Thanh Hóa:

Loạn thu, chi ở trường nghèo

(Dân trí) - Cố tình thu những khoản đã quy định cấm, cùng một hạng mục nhưng dùng hai loại tiền để chi nhằm lấp liếm những khoản tiền dôi dư thu về từ học sinh…Đó là tình trạng loạn thu, chi đang diễn ra tại trường tiểu học Đông Tiến A (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).

1 năm học dùng 9 triệu đồng mua hoa, cây cảnh

Dù ở một vùng quê nghèo của huyện Đông Sơn thế nhưng ngay đầu năm học, nhiều gia đình khốn đốn vì "oằn mình" đóng tiền học cho con. Ngay cả những khoản thu đã được cấm thu, trường này vẫn đề ra để tận thu của học sinh.

Cụ thể, ngoài những khoản bắt buộc, trường tiểu học Đông Tiến A đưa ra hơn chục khoản thu khác. Trong đó gồm tiền bảo vệ: 60.000đ/hs, tiền điện 60.000đ/hs, nước uống: 45.000đ/hs, tu sửa nhỏ: 300.000đ/hs, lao động+vệ sinh môi trường: 140.000đ/hs, phong trào: 70.000đ/hs, quỹ lớp 200.000đ/hs, quỹ phụ huynh:150.000đ/hs, gửi xe đạp: 130.000đ/hs, hỗ trợ giáo dục: 1 triệu đồng/hs, đề thi giấy thi: 40.000đ/hs (khối 1), 20.000đ (khối 2+3), 25.000đ/hs (khối 4,5)....

Trong khi công văn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa quy định rất rõ việc không được thu tiền bảo vệ, tiền điện sáng của học sinh do đã có ngân sách rót kinh phí về cho khoản này nhưng trường này vẫn thu; tiền tu sửa nhỏ (xã hội hóa) công văn cấm đưa ra mức, bổ đầu học sinh thế nhưng trường này cũng “phớt lờ”.

Loạn thu, chi ở trường nghèo - 1
Dùng cả tiền hỗ trợ tu sửa nhỏ và tiền vệ sinh để mua hoa cây cảnh với tổng số tiền 9 triệu đồng
Dùng cả tiền hỗ trợ tu sửa nhỏ và tiền vệ sinh để mua hoa cây cảnh với tổng số tiền 9 triệu đồng

Đáng nói, tại kế hoạch thu, chi của nhà trường thể hiện việc thu hai loại tiền nhưng lại cùng chi cho 1 hạng mục như cùng dùng tiền tu sửa nhỏ và tiền vệ sinh để mua hoa, cây cảnh; cùng dùng tiền tu sửa nhỏ và tiền điện để sửa quạt…

Cụ thể, tiền điện thu tổng số tiền 14.100.000đ (do trừ một số em hoàn cảnh khó khăn), nhà trường đã dùng trả tiền điện sáng 10.800.000đ/năm, chi đột xuất 1.300.000đ. Đặc biệt, dù đã thu tiền tu sửa nhỏ 300.000đ/hs để dự kiến chi vào việc sửa điện, sửa quạt 7 triệu đồng nhưng trường này vẫn dự kiến dùng tiền điện học sinh đóng để tiếp tục chi vào việc sửa quạt, điện 2 triệu đồng.

Không những vậy, dù giá thị trường của 1 chiếc quạt trần trường này đang sử dụng chỉ ở mức 500.000đ nhưng trường này chi đến 500.000đ cho sửa 1 chiếc quạt. Với 10 chiếc quạt, số tiền sửa lên đến 5 triệu.

Ngoài ra, đối với tiền vệ sinh, tổng thu 32.900.000đ. Dù chỉ 1 người dọn vệ sinh nhưng trường này chi trả cho việc quét lớp riêng và dọn vệ sinh sân trường, khuôn viên riêng. Riêng chi cho 2 lần phun thuốc cỏ lên đến 2 triệu đồng và còn “vẽ” ra việc dùng tiền này để lắp đường ống nước ra khu vệ sinh cùng với việc sửa chữa, quét dọn đột xuất số tiền lên đến 3 triệu đồng.

Và dù dự kiến dùng tiền tu sửa nhỏ để mua hoa, cây cảnh lên đến 5 triệu đồng, trường này tiếp tục dùng tiền vệ sinh để mua hoa, cây cảnh với số tiền 4 triệu đồng.

Tiền bảo vệ với tổng số tiền 14.700.000đ. Nhà trường đã chi trả cho bảo vệ 1 tháng 1.200.000đ/tháng x 12 tháng là 14.400.000đ. Dù đã trả 12 tháng bảo vệ, nhưng lại có thêm khoản trực đột xuất 300.000đ.

Như vậy, không những ngân sách rót về cho tiền điện, tiền bảo vệ nhà trường không phải bỏ ra chi trả mà trường này cố tình lập dự toán bất hợp lý như trên để lấp liếm đi số tiền dôi dư mà học sinh đóng.

Tiếp đó, nhà trường thu tiền quỹ hội phụ huynh lên đến hơn 35 triệu đồng, nhưng số tiền này không được chi theo đúng quy định của Thông tư 55 mà chi rất nhiều khoản trái quy định như chi tổ chức đón Tết âm lịch, chi cho học sinh thi cấp huyện, tỉnh… số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Một phụ huynh có con đang theo học tại đây bức xúc: “Không riêng gì năm học này, năm nào cũng thế, nhà trường cũng đưa ra hàng loạt khoản thu, phụ huynh chúng tôi không biết kêu ai cả. Trường đưa ra thì phải đóng thôi, không đóng thì con không được đi học”.

Ông Nguyễn Đại Dương, Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Tiến A
Ông Nguyễn Đại Dương, Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Tiến A

Trao đổi về vấn đề trên ông Nguyễn Đại Dương, Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Tiến A xác nhận những khoản thu mà phụ huynh phản ánh. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng ngân sách nhà nước rót về quá ít không đủ để chi trả nên mới huy động phụ huynh đóng góp để trả tiền bảo vệ và điện sáng.

Thu nhưng không biết chi thế nào

Ngoài việc thu chi sai quy định, bất hợp lý, hiệu trưởng trường này còn đặt ra khoản thu có tên gọi là hỗ trợ giáo dục với mức 1 triệu đồng/hs. Tổng số tiền thu về cho 255 học sinh là 255 triệu đồng, số tiền không hề nhỏ khiến phụ huynh vô cùng bức xúc.

“Chúng tôi không hiểu hỗ trợ giáo dục là hỗ trợ cái gì, vì chúng tôi đã đóng rất nhiều khoản để hỗ trợ nhà trường từ nước uống, điện sáng, bảo vệ, tu sửa cơ sở vật chất… vậy thì số tiền 1 triệu này là hỗ trợ cái gì mà đi họp không ai cho chúng tôi biết, chỉ nói là phải hỗ trợ chừng nấy tiền. Với số tổng số học sinh như vậy, số tiền nhà trường thu về rất lớn không biết sử dụng vào mục đích gì” – một phụ huynh băn khoăn.

Ngôi trường nghèo, nơi học sinh oằn mình gánh lạm thu
Ngôi trường nghèo, nơi học sinh oằn mình gánh lạm thu

Khi được hỏi về khoản tiền này, hiệu trưởng nhà trường cho rằng đó là tiền hỗ trợ giáo viên ngoài giờ. “Nếu bố mẹ đón con muộn một chút thì hỗ trợ thêm cho các cô” – ông Dương nói.

Đáng nói, khi PV hỏi rằng nếu những gia đình không đón con muộn thì sao vẫn phải đóng thì ông Dương không trả lời được còn việc hỗ trợ cho giáo viên với mức bao nhiêu thì ông hiệu trưởng này nói chưa hoạch toán cụ thể.

Liên quan đến việc trên, PV đã nhiều lần liên lạc với ông Chu Quang Phúc, Trưởng phòng giáo dục huyện Đông Sơn để xin lịch làm việc, tuy nhiên ông Phúc không nghe máy.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm