Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2023 đến Hà Nội
(Dân trí) - Đến với Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) thường niên lần thứ năm từ ngày 1-7/12/2023 tại Hà Nội, khán giả có cơ hội khám phá điểm giao thoa giữa công nghệ và con người.
Được khởi xướng từ năm 2019, VFCD do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cùng các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo.
Chủ đề liên hoan năm nay, "Trí tuệ và Công nghệ", khám phá vai trò thiết yếu của thiết kế ở giao điểm giữa công nghệ và con người, thông qua các phiên thảo luận, hội thảo, triển lãm, và nhiều hoạt động khác.
Liên hoan năm nay đã diễn ra ở TPHCM từ ngày 13-19/11/2023 trước khi đến Hà Nội.
Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế RMIT Việt Nam, kiêm trưởng ban tổ chức liên hoan, nhận định rằng công nghệ là động lực cho sự đổi mới và chuyển đổi nhưng cũng là nguồn gốc của những thách thức và tình huống khó xử.
"Khi bước vào kỷ nguyên mới của số hóa và tự động hóa, chúng ta cần tự hỏi: Làm thế nào để khai thác tiềm năng của công nghệ và các công cụ mà nó cung cấp để nâng cao khả năng sáng tạo và năng suất của con người? Có cách nào để đối phó với những rủi ro và bất ổn mà công nghệ và các công cụ có thể tạo ra cho xã hội và văn hóa con người? Làm thế nào chúng ta có thể cân bằng giữa con người và máy móc, trí tuệ và vật chất, nghệ thuật và khoa học?", Giáo sư Julia Gaimster nói.
Cũng theo Giáo sư Julia Gaimster, với mong muốn trả lời những câu hỏi trên, điểm nhấn của liên hoan năm nay là triển lãm "Trí tuệ và Công nghệ". Triển lãm mở cửa tự do xuyên suốt liên hoan, trưng bày các tác phẩm vật lý, kỹ thuật số và tương tác sử dụng công nghệ mới như AR, VR và AI.
Liên hoan tại Hà Nội còn bao gồm những hoạt động nổi bật khác như hội thảo "Di sản tương lai: Trí tuệ sáng tạo và tác động tới di sản tương lai tại Việt Nam", workshop "Dệt may mã hóa: Tương lai di sản", trò chuyện "Thành phố Hà Nội năm 2048",…
Từ khi ra mắt, VFCD đã hỗ trợ chiến lược quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển văn hóa và kinh tế - xã hội của đất nước. Liên hoan cũng góp phần đặt nền móng cho việc thiết lập một "vành đai sáng tạo" trải dài khắp đất nước qua việc mở rộng mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam.
Năm 2023 đánh dấu đồng thời 5 năm liên hoan và 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia. Trong thời gian qua, VFCD thường xuyên kết nối những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo từ hai quốc gia.
Giáo sư Julia Gaimster nhận định: "Mối quan hệ ngoại giao 50 năm giữa hai nước là một thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. VFCD đề cao hợp tác văn hóa giữa hai nước và tôn vinh những cơ hội mà quan hệ đối tác sáng tạo có thể tạo ra".
Để tìm hiểu thêm về VFCD 2023, truy cập https://www.facebook.com/vfcd.events.