Lớp “bình dân học vụ” của học trò U60

(Dân trí)- Gần 1 năm nay, bên vùng đầm phá Tam Giang có một lớp học đều đặn mở cửa mỗi sáng. Điều đặc biệt ở lớp học này là tất cả học trò đã kết hôn, có con thậm chí có cháu nhưng vẫn ngày ngày cắp sách đến lớp để được học con chữ vỡ lòng…

Đêm đánh bắt, ngày “nuôi chữ”     

Chúng tôi tìm đến thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế vào một buổi sáng chớm hè, cảm giác mằn mặn vùng biển không khỏa lấp được những tiếng ê a tập đọc của các “bác học trò" một vùng quê nghèo. Thôn có 186 hộ thì số người không biết chữ chiếm hơn 60%. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào con tôm, cái tép với cái nghèo đeo đẳng nhưng nơi đây đang dần thoát khỏi cái nghèo con chữ, cái nghèo tri thức.

Tháng 7 năm 2010, chính quyền địa phương phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền mở thí điểm lớp xóa mù chữ ở thôn Ngư Mỹ Hạnh. Lớp được mở tại nhà cộng đồng thôn và do thầy Hồ Quang Chính đứng lớp mỗi sáng.

Thầy Chính cho biết: “Lớp có trên 40 học sinh, tất cả đều là những hộ dân nghèo của thôn Ngư Mỹ Hạnh. Nhìn các anh dù đã lớn tuổi nhưng rất chăm chỉ siêng học hỏi ngồi đánh vần từng con số, cái chữ tôi cũng thấy hạnh phúc và yêu nghề hơn”.

Lớp “bình dân học vụ” của học trò U60 - 1
Các “bác học trò” học tập rất nghiêm túc.

Được biết, hầu hết những học sinh đặc biệt này là những trụ cột trong gia đình nên nhiều người học được vài hôm lại xin nghỉ để đi làm. Nhờ được sự quan tâm động viên kịp thời của thầy Chính cũng như sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên người dân đến lớp ngày một đông.

Anh Nguyễn Thạ (43 tuổi) chia sẻ: “Khi mới vào học khó lắm, cứng tay cứng chân không răng (sao) viết  được. Nhưng sau một tháng tui cũng đã biết đánh vần, biết đọc, biết viết một nhiều rồi”.

Học trò lớn tuổi nhất trong lớp học này là bác Nguyễn Phong (58 tuổi) và được cả lớp gắn cho biệt danh “con mọt sách”. Bác Phong giãi bày: “Khi tui đi học mọi người trong gia đình phản đối ghê lắm, bảo già rồi nghỉ cho khỏe chứ có học cũng chẳng ích gì. Tui mặt kệ, có cái chữ là trên hết. Giờ tui có thể viết, đọc được rồi các chú à, sướng lắm!”.

Lớp “bình dân học vụ” của học trò U60 - 2
Nhiều học sinh còn lớn tuổi hơn cả thầy giáo.

Nhân rộng mô hình

Nói về lớp học xóa mù chữ này, ông Nguyễn Văn Minh - trưởng thôn Ngư Mỹ Hạnh cho hay: “Vì cuộc sống quanh năm gắn liền với sông nước, trình độ dân trí thấp nên bà con ai cũng muốn được biết đọc, biết viết. Hơn nữa học miễn phí nên họ tham gia rất nhiệt tình”.

Từ khi có con chữ, cuộc sống của người dân nơi đây đã có những thay đổi lớn lao. Nhiều mô hình kinh tế ra đời, dân trí không ngừng được nâng lên. Anh Nguyễn Thạ tâm sự: “Từ khi biết đọc, tôi tự mua sách hướng dẫn nuôi gà về tham khảo, kết hợp các lớp tập huấn của xã nên công tác chăn nuôi bước đầu khá thuận lợi”. Anh hào hứng cho biết thêm có chữ rồi thì không còn lo lắng khi đi lên huyện để chứng giấy hay đi vay vốn nữa.
 
Ông Phan Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền cho biết: “Lớp học xóa mù chữ ở thôn Ngư Mỹ Hạnh là lớp thí điểm trong dự án xóa nạn mù chữ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bước đầu chúng tôi đã thu được những thành công nhất định, hơn 80% hộ dân ở thôn Ngư Mỹ Hạnh đã biết đọc biết viết”.

Ông Duyên cho biết thêm trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này sang một số địa phương khác của huyện như Quảng Phước, Quảng Phú, Quảng Ngạn, Quảng Thái… Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện hỗ trợ 100% sách vở, bút viết cho các đối tượng lớp mù chữ, cử cán bộ đến từng hộ gia đình động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể đến được các lớp học.

Chia tay thôn Ngư Mỹ Thạnh, trong tâm trí chúng tôi vẫn in rõ hình ảnh các chú các bác, những người đầu hai thứ tóc vẫn đang từng ngày “đánh vật” với từng cái chữ, con số. Mong rằng trong tương lai không xa, 100% hộ dân của vùng quê nghèo này sẽ biết đọc, biết viết.

Bài và ảnh: Hào Phạm - Xuân Sinh