháng thì bắt đầu biết viết vài chữ, biết đánh vần, biết đọc. Cả hè thì dạy chữ, tiếng Việt. Hết hè, lên lớp 2 thì học toán”.

Dù chưa thấy được ngay nhưng chắc chắn, những lớp học xóa mù chữ hay “tái xóa mù” như thế này sẽ có hiệu quả trong đời sống của người Mông. Họ ý thức được việc học cái chữ sẽ đem ánh sáng đến với gia đình, với bản làng của mình. Có cái chữ, đời sống của họ sẽ bớt mù mịt và tăm tối hơn. Hay đơn giản như cô học trò già Hảng Thị Cha, học cái chữ để đếm tiền cho khỏi bị nhầm thôi. 30 học sinh “quá tuổi” ở lớp học xóa mù chữ bản Trống Tông, mỗi người có một mục đích và một cách học riêng. Nhưng họ đã biết yêu quý cái chữ, coi đó là một mục tiêu phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình, dù những buổi đến lớp của họ bập bõm và không đều bằng việc họ đi nương rẫy hằng ngày.

Cô giáo Huyền - người trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho đồng bào vùng cao - đã nhiều năm nay cũng thấy được những biến chuyển đáng kể trong đời sống, trong giao tiếp của đồng bào. Cô tự hào kể: “Mình không nói quá đâu. Nhưng học sinh ở La Pán Tẩn học rất khá. Các em rất có ý thức. Gặp người lớn lúc nào cũng chào rất lễ phép, mình cho các em cái gì, các em cũng nhận bằng hai tay và nói “em xin cô”. Làm giáo viên cắm bản, có những lứa học trò miền núi học tốt và ngoan ngoãn là niềm vui và tự hào của mình”.

Đêm ấy, trời mưa rất to, tôi và cô giáo Huyền phải ở lại điểm trường Trống Tông, giấc ngủ của chúng tôi cứ chập chờn trong tiếng mưa ào ào dữ dội xé trời của miền núi. Vừa ngủ vừa lo nước sẽ cuốn phăng mình đi đâu đó. Nhưng rồi, buổi sáng diễn ra thật yên bình ở cái bản nhỏ này. Những người học trò tối qua đến lớp rất sớm, họ nghĩ cô giáo đã xuống núi nên đến lớp vãi lúa, vãi ngô chăm cho những đàn gà tăng gia của các cô giáo. Sương núi đặc quánh vẫn giăng kín lối đi...

Theo Giang Thùy Linh
Lao Động