Lớp học quá tải, đất xây trường bỏ hoang
Nhiều trường học khu vực nội thành của Hà Nội đang quá tải trầm trọng do hậu quả của việc gia tăng dân số cơ học thiếu kiểm soát. Thế nhưng, trong khi tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đang thiếu từng mét vuông đất cho trường học thì tại nhiều khu vực khác, hàng chục khu đất dành để xây trường vẫn bỏ hoang hoặc sử dụng mục đích khác.
Ông Trần Huy Hoàng, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết tính đến ngày 31/12/2015 phường có 32.627 nhân khẩu. Tính đến nay, phường Hoàng Liệt có 51.666 nhân khâu, tăng thêm trên 16.000 người. Nhân khẩu của phường Hoàng Liệt tăng đột biến vì từ tháng 9/2015 khi hàng loạt tòa chung cư mới phía Tây Nam Linh Đàm được đưa vào khai thác, sử dụng. Đại diện UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai cho hay, nếu tính cả các dự án nhà cao tầng đang và chuẩn bị triển khai thì trong vài năm tới dân số của phường này sẽ lên tới gần 8 vạn dân, gấp 4 lần mức dân số của một phường trung bình của Hà Nội. Trong các quận nội thành của Hà Nội, Cầu Giấy và Thanh Xuân là hai quận có tốc độ “bùng phát” dân số cơ học nhanh. Tại quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh, trưởng phòng giáo dục quận cho biết dân số Cầu Giấy mỗi năm tăng khoảng 10%.
“Giao thông và giáo dục phải chịu sức ép lớn nhất từ tăng dân số cơ học trong thời gian qua” - ông Trần Huy Hoàng, chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, chia sẻ. Đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy khẳng định, khi mới tách quận năm 1999 dân số là 8 vạn dân nhưng đến nay lên đến 26 vạn dân và sau từ 5-10 năm nữa đi liền với phát triển các dự án nhà cao tầng thì dân số của quận sẽ lên tới khoảng 40 vạn dân! Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ít được đầu tư, số lượng trường học xây thêm chậm hơn nhiều so với nhu cầu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo nhiều quận nội đô Hà Nội khẳng định, ngành giáo dục đang chịu sức ép rất lớn từ tình trạng tăng đột biến dân số thời gian qua. Với tiểu học quy định sỹ số là 35 học sinh/lớp nhưng thực tế tại nhiều trường thuộc các quận Ba Đình, Hoàn kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa…sỹ số học sinh trên lớp đều lên tới 45-55 học sinh/lớp.
Đất xây trường thành bãi rửa xe, sân bóng
Một vòng qua các khu vực phát triển nóng của Hà Nội, PV Tiền Phong tận thấy hàng chục khu đất vàng dành để xây dựng trường học bị bỏ hoang nhiều năm qua. Trong khi ngay tại chính những địa bàn này đang rất thiếu trường học, nhiều bậc phụ huynh khốn khổ lo nơi học cho con em mình. Điển hình như tại khu đô thị Nam Trung Yên, hàng chục tòa nhà cao tầng đã mọc lên nhưng hai khu đất quy hoạch xây trường có ký hiệu B9 và C4 vẫn chưa biết khi nào mới thành hiện thực. Tại đây được quây tôn và sử dụng vào mục đích khác như trông giữ xe, làm bãi đá bóng cho thuê, kinh doanh rửa xe.
UBND quận Cầu Giấy cho biết, riêng trên địa bàn quận hiện vẫn còn tới 23 khu đất quy hoạch xây dựng trường học từ mầm non đến THPT nhưng vẫn chưa được triển khai xây dựng. Một số khu đất được đầu tư trường theo mô hình xã hội hóa cũng bị chậm tiến độ. “Nhu cầu về nơi học tập cho các cháu trên địa bàn quận tăng rất nhanh. Trong khi đó việc đầu tư xây dựng trường học lại diễn ra quá chậm”, đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy nói. Ngay như tại các khu đô thị có nhiều năm đầu tư xây dựng, tình trạng đất xây trường bị bỏ hoang vẫn đang diễn ra. Ví dụ như khu đô thị Việt Hưng, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Văn Phú, Bắc An khánh, Cầu Giấy, Tây Nam Hà Nội, Đông Nam Trần Duy Hưng, Dịch Vọng...
Tình trạng bỏ hoang đất xây trường học còn diễn ra nhức nhối tại quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên…
Chính quyền bất lực?
Đã nhiều lần UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo về việc dành đất xây dựng trường nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. Nguyên nhân là những chỉ đạo này còn nặng về hô hào, thiếu các chế tài và giải pháp phù hợp. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, để xảy ra tình trạng tăng đột biến dân số trong các quận nội đô Hà Nội, nhất là khu vực phát triển là do thành phố Hà Nội chưa thực sự quan tâm đến việc điều tiết, phân bố dân cư. Tại hầu hết các dự án phát triển nhà ở, tiến độ xây dựng trường học đều theo tiến độ…rùa do chính quyền đã phần nào thả nổi chủ đầu tư trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhất là tiến độ xây dựng hạ tầng xã hội.
“Với cơ chế hiện nay, ngành giáo dục không can thiệp được vào tiến độ của các dự án mà trách nhiệm thuộc UBND thành phố”, ông Nghiêm nói. Theo phân tích của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, chỉ cần dân số tăng lên 1.000 người là đã dẫn đến biến động về nhu cầu trường học vì cứ 1.000 dân thì có thêm ít nhất 50 trẻ nhỏ, tương ứng với 2 nhóm trẻ. Với hàng trăm dự án đô thị tương ứng cả triệu dân thì nhu cầu rất lớn, hệ thống trường học cũ của các quận nội đô vốn xây dựng từ hàng chục năm trước không thể đáp ứng được.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một vị Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho rằng việc xây dựng trường chậm còn do quy chuẩn xây dựng trường học tại đô thị rất bất hợp lý. Điển hình như quy định là trường mầm non chỉ được cao tối đa 2 tầng, trường tiểu học 3 tầng và mật độ xây dựng dưới 40% là không phù hợp với thực tế quỹ đất tại nội đô Hà Nội và công nghệ xây dựng đã phát triển. “Nhiều dự án xây dựng trường gặp vướng mắc do quy trình thủ tục và cả nguồn vốn triển khai”, vị Phó Chủ tịch quận cho hay.
Tại các khu đô thị có nhiều năm đầu tư xây dựng, tình trạng đất xây trường bị bỏ hoang vẫn đang diễn ra. Ví dụ như khu đô thị Việt Hưng, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Văn Phú, Bắc An Khánh, Cầu Giấy, Tây Nam Hà Nội, Đông Nam Trần Duy Hưng, Dịch Vọng...
Theo Minh Tuấn - Hoa Ban
Tiền Phong