Lì xì: Đừng để thói xấu lây sang con trẻ

(Dân trí) - Cách đây không lâu, một phụ huynh đăng tải câu chuyện con trai của một người bạn sau khi được lì xì (mừng tuổi), đã mở phong bao trước mặt khách. Cháu reo lên: “Ôi được 50 nghìn thôi mẹ ạ” khiến cả khách và chủ đều “muối mặt” trước hành động thiếu tế nhị ấy...

Câu chuyện không phải cá biệt bởi hầu như hiện nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, khi đi đến đâu, nhà nhà, người người đều lì xì như một cách… “trả lễ”.

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc. Dù ngày nay, việc đón Tết Nguyên đán đã có ít nhiều thay đổi, nhưng nét đẹp ngày xuân này vẫn dịp Tết.

Tuy nhiên, dạy con trẻ ứng xử với tục lệ này ra sao, để cả người cho và người nhận đều cảm thấy vui vẻ.

lixiheovang2-1546978527610507063501.jpg

Cần dạy con trẻ ứng xử với việc lì xì ra sao, để cả người cho và người nhận đều cảm thấy vui vẻ.

 

Theo một số chuyên gia, nếu trước đây, việc lì xì chỉ dành cho trẻ con thì ngày nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, đời sống người dân cũng no đủ hơn trước thì tục lì xì cũng có nhiều thay đổi.

Trong dịp Tết Nguyên đán, ông bà, cha mẹ cũng nhận được phong bao lì xì từ con cháu trong nhà. Với ý nghĩa con cháu mong muốn cầu chúc cho ông bà, cha mẹ mình sống lâu bên con cháu. Thậm chí ở cơ quan, doanh nghiệp, người ta lì xì nhau như món quà tặng đầu năm.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lì xì hay mừng tuổi đầu xuân là phong tục đẹp của người Việt để chúc mừng cho người trên khỏe mạnh, học hành hay công việc tiến tới.

Việc lì xì trên quan hệ bè bạn, cơ quan doanh nghiệp, được thể hiện bằng cách cho vào bao đỏ đồng tiền nhỏ, mới đúng là lì xì.

Hành động lì xì như lời chúc cho người trên khỏe mạnh, chúc cho người nhỏ học hành tiến tới, ngoan ngoãn chăm ngoan.

Thế nhưng phong tục tốt đẹp đó đang biến tướng thành chuyện đút lót. Và đút lót trong ngày tết như “thời gian vàng và không gian vàng” mà cả hai bên đều tự nhủ là không tiêu cực, người đút lót cũng không ngại mình đút lót.

PGS Đức đưa ra thí dụ, chẳng hạn việc “cho/nhận” này để được ưu đãi trong làm ăn, điều đó tạo ra lòng tham và mất đi giá trị thiêng liêng và ý nghĩa nhân bản của tục lệ lì xì.

Điều đáng nói, thói xấu này có thể sẽ lây sang con trẻ. Chẳng hạn, chúng sẽ nghĩ, sau này làm quan chức, mình sẽ phải đòi hỏi người khác lì xì thế nào.

“Thói xấu này làm hỏng thế hệ trẻ của chúng ta và đây là điều đáng lo bởi xã hội xử sự với nhau trên cơ sở mua bán mọi lợi ích theo nghĩa nào đó”, PGS Đức chia sẻ.

li xi.jpg

Tuyệt nhiên không nên cho con mở quà hay mở lì xì trước mặt khách (Ảnh: minh họa)

 

Theo tục lệ, phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Thế nhưng việc để trẻ con có những hành động chưa đẹp mắt khi nhận lì xì vào dịp tết, khiến nhiều người suy nghĩ. 

Theo PGS Đức, có nhiều cách giáo dục trẻ biết sử dụng đồng tiền lì xì ý nghĩa và đúng đắn, đặc biệt là thái độ khi nhận.

Đối với trẻ em, tốt nhất các con nên góp với bố mẹ để mua quà sinh nhật trong năm, mua gì đó kỷ niệm hoặc giúp con làm từ thiện với những người thiếu may mắn.

Tuyệt nhiên ta không nên cho con mở quà hay mở lì xì trước mặt khách mà nên góp vào để bố mẹ giữ hộ. Đây cũng là ân nghĩa như là món nợ, là ý nghĩa đồng tiền.

Đặc biệt, các gia đình không nên khoe hay so sánh số tiền nhận được sau khi lì xì sẽ kích thích lòng tham của trẻ. Bố mẹ phải tế nhị hơn khi dạy trẻ đón nhận phong bao lì xì từ người khác.

Mỹ Hà